Sign In

Chung tay cùng cả nước gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” IUU

10:35 08/05/2024
Với đường bờ biển dài trên 116 km, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế rộng trên 2 vạn km2, nguồn tài nguyên thủy sản phong phú, có 5 cửa sông đổ ra biển, cảng nước sâu Hòn La, hệ thống giao thông đồng bộ, kết nối thuận lợi với các tỉnh, thành trong nước và khu vực… Quảng Bình có nhiều lợi thế để phát triển mạnh mẽ các ngành kinh tế biển, trong đó khai thác và nuôi trồng thủy hải sản đang đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của tỉnh; tuy nhiên, để ngành thủy sản phát triển bền vững, vẫn còn rất nhiều thách thức đặt ra.

 

 

Ngày 29/9/2008, Ủy ban Châu Âu (EC) ban hành Quy định 1005/2008 về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), có hiệu lực tháng 01/2010, trong đó cấm các lô hàng thủy sản khai thác IUU nhập khẩu vào Châu Âu, nếu vi phạm sẽ bị cảnh cáo “Thẻ vàng” và cho thời hạn để khắc phục; nếu không khắc phục được sẽ bị cảnh cáo “Thẻ đỏ”, cấm xuất khẩu vào Châu Âu.

Ngày 23/10/2017, Việt Nam bị EC cảnh báo “Thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác xuất khẩu vào thị trường EU với lý do vi phạm quy định về chống khai thác IUU. Hệ quả là 100% lô hàng có nguồn gốc từ hải sản khai thác bị dừng để kiểm tra dẫn đến chi phí xuất khẩu tăng cao, thời gian thông quan kéo dài gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, ảnh hưởng đến đời sống, sinh kế của ngư dân, đến sự phát triển bền vững của ngành thủy sản,...

Đối với tỉnh Quảng Bình, hiện toàn tỉnh có 4.040 tàu cá từ 6m trở lên, trong đó: Có 2.385 tàu cá từ 6-12m; 461 tàu từ 12-15m; 1.157 tàu cá từ 15-24m; 37 tàu từ 24m trở lên. Công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn nhất định.

Tàu cá của ngư dân neo đậu tại Khu neo đậu tránh trú bão Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn

Xác định việc chống khai thác IUU, tháo gỡ “thẻ vàng” của EC là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, vì vậy, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các địa phương trong cả nước quyết tâm, nỗ lực thực hiện các giải pháp gỡ “thẻ vàng”.

Thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chống khai thác IUU, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đã ban hành nhiều văn bản để tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; quán triệt người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội nâng cao tinh thần trách nhiệm, thống nhất từ nhận thức đến hành động của cả hệ thống chính trị để triển khai đồng bộ các giải pháp chống khai thác IUU và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đặc biệt, ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư.

Để góp phần chung tay cùng cả nước gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”, thời gian tới, tỉnh Quảng Bình xác định tăng cường công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh với một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

1. Xác định công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thuỷ sản; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là các cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm trực tiếp đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự thống nhất, đồng bộ, quyết tâm cao thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” trong năm 2024 và duy trì kết quả bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo.

Tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 15/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và cộng đồng ngư dân ven biển về phát triển bền vững ngành thuỷ sản, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định. Chú trọng công tác vận động, nắm tình hình, kịp thời phát hiện từ sớm, từ xa, ngăn chặn ngay từ trong bờ tàu cá và ngư dân cố ý vi phạm, nhất là khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng, các cơ quan báo chí trong công tác vận động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật, kịp thời phản ánh vi phạm, biểu dương tổ chức, cá nhân thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật về chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp góp phần cùng cả nước sớm gỡ bỏ cảnh báo “Thẻ vàng” theo mục tiêu đề ra.

2. Thực hiện có hiệu quả nghị quyết, chủ trương của Đảng; Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các quy hoạch, chiến lược, chương trình quốc gia liên quan đến phát triển bền vững và hội nhập quốc tế ngành thuỷ sản. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; khắc phục kịp thời hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Chú trọng chính sách nuôi trồng, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, bảo quản, chế biến phục vụ xuất khẩu; có giải pháp cải thiện sinh kế, đào tạo nghề, tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi, bám biển, nâng cao cuộc sống.

 3. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước, năng lực thực thi pháp luật; phát huy vai trò của Văn phòng kiểm tra, kiểm soát nghề cá tỉnh Quảng Bình trong công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; bảo đảm công cụ, phương tiện phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của các lực lượng chấp pháp trên biển. Tăng cường quản lý tàu cá, phấn đấu hoàn thành việc đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép, lắp đặt thiết bị giám sát thiết bị giám sát hành trình (VMS) và cập nhật dữ liệu tàu cá của tỉnh vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia. Thực hiện nghiêm việc xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thuỷ sản khai thác. Nâng cao tỷ lệ giám sát sản lượng thuỷ sản khai thác trên biển, tại các cảng trên địa bàn tỉnh; không có sản phẩm thuỷ sản bất hợp pháp xuất khẩu ra nước ngoài.

Nghiên cứu, huy động đa dạng các nguồn lực để phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng thuỷ sản. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong nuôi trồng, khai thác thuỷ sản, thiết lập chuỗi sản xuất bền vững, hệ sinh thái toàn diện, tạo môi trường thuận lợi cho ngành thuỷ sản phát triển lâu dài, có uy tín, khả năng cạnh tranh cao, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thích ứng biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường. Đồng thời, chú trọng bảo tồn, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thuỷ sản; phát triển ngành thuỷ sản phải gắn với bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của ngư dân và người lao động có liên quan; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị tỉnh, ý thức trách nhiệm của từng ngư dân, chủ tàu, hy vọng sẽ đáp ứng đầy đủ các quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, cùng với cả nước gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” IUU, phát triển bền vững ngành thủy sản của tỉnh.

H.L 

 

 

Tag:

File đính kèm