(Báo Quảng Ngãi)- Đảng ta đã xây dựng một nền ngoại giao độc đáo trong thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, trong đó kế thừa và phát triển tư tưởng "Dĩ bất biến, ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bài học quý
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đứng trước những khó khăn, thử thách vô cùng to lớn, như “ngàn cân treo sợi tóc”, Tổ quốc lâm nguy. Chính trong thời điểm vô vàn khó khăn đó, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân ta thực hiện nhiệm vụ bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chính quyền nhân dân.
Trong thời kỳ kháng chiến, kiến quốc (1945 - 1946), Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao quan điểm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Trước ngày 6/3/1946, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã khôn khéo chủ trương hòa hoãn với Tưởng Giới Thạch, tập trung lực lượng chống thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta ở Nam Bộ. Việc hòa hoãn với Tưởng Giới Thạch nhờ đó “tránh xung đột quân sự mà chỉ xung đột bằng chính trị"...
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên trao quà lưu niệm cho Tổng Lãnh sự Cuba tại TP.Hồ Chí Minh Ariadne Feo Labrada vào tháng 11/2023. Ảnh: THANH PHƯƠNG |
Tháng 2/1946, Hiệp ước Hoa - Pháp được ký kết, theo đó, Pháp nhường cho Tưởng Giới Thạch một số quyền lợi về kinh tế trên đất Trung Quốc, đổi lại quân Pháp được ra miền Bắc Việt Nam làm nhiệm vụ giải giáp quân Nhật. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Nam đã vận dụng nhuần nhuyễn quan điểm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Từ đó đã kịp thời đề ra quyết sách “hòa để tiến” với Pháp, bằng việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký kết với Pháp hai văn kiện hết sức quan trọng là Hiệp định Sơ bộ (6/3/1946) và Tạm ước Việt - Pháp (14/9/1946). Chính phủ Việt Nam nhân nhượng với Pháp một số điều kiện để kéo dài thời gian hòa hoãn, củng cố và chuẩn bị lực lượng chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp sau này.
Thực hiện quan điểm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong việc hòa hoãn với Pháp của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh là đúng đắn. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “...Chúng ta cần hòa bình để xây dựng nước nhà, cho nên chúng ta ép lòng mà nhân nhượng để giữ hòa bình. Dù thực dân Pháp đã bội ước, đã gây chiến tranh, nhưng gần một năm tạm hòa bình đã cho chúng ta thời giờ để xây dựng lực lượng căn bản. Khi Pháp đã có ý gây chiến tranh, chúng ta không thể nhịn nữa thì cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu”.
Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại
Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định mục tiêu đối ngoại của Việt Nam: “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc”, tức là đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trước hết và trên hết; đồng thời, chỉ ra nguyên tắc chung là phải luôn nỗ lực đạt được lợi ích quốc gia - dân tộc tới mức cao nhất có thể. Đại hội XIII còn nhấn mạnh thúc đẩy lợi ích quốc gia - dân tộc phải “trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”, phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Trong bối cảnh hiện nay, để thực hiện những nhiệm vụ trên, chúng ta có thể vận dụng những bài học kinh nghiệm đối ngoại của giai đoạn 1945 - 1946 trên một số mặt cụ thể sau: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong phương hướng đối ngoại đề ra tại Đại hội XIII của Đảng là: Tiếp nối quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và truyền thống ngoại giao nghìn năm lịch sử của cha ông, “dĩ bất biến, ứng vạn biến” vẫn tiếp tục là bản sắc ngoại giao tiêu biểu của Việt Nam.
Ngày nay, Đảng ta đã xây dựng một nền ngoại giao độc đáo trong thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”: Vững ở gốc, chắc ở thân, uyển chuyển ở cành, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và phí khách của dân tộc Việt Nam. Đó là cách ứng xử “biết mình, biết người”, “biết thời, biết thế”, “biết dừng, biết biến” của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Tác phẩm “Ngoại giao cây tre”của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện những đặc sắc tương ứng: Rễ tre vững chắc - “dĩ bất biến” trong bảo vệ lợi ích quốc gia; “thân tre rắn chắc” - lấy phát triển để làm trụ đỡ; cành tre dẻo dai - “ứng vạn biến”, để cống hiến cho lợi ích căn bản của quốc gia.
Thực hiện chính sách “Ngoại giao cây tre” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia các cơ chế, các diễn đàn khu vực và toàn cầu để vừa thích ứng với các trào lưu, xu thế chung của thế giới, vừa phục vụ một cách tốt nhất các lợi ích quốc gia - dân tộc. Theo đó, với Trung Quốc, Việt Nam tăng cường quan hệ (thể hiện qua Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc với 36 thỏa thuận): “Hai bên nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam- Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế”. Việt Nam - Hoa Kỳ đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Mối quan hệ này ngày càng trở nên thực chất và hiệu quả hơn.
Những thành tựu đạt được về “Ngoại giao cây tre” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã củng cố niềm tin của nhân dân vào đường lối đối ngoại đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Nhà nước ta; củng cố hơn nữa sự tin cậy của bạn bè quốc tế và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Trong cuốn sách Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại mang đậm bản sắc "Cây tre Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại chính hiệp toàn quốc Trung Quốc Hàn Phương Minh viết: “...Tư tưởng “Ngoại giao cây tre” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự kế thừa và phát huy tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Việt Nam nhất quán thực hiện đường lối ngoại giao tôn trọng độc lập, hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ lẫn nhau, không can thiệp, đồng thời chủ trương mở cửa, linh hoạt, cố gắng cải thiện quan hệ quốc tế và tham gia vào hợp tác quốc tế trên tất cả các lĩnh vực...
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã tạo được sự đồng thuận trong triển khai đường lối đối ngoại, chuyển phức tạp thành đơn giản, biến khó thành dễ, tìm được con đường phát triển giữa xung đột của các nước lớn, kết hợp nhuần nhuyễn quan hệ đa phương và song phương; thúc đẩy nền ngoại giao tổng hợp trong thời đại mới; phát triển mạnh mẽ ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, ngoại giao quân sự; tạo môi trường quốc tế tốt đẹp, ổn định và hữu nghị cho sự nghiệp đổi mới, mở cửa của Việt Nam”.
NGỌC THƠI - NGỌC THÀNH