Trên địa bàn huyện Lệ Thủy hiện nay có 03 xã miền núi biên giới là Kim Thủy, Ngân Thủy và Lâm Thủy với tổng diện tích đất tự nhiên là 97.859 ha, dân số có 8.917 người (chủ yếu là dân tộc Bru-Vân Kiều). Trong đó, riêng địa bàn xã Lâm Thủy có 441 hộ gia đình, với 1.789 nhân khẩu; xã Ngân Thủy có 683 hộ, với 2.705 nhân khẩu.
Theo báo cáo của Ban Thường vụ Huyện ủy Lệ Thủy, trong thời gian qua, quán triệt và tổ chức thực hiện Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; các nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới và miền núi tỉnh, chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng, hiệu quả mô hình “Dân vận khéo” tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gắn với việc đổi mới công tác dân vận tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tình hình mới, Ban Thường vụ Huyện ủy Lệ Thủy đã tích cực, chủ động có nhiều giải pháp lãnh đạo đổi mới thực chất, toàn diện công tác dân vận tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, rõ nét nhất là việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả mô hình công tác dân vận xây dựng các mô hình phát triển kinh tế - xã hội, mô hình “Dân vận khéo” tại các bản khó khăn trên địa bàn. Từ đầu năm 2023 đến nay, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã thực hiện được 32 công trình, phần việc với tổng kinh phí hỗ trợ cho 03 xã miền núi đạt được trên 4,6 tỷ đồng.
Trong đó, bổi bật là Ban Thường vụ Huyện ủy Lệ Thủy đã ban hành Thông báo số 332-TB/HU ngày 02/02/2023 phân công trách nhiệm cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện đảm nhận việc hỗ trợ xây dựng một số mô hình về phát triển kinh tế - xã hội ở các bản thuộc 03 xã miền núi Kim Thủy, Ngân Thủy và Lâm Thủy (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện chủ trì phụ trách, giúp đỡ bản Xà Khía, xã Lâm Thủy; Hội Cựu chiến binh huyện giúp đỡ bản Cẩm Ly, xã Ngân Thủy; Hội Nông dân huyện giúp đỡ bản KM 14 xã Ngân Thủy; Huyện Đoàn giúp đỡ bản Cửa Mẹc, xã Ngân Thủy; Liên đoàn Lao động huyện giúp đỡ bản Còi Đá, xã Ngân Thủy và Hội LHPN huyện giúp đỡ bản Khe Khế, xã Kim Thủy).
Đồng chí Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Dân vận Tỉnh ủy tặng quà
cho bản Còi Đá, xã Ngân Thủy
Trong quá trình tổ chức thực hiện Thông báo số 332-TB/HU, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện đã tích cực, chủ động phối hợp các đơn vị lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể các xã có liên quan để triển khai các giải pháp đồng bộ, phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa bàn, từng bản cụ thể, bước đầu đưa lại kết quả thiết thực.
Đoàn công tác khảo sát mô hình trồng sắn cao sản tại bản Bạch Đàn, xã Lâm Thủy
Cụ thể, từ đầu năm 2023 đến nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện đã hỗ trợ 05 mô hình sinh kế cho 5 hộ ở bản Bạch Đàn, xã Lâm Thủy bằng 10 cặp dê giống, với tổng kinh phí 50 triệu đồng; phối hợp hỗ trợ lặp đặt hệ thống đèn chiếu sáng tại bản Khe Khế, xã Kim Thủy với kinh phí 30 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng mô hình sinh kế chăn nuôi dê, với 12 con giống tại bản Bạch Đàn, xã Lâm Thủy, kinh phí 40 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng bồn hoa và khuôn viên nhà văn hóa bản KM 14 với kinh phí 10 triệu đồng; phối hợp với Ủy Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh xây dựng 51 nhà “Đại đoàn kết” tại các xã Ngân Thủy, Kim Thủy, với tổng kinh phí 2,5 tỷ đồng,...
