Sign In

Một số kết quả 05 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 23-NQ/TW)

22:26 07/10/2023
Sau khi Nghị quyết số 23-NQ/TW được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền tổ chức nghiên cứu, tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết số 23-NQ/TW đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, đoàn viên, hội viên, doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, nội dung tuyên truyền tập trung vào các vấn đề về tầm quan trọng, lợi ích lâu dài của việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp, góp phần đẩy nhanh phát triển công nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại gắn với nền kinh tế tri thức, bảo vệ môi trường; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.



Trong giai đoạn 2018 - 2022, tỷ trọng ngành công nghiệp trong cơ cấu GRDP tăng từ 12,25% năm 2018 lên 13,05% năm 2022, trong đó, tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2022 chiếm 9,67%. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng khá, bình quân hàng năm đạt 8,2%; năm 2022, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp đạt 14,1%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng của ngành công nghiệp với mức tăng 8,2% năm 2022, đóng góp 0,77 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng GRDP của tỉnh. Bình quân hàng năm giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,1%.

Năng suất lao động công nghiệp tăng từ 101,5 triệu đồng/lao động năm 2018 lên 124,5 triệu đồng/lao động năm 2022. Tỷ lệ lao động có sự chuyển dịch từ lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, cụ thể, tỷ lệ này năm 2018 chỉ chiếm 50,1% đã tăng 68,2% năm 2022. Riêng tỷ lệ lao động làm việc trong ngành công nghiệp từ 7,2% năm 2018 lên 14,2% năm 2022.

Tỉnh đã tập trung lãnh đạo tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ về chính sách phân bố không gian và chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp ưu tiên. Xây dựng chính sách phân bổ không gian bảo đảm tập trung, trọng tâm, trọng điểm, trước hết ưu tiên lựa chọn phát triển tại các vùng, địa phương đã bước đầu hình thành các khu, cụm công nghiệp hoặc có lợi thế về giao thông, địa kinh tế, tài nguyên, lao động, logistic, có khả năng trở thành động lực tăng trưởng, như: Vùng công nghiệp phía Bắc với hạt nhân là Khu kinh tế Hòn La, các Khu công nghiệp Cảng biển Hòn La, Hòn La II, Cửa ngõ phía Tây, Quảng Trạch và các cụm công nghiệp Quảng Thọ, Quảng Long, Cảnh Dương, Trung tâm Quảng Trạch, Thanh Trạch; Vùng công nghiệp trung tâm thành phố Đồng Hới và vành đai lân cận các huyện Bố Trạch, Quảng Ninh; vùng công nghiệp phía Nam, với khu công nghiệp Cam Liên, Bang và các cụm công nghiệp Mỹ Đức, Sen Thủy, Thái Thủy… và vùng sản xuất vật liệu xây dựng trọng điểm của tỉnh tại các huyện Tuyên Hoá, Quảng Ninh.



Khu Kinh tế Hòn La - hạt nhân của vùng công nghiệp phía Bắc tỉnh

Tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp từ các ngành công nghiệp sơ chế, chế biến thô, có giá trị thấp sang phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao như sản xuất nhiệt điện, năng lượng tái tạo, chế biến nông thủy sản, hóa chất… Theo đó, công nghiệp khai khoáng từ chiếm tỷ trọng 4,9% năm 2018 giảm xuống 4,6% năm 2022; công nghiệp sản xuất và phân phối điện từ tỷ trọng 1,7% năm 2018 tăng lên 2,6% năm 2022… Tiếp tục thực hiện chính sách phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên và công nghiệp chủ lực tại địa phương, phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đã bố trí hơn 28 tỷ đồng để khuyến khích phát triển công nghiệp và xúc tiến thương mại. Đẩy mạnh phát triển, các ngành công nghiệp chủ lực tại địa phương, mức tăng trưởng bình quân các ngành cơ bản đảm bảo, như: Sản xuất sản phẩm khoáng phi kim loại khác đạt 6,8%/năm; may mặc đạt 11,2%/năm; sản xuất, chế biến thực phẩm đạt 10,2%/năm; sản xuất chế biến gỗ, sản phẩm từ gỗ và sản xuất đồ nội thất đạt 11,2%/năm…

UBND tỉnh đã triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại 3 cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh theo quy định. Cổng dịch vụ công/Hệ thống một cửa điện tử tỉnh và 100% bộ phận một cửa các cấp đã triển khai Bộ nhận diện thương hiệu thống nhất theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, thường xuyên được hoàn thiện.

Tỉnh đã thực hiện đồng bộ, quyết liệt chủ trương về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, phát triển doanh nghiệp tư nhân, thu hút FDI; tạo điều kiện để kinh tế tư nhân đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh trong những ngành, lĩnh vực có thế mạnh của địa phương nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, ổn định để các doanh nghiệp đóng góp ngày càng cao vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế của doanh nghiệp trong tỉnh; quan tâm công tác xúc tiến đầu tư nhằm huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp…



Hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Bình và Xúc tiến đầu tư năm 2023
“Đưa Quảng Bình đến gần nhà đầu tư”

Thực hiện tốt công tác hỗ trợ phát triển doanh nghiệp theo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các chính sách hỗ trợ của tỉnh. Đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, trong quá trình thẩm định, cấp chủ trương đầu tư ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ “cao, mới, sạch, tiết kiệm”. Đến nay, một số dự án trọng điểm đã hoàn thành, đi vào hoạt động và đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh, đồng thời mang lại nhiều việc làm cho người lao động tại địa phương, cụ thể như: Cụm trang trại điện gió B&T tại huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy; Nhà máy điện mặt trời Dohwa tại huyện Lệ Thủy, các dự án viên nén năng lượng, chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, sản xuất trang phục, chế biến thực phẩm…

Công tác phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh nói chung và đối với lĩnh vực công nghiệp nói riêng được quan tâm. Tỉnh đã ban hành và hỗ trợ tổ chức thực hiện tốt chính sách ưu đãi tuyển dụng, sử dụng lao động tại chỗ và hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động trong các doanh nghiệp tại địa phương góp phần thực hiện mục tiêu đẩy mạnh công tác xã hội hóa đào tạo nghề, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm ổn định, bền vững cho người lao động. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức đào tạo nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp, qua đó đã cơ bản đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 67,7%, trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 28,2%;  tỷ lệ lao động sau đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng có việc làm chiếm 83%, có một số ngành nghề đạt 100%. Tỷ lệ lao động sau đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng có việc làm, có thêm việc làm và thu nhập đạt từ 76%, các nghề công nghiệp đạt tỷ lệ cao hơn khoảng trên 80%...

Công tác quản lý khoa học và công nghệ được chú trọng, góp phần lựa chọn các công nghệ, thiết bị hiện đại, tiến tiến, thân thiện với môi trường… để từng bước nâng cao trình độ công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường có nhiều chuyển biến tích cực, dần đi vào nền nếp, đúng quy định của pháp luật. Công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt đạt kết quả cao, theo đó, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh tăng lên theo từng năm. Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, triển khai quyết liệt nhằm xử lý nhanh các phản ánh của báo chí, kiến nghị của cử tri về ô nhiễm môi trường, khai thác khoáng sản trái phép,...

Thái Hưng



Tag:

File đính kèm