Đoàn giám sát do ông Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Quảng Nam dẫn đầu.
Báo cáo với Đoàn giám sát, Sở TN-MT cho biết, Quảng Nam có gần 45 loại khoáng sản với hàng trăm điểm mỏ. Nhiều mỏ đã được thăm dò, đưa vào khai thác quy mô công nghiệp (vàng Bồng Miêu, vàng Đăk Sa, Felspat Đại Lộc, than đá Nông Sơn, đá vôi Thạnh Mỹ, cát trắng Thăng Bình…
Ngoài ra, có một số mỏ khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường có trữ lượng lớn trên địa bàn các huyện Núi Thành, Duy Xuyên, Đại Lộc và cát, sỏi lòng sông, bãi bồi ven sông Vu Gia, Thu Bồn...
Giai đoạn 2017 - 2023, Bộ TN-MT, UBND tỉnh đã cấp, gia hạn, điều chỉnh, cho phép chuyển nhượng 161 giấy phép khai thác môi trường.
Tính đến ngày 31/12/2023, có khoảng 59 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực. Hầu hết đơn vị khai thác khoáng sản thực hiện khai thác theo thiết kế phê duyệt, tổ chức đưa mỏ vào khai thác theo đúng tiến độ giấy phép. Chỉ một số ít mỏ vẫn chưa khai thác.
Hoạt động này trong thời gian qua đã khai thác được tiềm năng khoáng sản tại địa phương. Góp phần đáp ứng, giải quyết nhu cầu nguyên nhiên vật liệu cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tăng nguồn thu cho ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động.
Tuy nhiên, công tác triển khai tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại một số địa phương còn chậm, dẫn đến chưa cung ứng kịp thời nguồn vật liệu như cát, sỏi, đất san lấp.
Theo ông Bùi Ngọc Ảnh - Giám đốc Sở TN-MT, việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Một số doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản vẫn chưa chấp hành đúng, đầy đủ các quy định pháp luật.
Một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, nhất là khai thác cát sỏi lòng sông vẫn còn tình trạng kê khai không đầy đủ sản lượng khai thác. Giá bán thực tế không đúng với giá niêm yết, giá thể hiện trên hóa đơn,... để trốn thuế.
Việc kiểm soát sản lượng khoáng sản khai thác thực tế thông qua hệ thống trạm cân, camera giám sát tại khu vực mỏ còn một số bất cập.
Nguồn cung vật liệu đất san lấp, cát xây dựng trong thời gian gần đây ở một số địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu thi công các công trình, dự án.
Tình trạng khai thác vàng trái phép trên địa bàn một số huyện trung du, miền núi, mặc dù các ngành chức năng và chính quyền địa phương liên tục tổ chức truy quét, đẩy đuổi nhưng vẫn còn tái diễn. Nhân lực làm công tác quản lý tài nguyên khoáng sản các cấp còn hạn chế về số lượng, chưa đáp ứng về chuyên môn, nghiệp vụ.
Sở TN-MT kiến nghị Chính phủ xem xét, quy định theo hướng gọn nhẹ đối với việc khoanh định và các hồ sơ, thủ tục đăng ký khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng (đất san lấp, cát, sỏi) ở quy mô nhỏ tại dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản (thay thế Luật Khoáng sản hiện hành) để kịp thời cung cấp nguyên vật liệu thi công các công trình giao thông nông thôn, chương trình mục tiêu quốc gia ở các huyện miền núi.
Kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế các quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản để triển khai thực hiện khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành.
Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Nam yêu cầu Sở TN-MT tiếp tục thực hiện tốt các chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước về quản lý và khai thác khoáng sản.
Thường xuyên phối hợp các ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động khoáng sản, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm.
Tiến hành rà soát, đánh giá trữ lượng, tham mưu UBND tỉnh quy hoạch, tổ chức khai thác tránh lãng phí tài nguyên, phối hợp quản lý quy hoạch, đề xuất phương án bảo vệ khai thác khoáng sản gắn với phương án phục hồi, môi trường. Cải cách thời gian cấp phép thăm dò, khai thác các mỏ, đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương.