Sign In

Kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam” trên địa bàn huyện Lệ Thủy

18:39 14/06/2024
Lệ Thủy là huyện nằm ở phía Nam tỉnh Quảng Bình, có diện tích tự nhiên là 1.401,8 km2, 26 đơn vị hành chính cấp xã (24 xã, 02 thị trấn). Dân số toàn huyện là 138.936 người, gồm 02 dân tộc chủ yếu là Kinh và Bru-Vân Kiều. Đảng bộ huyện có trên 11.800 đảng viên, với 55 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Huyện ủy. Nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Lệ Thủy đã tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

 

Quán triệt quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết số 33-NQ/TW, Chương trình hành động số 28-CTr/TU ngày 29/9/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Nghị quyết, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng kế hoạch tổ chức quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện trong các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện toàn diện trên các mặt công tác, với nhiều nội dung thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của mảnh đất và con người Lệ Thủy, tạo nguồn sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững của quê hương.

Quán triệt sâu sắc quan điểm: “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa” theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW, trong lãnh đạo, chỉ đạo, các cấp ủy, chính quyền huyện Lệ Thủy đã tập trung chăm lo xây dựng con người phát triển toàn diện, chú trọng giáo dục, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách con người. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục và đào tạo, thực hiện quy hoạch, sắp xếp, kiện toàn mạng lưới trường, lớp; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy - học; đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn. Toàn huyện hiện có 65/82 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 79,3%, trong đó: Mầm non 23/27 trường, đạt tỷ lệ 85,2%; tiểu học 17/26 trường, đạt 65,4%; trung học cơ sở 19/20 trường, đạt 95%; tiểu học và trung học cơ sở 6/9 trường, đạt 66,7%; trung học phổ thông 4/5 trường, đạt 80%. 

Việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh được đẩy mạnh. Các cơ quan, đơn vị chú trọng xây dựng quy tắc ứng xử và chuẩn mực giá trị đạo đức của cán bộ, công chức; các địa phương tập trung sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hương ước, quy ước, đến nay, đã xây dựng, sửa đổi, bổ sung được 87 hương ước, quy ước. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội đi vào nền nếp, nâng cao ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Các phong trào “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”; “Hội viên giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo, làm giàu”; “5 không, 3 sạch”, bảo vệ môi trường; công tác đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo, từ thiện, giảm nghèo bền vững, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập... được lan tỏa, trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, mang lại hiệu quả tích cực.

Phong trào xây dựng khu dân cư, cơ quan, đơn vị và gia đình văn hóa được duy trì, phát triển. Năm 2023, toàn huyện có 178/187 thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu Làng văn hóa, đạt tỷ lệ 95,1%; 102/132 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa, đạt tỷ lệ 77%; 38.262/40.920 hộ gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 93,5%.

Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng được duy trì thường xuyên, sôi nổi, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các tầng lớp Nhân dân, góp phần nuôi dưỡng, phát huy các giá trị văn hóa của địa phương. Toàn huyện hiện có 214 đội văn nghệ quần chúng, trong đó có 01 đội văn nghệ cấp huyện, 26 đội văn nghệ cấp xã và 187 đội văn nghệ thôn, bản, tổ dân phố; 76 câu lạc bộ thể dục thể thao. Trung bình mỗi năm, toàn huyện có hơn 250 buổi liên hoan, hội thi, hội diễn văn nghệ. Tỷ lệ người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 49%, tỷ lệ gia đình tập luyện thể thao đạt 32,5% trên tổng số dân; 100% trường học trên địa bàn huyện bảo đảm việc thực hiện giáo dục thể chất. Trong 10 năm thực hiện Nghị quyết, huyện đã tổ chức 05 chương trình liên hoan nghệ thuật quần chúng công - nông - binh; 60 giải thể dục thể thao cấp huyện; 03 lần tổ chức Đại hội Thể dục thể thao cấp huyện và cấp xã.

