Sign In

Kết quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2023

08:53 18/12/2023
Năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương về Quy chế dân chủ ở cơ sở, trọng tâm là: Kết luận số 120-KL/TW, ngày 7/01/2016 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; Kết luận số 54-KL/TW, ngày 9/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TW, ngày 3/10/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục phát huy vai trò của Nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022; Nghị định số 59/2023/NĐ-CP, ngày 14/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Nghị định số 61/2023/NĐ-CP, ngày 16/8/2023 của Chính phủ về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư và Kết luận số 07-KL/TU, ngày 30/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về tiếp tục thực hiện Nghị...

 


Giám sát việc thi công đường dẫn nước sinh hoạt trong dân. Ảnh minh họa

 

    Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nội dung Quy chế dân chủ ở các loại hình luôn bảo đảm gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, nhất là việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025; Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Chuyên đề năm 2023 “Sóc Trăng phát huy ý chí tự lực, tự cường, đẩy mạnh phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

    Để triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Công văn số 1460-CV/TU, ngày 24/10/2023 về việc triển khai thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 trên địa bàn tỉnh; Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 143/KH-UBND, ngày 14/7/2023 triển khai thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cấp chính quyền triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 và các văn bản liên quan; các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy lãnh đạo đẩy mạnh công tác quán triệt, triển khai thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 và các nghị định, hướng dẫn về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quan tâm lãnh đạo công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở. Công tác tuyên truyền, quán triệt được quan tâm, thực hiện thường xuyên nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ trong từng loại hình được tiến hành bảo đảm về nội dung, yêu cầu của kế hoạch đề ra trong năm 2023.

    Trên cơ sở đó, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trên các lĩnh vực đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các xã, phường, thị trấn tập trung quán triệt, triển khai các nghị quyết, chỉ thị, kết luận có liên quan đến công tác dân vận và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, các phong trào thi đua, các cuộc vận động ở địa phương, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, hiệu quả việc thực hiện dân chủ ở cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” theo quy định của Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11, ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022. Thực hiện niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến quyền và lợi ích của nhân dân, các nghị quyết của Hội đồng nhân dân, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chính sách an sinh xã hội, thủ tục hành chính,... Đối với những nội dung nhân dân bàn và quyết định được thực hiện với các hình thức phù hợp, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, đúng quy định. Đối với những nội dung nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định đều được thực hiện thông qua quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật; qua các cuộc tiếp xúc cử tri, họp tổ dân phố, khu dân cư, như dự thảo quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế dài hạn, phương án chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất và phát triển ngành nghề, quy hoạch sử dụng đất, đền bù giải phóng mặt bằng, các công trình do nhân dân đóng góp. Những nội dung nhân dân giám sát bao gồm việc giám sát các cơ quan chức năng thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, các chương trình, dự án, đề án tại địa phương; việc quản lý, sử dụng các nguồn quỹ do nhân dân đóng góp; việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, đạo đức, tác phong của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

    Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn quan tâm đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; chú trọng cải cách thủ tục hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin; công khai các thủ tục, quy trình giải quyết hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyềt hồ sơ, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong giải quyết công việc với cơ quan nhà nước. Cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt đối thoại của người đứng đầu với nhân dân, tiếp công dân theo quy định; chú trọng giải quyết các đơn, thư kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo; quan tâm giải quyết các vụ việc ngay từ cơ sở, hạn chế khiếu kiện vượt cấp.

    Các ban và tổ hòa giải thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo Luật định, chất lượng, hiệu quả hoạt động ngày được nâng lên, góp phần tích cực vào ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh ở từng khu dân cư, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Năm 2023, ban thanh tra nhân dân giám sát 245 vụ việc, đã giải quyết 245 vụ (trong đó, đã kiến nghị 9 vụ); ban giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát 234 công trình đã kiến nghị 5 vụ; tổ hòa giải ở cơ sở tiếp và nhận 3.242 trường hợp tranh chấp, mâu thuẫn tại địa bàn dân cư, kết quả hòa giải thành 2.870 trường hợp, đạt 88,5%.

