Sign In

Nhìn lại 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư về “Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng” trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

09:17 09/11/2023
Quảng Bình có nguồn tài nguyên rừng đa dạng, phong phú, độ che phủ rừng được xếp vào hàng đầu cả nước với hơn 68,69%. Trong suốt quá trình phát triển, tỉnh luôn giữ vững quan điểm xuyên suốt là phát triển lâm nghiệp phải đồng bộ từ trồng rừng, cải tạo rừng, quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, bền vững tài nguyên rừng đến khai thác, chế biến lâm sản, dịch vụ môi trường rừng, du lịch sinh thái,... đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của tỉnh.

Tổng diện tích rừng hiện nay là 505,7 nghìn ha, trong đó rừng tự nhiên có trên 448,4 nghìn ha, rừng trồng gần 57,3 nghìn ha. Tổng trữ lượng gỗ rừng tự nhiên khoảng 30,9 triệu m3 gỗ, trong đó rừng giàu chiếm 13,4 triệu m3, chủ yếu phân bố ở vùng núi cao, giao thông đi lại khó khăn. Rừng có khoảng 250 loại lâm sản, nhiều loại quý hiếm như mun, lim, gụ, lát hoa, loại trầm gió, thông nhựa…

Sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tiếp tục được các cấp ủy, chính quyền của tỉnh quan tâm. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được đẩy mạnh, tạo sự thay đổi lớn về nhận thức, thái độ, trách nhiệm của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và Nhân dân về vai trò đặc biệt quan trọng của rừng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái và hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu. Diện tích rừng tự nhiên hiện có được quản lý và bảo vệ nghiêm ngặt. Diện tích rừng trồng tăng nhanh và ổn định, giai đoạn 2017 - 2022 đã trồng được 48.731 ha rừng. Trong đó, trồng rừng phòng hộ, đặc dụng 3.257 ha; trồng rừng sản xuất 45.471 ha (trong đó có 2.990 ha rừng gỗ lớn), diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC[1] là trên 6.300 ha. Diện tích rừng trồng tăng, cùng với bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên giúp cho tỷ lệ độ che phủ rừng đạt hơn 68,69% (tăng 0,84% so với trước khi ban hành Chỉ thị), đứng thứ hai toàn quốc.

Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được các cơ quan, ban, ngành chú trọng. Hàng năm, ngay từ đầu mùa khô, các địa phương và các đơn vị chủ rừng triển khai vệ sinh rừng, tu bổ các công trình phòng, chống cháy rừng; bố trí, sắp xếp lực lượng phòng, chống cháy rừng phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Chủ động xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng cấp xã và chủ rừng theo phương châm bốn tại chỗ “Lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ” để ứng phó với nguy cơ cháy rừng xảy ra. Nhờ thực hiện tốt và đồng bộ các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, nên giai đoạn từ 2017 - 2022 trên địa bàn tỉnh đã giảm về số vụ cháy và diện tích thiệt hại (năm 2017 xảy ra 08 vụ, thiệt hại 38,66 ha rừng; năm 2022 xảy ra 02 vụ cháy nhưng không thiệt hại về rừng).   

Công tác phòng, chống sạt lở đất rừng đã được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm thực hiện, như: Rà soát các khu vực đồi núi dốc, tầng đất yếu, nguy cơ sạt lở cao để tổ chức trồng rừng bằng các loài cây bản địa có bộ rễ ăn sâu, rộng và chắc. Các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng được các đơn vị, địa phương thực hiện chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng thi công dự án khi chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

Công tác giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp được cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt. Đến nay, cơ bản diện tích đất rừng trên địa bàn tỉnh đã có chủ, góp phần hạn chế tối đa tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng. Giai đoạn 2017 - 2022, đã giao được 508.006,94 ha rừng và đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư quản lý sử dụng.

Công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ tương đối phát triển. Trên địa bàn tỉnh hiện có 446 cơ sở chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ, trong đó có 173 tổ chức, 273 cá nhân. Phần lớn các cơ sở, doanh nghiệp chủ yếu sản xuất cưa xẻ gỗ, mộc dân dụng có quy mô vừa và nhỏ; sản phẩm chế biến chủ yếu là đồ gỗ nội thất, đồ mộc dùng trong gia đình như bàn ghế, tủ giường, ván sàn và đồ thủ công mỹ nghệ, dăm thô....

Công tác đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp liên ngành trong công tác bảo vệ rừng nhằm tạo sức mạnh tổng hợp, tạo sự đồng bộ, chuyên nghiệp trong thực thi công vụ, góp phần hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp và chống người thi hành công vụ, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh. Số vụ vi phạm và khối lượng lâm sản thu giữ ngày càng giảm. Trong 5 năm qua (2017 - 2022), lực lượng kiểm lâm và các ngành chức năng đã phát hiện và lập biên bản 3.913 vụ vi phạm hành chính về lâm luật, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp trái phép, giảm gần 48% về số lượng và mức độ so với cùng kỳ. Các vụ việc liên quan đến quản lý, bảo vệ, phát triển rừng đều được xử lý kịp thời, nghiêm túc, an ninh rừng được giữ vững, tình hình vi phạm lâm luật được hạn chế tối thiểu.