Ban Thường vụ Huyện Đoàn Lệ Thủy đã có nhiều công trình, phần việc cụ thể tại bản Cửa Mẹc, xã Ngân Thủy, như hỗ trợ xây dựng mô hình sinh kế chăn nuôi gà cho 17 hộ gia đình, với kinh phí trên 15 triệu đồng; đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức chương trình tình nguyện “Xuân về trên bản” tại Trường PTDTBT TH và THCS số 1 Kim Thủy, với tổng trị giá quà tặng cho các em học sinh 80 triệu đồng; phối hợp với các ngành khởi công xây dựng 02 “Ngôi nhà hạnh phúc” tại các xã Kim Thủy và Lâm Thủy, xây dựng công trình “Sân chơi cho trẻ em” tại bản Khe Sung, xã Ngân Thủy, với tổng kinh phí 180 triệu đồng,... Hội Nông dân huyện đã hỗ trợ xây dựng công trình chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời tại bản Khe Sung, xã Ngân Thủy, với kinh phí 72 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng mô hình sinh kế chăn nuôi lợn tại bản KM 14, xã Ngân Thủy với 5 cặp con giống với kinh phí 15 triệu đồng,... Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện hỗ trợ xây dựng mô hình sinh kế chăn nuôi gà tại bản Khe Khế, xã Kim Thủy, với kinh phí gần 10,4 triệu đồng; phối hợp tổ chức chương trình “Xuân ấm áp – Tết yêu thương” tại 03 xã miền núi với tổng kinh phí trên 110 triệu đồng; tặng máy chế biến sữa hạt cho phụ huynh học sinh 03 xã, trị giá 24 triệu đồng,... Liên đoàn Lao động huyện hỗ trợ xây dựng mô hình sinh kế chăn nuôi lợn tại bản Còi Đá, xã Ngân Thủy, với kinh phí 10 triệu đồng; hỗ trợ cán bộ, đoàn viên, người lao động công tác tại 03 xã miền núi nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão gần 32 triệu đồng,...
Đoàn công tác khảo sát mô hình chăn nuôi dê tại bản Còi Đá, xã Ngân Thủy
Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị và các tổ chức xã hội, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Lệ Thủy cũng đã tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã miền núi huyện triển khai thực hiện nhiều giải pháp công tác dân vận cụ thể và hiệu quả.
Trực tiếp khảo sát kết quả thực hiện mô hình công tác dân vận hỗ trợ sinh kế bằng chăn nuôi dê tại bản Bạch Đàn, xã Lâm Thủy do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện hỗ trợ xây dựng năm 2023; mô hình nuôi dê do các ngành hỗ trợ tại bản KM 14, xã Ngân Thủy từ những năm trước, Ban Dân vận Tỉnh ủy nhận thấy, việc các cơ quan, đơn vị cấp huyện lựa chọn các loại giống vật nuôi để hỗ trợ xây dựng rất thiết thực, phù hợp với tập quán, sinh hoạt, sản xuất của các hộ gia đình trên địa bàn các xã miền núi. Vừa trao tặng giống, thức ăn, thuốc phòng, trị bệnh, các cơ quan, đơn vị có xây dựng mô hình thường xuyên trao đổi thông tin, tư vấn, hướng dẫn các hộ gia đình chăm sóc, phát triển, nhân rộng đàn vật nuôi, nhằm cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống kinh tế. Và quan trọng hơn, nhờ chú trọng việc “trao cần câu” hơn là “trao con cá”, quá trình xây dựng các mô hình công tác dân vận phát triển kinh tế - xã hội đã góp phần làm thay đổi nhận thức, ý thức vươn lên thoát nghèo trong đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều trên địa bàn. Đó chính là mục tiêu quan trọng nhất mà trong quá trình chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng mô hình “Dân vận khéo” ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy và Ban Dân vận Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm,...
Đoàn công tác cũng đã trực tiếp khảo sát mô hình hỗ trợ sinh kế bằng phát triển cây sắn cao sản tại bản Bạch Đàn, xã xã Lâm Thủy, do Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 79, thuộc Binh đoàn 15 phối hợp với các ngành cấp huyện xây dựng. Nhờ sự giúp đỡ, hướng dẫn, tư vấn tận tình của các cơ quan, đơn vị, đến nay, mô hình đã mở rộng được gần 50 ha, thu hút nhiều hộ gia đình tham gia sản xuất, hằng năm thu hoạch được khoảng 800 tấn sắn, đưa lại nguồn thu nhập khá cho các hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Cũng trong dịp đến khảo sát kết quả công tác dân vận xây dựng các mô hình phát triển kinh tế - xã hội tại các xã miền núi của huyện Lệ Thủy, đồng chí Phan Xuân Khánh, Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Dân vận Tỉnh ủy đã đến thăm, động viên ông Hồ Thanh Tình, già làng ở bản Bạch Đàn, xã Lâm Thủy; đến thăm, trao tặng quà động viên các chiến sỹ trực tại chốt dân quân thường trực xã Lâm Thủy và trao tặng quà cho bản Còi Đá, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy,...
Trương Văn Hà