Công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương được quan tâm, triển khai có hiệu quả. Huyện đã chú trọng công tác sưu tầm, nghiên cứu, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử; tập huấn, bồi dưỡng, trao truyền các giá trị văn hóa dân gian. Phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tổ chức các hội thảo khoa học, thực hiện các đề tài, đề án về bảo tồn, phát huy các giá trị của văn hóa dân gian, văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, như: Hội thảo về Lễ hội mừng cơm mới của đồng bào Bru - Vân Kiều, xã Ngân Thuỷ; Tọa đàm về Di sản văn hóa phi vật thể Hò khoan Lệ Thủy… Lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, Lễ hội Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc được tổ chức hằng năm, thu hút đông đảo Nhân dân và du khách tham gia. Hằng năm, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện đã tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ chuyên môn về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, như: Tập huấn các làn điệu dân ca Bình Trị Thiên, Hò khoan Lệ Thủy, đàn ghi ta, đàn organ, các lớp múa dân gian, múa hiện đại. Huyện cũng đã quan tâm xây dựng, phát triển các loại hình câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các địa phương, đơn vị; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng những tài năng, hạt nhân, tạo nguồn kế cận và trao truyền các giá trị của di sản. Đến nay, 21 di tích lích sử - văn hóa (10 di tích cấp quốc gia, 11 di tích cấp tỉnh) và 03 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (Hò Khoan Lệ Thủy, Lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, Lễ hội mừng cơm mới của người Bru - Vân Kiều) đều được gìn giữ, phát huy, được kết nối trong các tuyến, tuor du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến với mảnh đất, con người Lệ Thủy, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện. 

Trình diễn Lễ hội Mừng cơm mới của người Bru - Vân Kiều
tại xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy

Công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường, các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện. Đến nay, toàn huyện có 01 Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông, 186/187 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố có cơ sở vật chất bảo đảm hoạt động (01 nhà văn hóa đang tiến hành xây dựng). Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 39/NQ-HĐND tỉnh ngày 10/12/2022 ban hành Quy định mức hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2022 - 2025, huyện đang triển khai hỗ trợ xây dựng mới và cải tạo sửa chữa 62 nhà văn hóa - khu thể thao giai đoạn 2023 - 2025, trong đó, xây mới 35 nhà văn hóa và cải tạo 27 nhà văn hóa với tổng nguồn vốn hơn 30 tỷ đồng. Đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước các cấp về văn hóa, giáo dục được quan tâm, bảo đảm về số lượng và chất lượng.

 Trong quá trình xây dựng, phát triển văn hóa, huyện Lệ Thủy đã quan tâm đẩy mạnh các hoạt động giao lưu và hợp tác văn hóa; quảng bá hình ảnh quê hương, các giá trị văn hóa truyền thống đến bạn bè trong nước và quốc tế; tổ chức giao lưu với huyện Sê Pôn, tỉnh Sạ-vẳn-na-khệt (Lào) nhằm thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị, đồng thời giao lưu hợp tác trong lĩnh vực văn hóa. Các Câu lạc bộ nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy đã tham gia các liên hoan dân ca tại Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành khác... Huyện cũng tích cực tham gia các gian hàng triển lãm về thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh, nhằm giới thiệu những mặt hàng tiêu biểu, các sản phẩm văn hóa đặc trưng của địa phương.

Với những giải pháp tích cực và đồng bộ qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW, về cơ bản huyện Lệ Thủy đã thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết đã đề ra. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương được phát huy, nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành. Môi trường văn hóa được cải thiện; đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân trên địa bàn huyện ngày càng phong phú hơn. Văn hóa từng bước trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, là sức mạnh nội sinh góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh trên địa bàn huyện.

Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra, những kết quả đạt được trên lĩnh vực văn hóa vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Việc thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển văn hóa gắn với du lịch, dịch vụ có mặt còn hạn chế. Một số phong trào, cuộc vận động về văn hóa có mặt chưa hiệu quả. Công tác tổ chức xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở có nơi chưa đi vào chiều sâu...

Để đáp ứng được các yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới, hiện nay, các cấp ủy, chính quyền huyện Lệ Thủy đang tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện các nhóm nhiệm vụ và giải pháp cơ bản theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW. Trong đó, tập trung huy động nguồn lực của Nhà nước và xã hội để phát triển văn hóa; gắn kết chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng; phát triển các tuyến du lịch văn hóa lịch sử, tìm hiểu văn hóa - lịch sử kết hợp với sinh hoạt lễ hội và văn hóa nghệ thuật dân gian. Có các phương án, chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là quan tâm nuôi dưỡng, phát huy vai trò của đội ngũ nghệ nhân, nhằm giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa ở địa phương. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động, nhất là đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, con người Lệ Thủy phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của địa phương.

GT 

 

 

Tag:

File đính kèm