Sáng ngày 17/8/2023, tại thành phố Huế, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền giáo dục lịch sử Đảng.
Dự và chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viên Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Hải Bình - Ủy viên dự khuyết Trung ương, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Dương Trung Ý - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Lê Trường Lưu - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế. Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương; thường trực các các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; lãnh đạo và cán bộ tham mưu lịch sử Đảng của Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy trong cả nước.
Hội nghị đánh giá: Qua 05 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư, các cấp ủy quam tâm, sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 20 của Ban Bí thư, có sự đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất và con người, tạo điều kiện quan trọng nâng cao chất lượng các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng, tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức trong toàn hệ thống chính trị về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác lịch sử Đảng. Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng được chú trọng và đẩy mạnh (đa số các địa phương đã biên soạn xong lịch sử đảng bộ cấp tỉnh; 2/3 địa phương đã biên soạn xong lịch sử đảng bộ cấp huyện và ½ địa phương đã biên soạn xong lịch sử đảng bộ cấp xã. Theo thống kê chưa đầy đủ của 63 tỉnh, thành phố, từ năm 2012 đến năm 2022 có hơn 7.700 công trình lịch sử đảng bộ tỉnh, thành phố và các công trình lịch sử cấp tỉnh; lịch sử đảng bộ cấp huyện và cấp xã được biên soạn và xuất bản). Công tác sưu tầm, lưu trữ, bảo quản tư liệu lịch sử được chú trọng đẩy mạnh và triển khai thực hiện số hóa. Công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng được quan tâm hơn, triển khai có hệ thống, bài bản và sâu rộng, nhất là chú trọng tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ…
Hội nghị cũng nhìn nhận những hạn chế trong thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư như: Một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm đúng mức đến công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền giáo dục lịch sử Đảng; một số công trình lịch sử xuất bản nhưng chất lượng chưa cao; công tác tuyên truyền, giáo dục các ấn phẩm lịch sử Đảng có lúc, có nơi chưa được thường xuyên, liên tục, hiệu quả chưa cao; một số địa phương gặp khó khăn trong phân bổ kinh phí biên soạn lịch sử Đảng; đội ngũ cán bộ, chuyên viên làm công tác lịch sử Đảng ở các địa phương còn mỏng, nghiệp vụ chưa cao, thiếu tính chuyên sâu…Nguyên nhân của những hạn chế chủ yếu là do nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò của lịch sử Đảng; tư tưởng ỷ lại và trông chờ cấp trên, thiếu tính chủ động; đội ngũ làm công tác tham mưu còn thiếu và yếu về chuyên môn…
Tại Hội nghị có 10 tham luận, một số ý kiến tham gia thảo luận của các cơ quan chuyên môn lịch sử Đảng và các địa phương tập trung làm rõ thêm những kết quả đạt được, những hạn chế, kiến nghị, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn để tiếp tục triển khai thực hiện tốt hơn Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị - Giám đốc Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, thường xuyên, sâu rộng, sáng tạo và hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư trong toàn Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội. Chú trọng đổi mới phương pháp nghiên cứu, biên soạn; nội dung, cách thức tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Trong thời gian tới cần tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư, về ý nghĩa, vai trò của việc nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng đối với công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Hai là, xác định trách nhiệm của cấp ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện, đảm bảo thiết thực, phù hợp với điều kiện địa phương, đơn vị.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, biên soạn, nâng cao chất lượng, tính ứng dụng của các công trình lịch sử Đảng; đa dạng nội dung, cách thức tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các nền tảng truyền thông hiện đại; số hóa dữ liệu trong quản lý, lưu trữ, khai thác tư liệu, ấn phẩm lịch sử.
Bốn là, tiếp tục kiện toàn, sắp xếp, bổ sung và nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác lịch sử. Có cơ chế, chính sách để thu hút những người có năng lực, trình độ cao, đúng chuyên ngành phục vụ công tác. Chú trọng đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho việc nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình trong công tác; phát huy nhân rộng những cách làm hay, tạo sức lan tỏa trong xã hội về lịch sử truyền thống, lịch sử cách mạng; tăng cường và nâng cao ý thức đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, ý thức xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Hồng Thái