Thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg, ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ Về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả ASXH không dùng tiền mặt, UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành Quyết định số 2501/QĐ-UBND, ngày 13/10/2023 Triển khai thực hiện chi trả trợ cấp ASXH cho người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội theo phương thức không dùng tiền mặt qua hệ thống bưu điện trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Từ đó, các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương chi trả ASXH không dùng tiền mặt, đặc biệt là tiến hành đăng ký mở tài khoản ngân hàng cho người dân thụ hưởng chính sách ASXH.
Tính đến ngày 12/8/2024, toàn tỉnh có 11/11 đơn vị đã thực hiện chi trả không dùng tiền mặt qua tài khoản cho 6.368/54.049 đối tượng, chiếm tỷ lệ 11,78% (trong đó người có công là 1.715/7.847 đối tượng, chiếm 21,86%; bảo trợ xã hội là 4.653/46.202 đối tượng, chiếm 10,07%), với tổng kinh phí trên 31,1 tỷ đồng (người có công trên 21,9 tỷ đồng, bảo trợ xã hội trên 9,2 tỷ đồng). Các địa phương triển khai thực hiện tốt đến thời điểm này như: thị xã Ngã Năm, huyện Trần Đề, huyện Long Phú, huyện Châu Thành.
|
Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng quan tâm chỉ đạo, giám sát việc thực hiện chi trả ASXH trên địa bàn. Ảnh: MAI KHÔI |
Ông Huỳnh Văn Lơ - Trưởng Phòng LĐ-TB&XH thị xã Ngã Năm cho biết, thực hiện chủ trương việc chi trả ASXH qua tài khoản, Phòng LĐ-TB&XH thị xã phối hợp với UBND các xã, phường trên địa bàn rà soát, phân loại đối tượng để tiến hành tuyên truyền, vận động đối tượng mở tài khoản để thực hiện chi trả chính sách ASXH không dùng tiền mặt. Đơn vị cũng gặp nhiều thuận lợi là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và thường xuyên đánh giá sơ kết tình hình thực hiện của Thị ủy, UBND thị xã. Kết quả rà soát, tổng số đối tượng người có công và bảo trợ xã hội trên địa bàn thị xã 3.657 đối tượng (trong đó có 701 đối tượng người có công, 2.956 đối tượng bảo trợ xã hội), có 514 trường hợp đặc biệt (đau ốm, già yếu không có người để ủy quyền, giám hộ, không thể sử dụng được điện thoại...), số còn lại 3.143 người. Tính đến tháng 9/2024, thị xã đã thực hiện chi trả chính sách ASXH không dùng tiền mặt cho 2.103/3.143 trường hợp, đạt tỷ lệ 66,9%, với kinh phí thực hiện trên 2,3 tỷ đồng (trong đó đơn vị xã Long Bình có 298/298 người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội được chi trả qua tài khoản, đạt 100%).
Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Phòng LĐ-TB&XH thị xã Ngã Năm tiếp tục phối hợp với Bưu điện thị xã, UBND các xã, phường tiếp tục rà soát, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về lợi ích của việc mở tài khoản nhận trợ cấp không dùng tiền mặt để người dân đăng ký nhận trợ cấp chi trả ASXH qua tài khoản. Thị xã cũng đưa ra chỉ tiêu đến cuối năm 2024, 3 đơn vị: xã Tân Long, Mỹ Bình và Phường 3, phấn đấu đạt 100% đối tượng người có công, bảo trợ xã hội đủ điều kiện và có nhu cầu được chi trả bằng hình thức không dùng tiền mặt; các đơn vị còn lại đạt từ 80% trở lên.
|
Nhiều tiện ích khi người dân được chi trả ASXH qua tài khoản. Ảnh: MAI KHÔI |
Bên cạnh những ưu điểm, tiện lợi trong thực hiện chi trả ASXH qua tài khoản, thì công tác này cũng gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Ông Đặng Thanh Quang - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Sóc Trăng chia sẻ, mặc dù ngành luôn có sự quan tâm chỉ đạo trong thực hiện nhưng đến hiện tại, tỷ lệ người dân đăng ký nhận chi trả qua tài khoản còn thấp (toàn tỉnh chỉ gần 12% trên tổng số đối tượng thụ hưởng). Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả này, trong đó phần lớn do đối tượng chính sách và đối tượng bảo trợ xã hội là người lớn tuổi, khuyết tật, sức khỏe không đảm bảo nên việc sử dụng điện thoại còn hạn chế, gây khó khăn trong việc vận động mở tài khoản thanh toán. Bên cạnh đó, việc rút tiền khi chuyển qua tài khoản ở địa phương (cấp xã) còn gặp nhiều khó khăn, do cấp xã không có cây ATM để rút tiền…
Để khắc phục những khó khăn trên, thời gian tới ngành LĐ-TB&XH Sóc Trăng tiếp tục phối hợp với các ngành, các cấp, bưu điện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các đối tượng hưởng chính sách ASXH đủ điều kiện được mở tài khoản và đăng ký nhận trợ cấp qua tài khoản, phấn đấu đến cuối năm 2024 sẽ mở trên 16.500 tài khoản cho đối tượng được trợ cấp ASXH hằng tháng, chiếm tỷ lệ 31% trên tổng số đối tượng được hưởng.
Có thể khẳng định, việc thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân thuộc diện được hưởng chính sách ASXH do ngành LĐ-TB&XH quản lý là một trong những nhiệm vụ thúc đẩy chuyển đổi số; tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách nhanh chóng, thuận lợi. Để công tác này đạt hiệu quả cao hơn, rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành trong quá trình vận động, thực hiện, nhất là việc tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn những tiện ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt. Đây cũng là giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, cũng như góp phần thực hiện tốt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ.
Mai Khôi