Tăng cường mở rộng mối quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế đầu tư phát triển lâm nghiệp thông qua các chương trình bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao năng lực quản lý cho ngành lâm nghiệp, tiếp nhận và thực hiện có hiệu quả các chương trình dự án trong và ngoài nước. Giai đoạn 2017 - 2022 đã kêu gọi và triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều Dự án ODA đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng với tổng kinh phí 226.743 tỷ đồng, nhất là: Chương trình Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và tăng cường trữ lượng các bon rừng tại Việt Nam (UN-REDD) giai đoạn II; Dự án Hiện đại hóa ngành Lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển (FMCR) tỉnh Quảng Bình và Dự án JICA 2, Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC)... Việc thực hiện các chương trình, dự án này đã giúp đào tạo, nâng cao năng lực cho các cán bộ, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, khoanh nuôi, trồng mới được hàng trăm ha rừng trên địa bàn tỉnh.

Ngoài một số kết quả đạt được, công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế, nhất là:  Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền một số địa phương, nhất là ở cấp xã trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng chưa cao; nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng chưa đa dạng, chưa phong phú, chưa thu hút được đông đảo người dân tham gia; tình trạng khai thác, phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép, tranh chấp, lấn chiếm đất lâm nghiệp giữa người dân với các đơn vị chủ rừng tại một số địa phương, vùng giáp ranh với các tỉnh vẫn còn xảy ra; giá trị rừng trồng còn thấp, sản phẩm chủ yếu là gỗ nhỏ, khai thác khi rừng còn non để bán dăm giấy, chưa đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu gỗ cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu, chưa tương xứng với tiềm năng về rừng và đất lâm nghiệp hiện có; các cơ sở chế biến vẫn ở mức sơ chế, chưa chú trọng đầu tư các dây chuyền công nghệ hiện đại để sản xuất ra các sản phẩm tinh, có giá trị cao phục vụ nhu cầu sử dụng cho người tiêu dùng; việc huy động nguồn lực từ xã hội, các thành phần kinh tế đầu tư vào bảo vệ, phát triển rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên vẫn còn hạn chế.

Trong thời gian tới, để làm tốt hơn công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, cần quan tâm thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và mỗi người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Thứ hai, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp theo hướng đồng bộ, thống nhất, tinh gọn, hoạt động có hiệu quả; phát huy vai trò, trách nhiệm của các ðịa phýõng, ðõn vị trong tổ chức thực hiện quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn; đồng thời phải nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ cho lực lượng kiểm lâm, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.

Thứ ba, triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ, phát triển bền vững rừng phòng hộ, rừng đặc dụng hiện có, tập trung làm tốt công tác bảo vệ rừng tại gốc; tăng cường kiểm tra, truy quét, phát hiện và xử lý dứt điểm các tụ điểm về phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản, động vật hoang dã trái phép, tranh chấp, lấn chiếm đất rừng,… Đồng thời, khai thác hiệu quả các giá trị về bảo tồn đa dạng sinh học, các loại hình dịch vụ như du lịch sinh thái. 

Thứ tư, đầu tư, khai thác và sử dụng có hiệu quả diện tích rừng, đất rừng sản xuất hiện có, phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng phục vụ chế biến theo quy hoạch; nghiên cứu lựa chọn các loài cây trồng chống chịu gió bão, nhất là đối với các địa phương ven biển, miền núi; quản lý, bảo vệ, nâng cao chất lượng rừng, xây dựng vùng nguyên liệu gỗ lớn, tiến tới xây dựng và cấp chứng chỉ rừng tự nhiên bền vững.

Thứ năm, tăng cường quản lý chặt chẽ các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp; thực hiện nghiêm túc việc dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên; hoàn thành việc cắm mốc ranh giới trên bản đồ và ngoài thực địa đến đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn và của các chủ rừng.

Thứ sáu, đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất, đặc biệt là hệ thống giao thông tại các vùng rừng sản xuất tập trung, hệ thống công trình phòng cháy, chữa cháy rừng; thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển rừng, du lịch sinh thái gắn với bảo vệ, phát triển rừng.

Thứ bảy, đẩy mạnh hoạt động chế biến, ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ gắn với xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường hợp tác quốc tế, đẩy mạnh hợp tác song phương với tỉnh giáp ranh biên giới (tỉnh Khăm Muồn, Lào) trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.

H.T

[1] FSC (viết tắt Forest Stewardship Council) - Hội đồng quản lý rừng quốc tế - được thành lập từ năm 1993, là một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế thực hiện nhiệm vụ quản lý và kiểm soát việc khai thác rừng bền vững.

Tag:

File đính kèm