Hằng năm, trên cơ sở kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của Ban Tổ chức Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và xuất phát từ tình hình thực tiễn của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp chặt chẽ với Trường Chính trị tỉnh tham mưu cho tỉnh kế hoạch mở lớp, xây dựng đội ngũ giảng viên có đủ năng lực và trình độ chuyên môn tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ đối tượng 4 đảm bảo đúng quy định.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo các huyện ủy, thành ủy thực hiện tốt công tác bố trí cán bộ tham gia bồi dưỡng, cập nhật kiến thức bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị tổ chức, quản lý công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh, tránh chồng chéo, trùng lặp nội dung cũng như đối tượng bồi dưỡng. Ngoài ra, Tỉnh ủy còn chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ theo quy định.
Từ năm 2013 đến nay, Đảng bộ tỉnh đã tổ chức trên 400 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho 16.758 lượt cán bộ thuộc đối tượng 4 (cán bộ thuộc diện ban thường vụ huyện ủy và tương đương quản lý). Trong đó, số cán bộ được cử đi bồi dưỡng ở Trung ương là 564 lượt cán bộ; ở địa phương là 16.194 lượt cán bộ. Nội dung bồi dưỡng, cập nhật kiến thức gồm 6 loại hình: Bồi dưỡng nghiệp vụ cho chức danh bí thư, phó bí thư đảng ủy xã, thị trấn; bồi dưỡng lãnh đạo quản lý cấp phòng; bồi dưỡng nghiệp vụ cho chức danh chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã, thị trấn; bồi dưỡng cấp ủy cơ sở; lớp cán bộ dự nguồn lãnh đạo, quản lý cấp huyện; lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về công tác dân tộc và tôn giáo mở tại huyện.
Ngoài ra, cán bộ thuộc đối tượng 4 của tỉnh còn được cử đi bồi dưỡng tại Trung ương, các lớp bồi dưỡng này do Học viện Chính trị khu vực I và Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức thường niên. Nội dung bồi dưỡng về kiến thức công tác xây dựng Đảng, như công tác tuyên giáo, công tác kiểm tra, giám sát, công tác dân vận, công tác văn phòng cấp uỷ... Đến hết 6 tháng đầu năm nay, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc đã tổ chức 11/14 lớp bồi dưỡng cập nhập kiến thức (đạt 78,5% so với kế hoạch); 34 lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho đối tượng 4, lớp công an xã... với 2.196 học viên. Trường Chính trị tỉnh đã tổ chức 9 lớp bồi dưỡng cho 689 cán bộ, công chức cấp xã trong tỉnh.
Qua thực tế cho thấy, sau bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, đội ngũ cán bộ có kỹ năng, phương pháp lãnh đạo, quản lý, khả năng vận dụng chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ được nâng lên rõ rệt; có năng lực tư duy và kỹ năng xử lý các tình huống phát sinh trong thực tiễn tốt. Đồng thời, giữ vững bản lĩnh chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Các cấp ủy trong tỉnh cũng đã nhận thức đúng việc bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Thời gian tới, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tiếp tục xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý trên cơ sở kế hoạch, hướng dẫn của Tỉnh ủy. Phối hợp chặt chẽ với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để chọn cử cán bộ đi bồi dưỡng ở các loại hình phù hợp. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng tại Trường Chính trị tỉnh và trung tâm chính trị các huyện, thành phố cần thường xuyên bổ sung, biên soạn phù hợp với thực tiễn của tỉnh và sát với chức năng, nhiệm vụ của từng đối tượng học. Đẩy mạnh công tác củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên chuyên trách, kiêm chức và thỉnh giảng trong các cơ sở đào tạo của tỉnh.
Với các giải pháp đồng bộ, công tác bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh ngày càng đi vào nền nếp; chất lượng và hiệu quả được nâng cao, góp phần quán triệt và thực hiện nghiêm túc mục tiêu nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng trong tình hình mới.
Bài, ảnh: Thanh Tâm (Trường Chính trị)