    Các cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung theo Nghị định số 04/2015/NĐ-CP, ngày 9/01/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022; Kết luận số 07-KL/TU, ngày 31/10/2021 của Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh uỷ khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; Quy định số 02-QĐi/TU, ngày 6/8/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng bộ tỉnh; Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Chỉ thị số 26/CT-TTg, ngày 5/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

    Việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị theo Nghị định số 04/2015/NĐ-CP, ngày 9/01/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 có nhiều chuyển biến. Các nội dung thực hiện Quy chế dân chủ được đưa vào nghị quyết hằng năm của chi bộ, đảng bộ và kế hoạch năm của đơn vị. Qua đó, đề cao được trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện các nội dung công khai; phát huy được trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong việc bàn bạc và quyết định, tham gia ý kiến, kiểm tra, giám sát theo quy định; đồng thời, quán triệt đầy đủ các văn bản của các cấp liên quan đến chế độ của cán bộ, công chức, viên chức như công khai, minh bạch tài chính, quy hoạch, đào tạo, xét khen thưởng cán bộ, công chức, viên chức.

    Các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin; mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; thực hiện cơ chế một cửa liên thông, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi liên hệ giải quyết công việc và tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng.

    Việc thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc được lãnh đạo các doanh nghiệp quan tâm quán triệt, triển khai thực hiện theo Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, ngày 14/12/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022. Đa số doanh nghiệp đều có xây dựng quy chế làm việc của doanh nghiệp, của các tổ chức đoàn thể và một số quy chế khác như: Quy chế phối hợp hoạt động giữa người sử dụng lao động với Ban Chấp hành công đoàn cơ sở, Quy chế đối thoại định kỳ tại nơi làm việc, quy chế của phân xưởng, tổ, đội sản xuất; ký kết thỏa ước lao động; hợp đồng lao động, xây dựng nội quy lao động… Việc công khai được thực hiện thường xuyên hơn như chế độ, chính sách có liên quan đến người lao động; các quy trình nghiệp vụ; các quy định về mức lương, về thi đua, khen thưởng; các nguồn quỹ phúc lợi, công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tình hình tài chính hằng năm; điều lệ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp. Những việc người lao động tham gia ý kiến trước khi hội đồng quản trị, giám đốc doanh nghiệp quyết định được các doanh nghiệp khuyến khích và tạo mọi điều kiện để người lao động tham gia đóng góp ý kiến. Qua đó, khơi dậy tinh thần làm chủ của người lao động, ý thức chấp hành pháp luật, tinh thần đoàn kết, đồng thuận, trách nhiệm của người sử dụng lao động ngày càng rõ nét.

    Căn cứ Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động; Hướng dẫn số 41/HD-TLĐ, ngày 11/11/2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về công đoàn tham gia đối thoại và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc; Kế hoạch số 143/KH-UBND, ngày 14/7/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ năm 2022, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động, Ủy ban nhân dân tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh và các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (nơi có công đoàn cơ sở doanh nghiệp) đã hướng dẫn, đồng hành cùng các công đoàn cơ sở doanh nghiệp phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc và tổ chức hội nghị người lao động theo quy định. Kết quả có 85/85 công đoàn cơ sở doanh nghiệp (trong đó, có 3/3 công đoàn cơ sở doanh nghiệp khu vực nhà nước) đủ điều kiện đã tổ chức xong hội nghị người lao động, đạt 100%.

    Nhìn chung, trong năm 2023, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở quan tâm chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện và đạt được nhiều kết quả thiết thực, nhất là sau khi triển khi thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 202. Các quy định, hướng dẫn về thực hiện dân chủ ở cơ sở được triển khai kịp thời. Nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ của người đứng đầu cơ quan đơn vị, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có nhiều chuyển biến. Công tác quản lý, điều hành của chính quyền theo hướng cụ thể, gần dân, sát dân, công khai, minh bạch, tôn trọng và tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân; việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh; công tác tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với nhân dân và giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân được thực hiện đúng luật định. Các đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền nêu cao tinh thần trách nhiệm trong xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài.

    Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị; thường xuyên quan tâm đến quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên và nhân dân; tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động đáp ứng yêu cầu tình hình hiện nay; vận động và tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân tham gia thực hiện Quy chế dân chủ; các phong trào thi đua, các cuộc vận động tập trung hướng về cơ sở, đi vào thực chất, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, trực tiếp tham gia giám sát, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền.

    Có thể khẳng định, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần tạo sự gắn bó giữa cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân, được nhân dân đồng thuận, ủng hộ trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hưởng ứng tích cực các phong trào thi đua yêu nước, nhất là trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm tại địa phương; phát triển cơ quan, đơn vị; xây dựng và phát triển doanh nghiệp hài hòa, ổn định, tiến bộ.

Hồng Nhi

Tag:

File đính kèm