Sign In

Cần những cây bút chính luận để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch

09:16 10/03/2023
​Để thực hiện được sứ mệnh lớn lao của báo chí, Người yêu cầu những người làm báo phải có ngòi bút sắc bén, nhiệt huyết, có trách nhiệm với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Đại tá, Thạc sĩ Đỗ Phú Thọ- Chuyên gia Ban chỉ đạo 35 Quân ủy Trung ương, 

nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân chia sẻ về kỹ năng, kinh nghiệm

thực tế trong quá trình sáng tạo tác phẩm báo chí bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, 

đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, xuất phát từ nhu cầu, nhiệm vụ tuyên truyền đường lối cách mạng, về cuộc đấu tranh chống lại ách áp bức, bóc lột để giành độc lập dân tộc và tự do, hạnh phúc, cơm no, áo ấm cho nhân dân. Để thực hiện được sứ mệnh lớn lao của báo chí, Người yêu cầu những người làm báo phải có ngòi bút sắc bén, nhiệt huyết, có trách nhiệm với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Trong giai đoạn hiện nay, báo chí cách mạng có sứ mệnh tuyên truyền công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, tham gia bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, chế độ và nhân dân, đấu tranh với các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.

Nghị quyết số 35 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới đã chỉ rõ, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là trách nhiệm của mỗi đơn vị, tổ chức, cán bộ, đảng viên và các cơ quan truyền thông, báo chí. Đây là sự định hướng quan trọng nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan báo chí trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng này.

Trước bối cảnh trong nước và quốc tế đang tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực báo chí. Sự chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức phản động ngày càng tinh vi hơn, chúng lợi dụng các loại hình báo chí hiện đại như báo mạng để không ngừng công kích, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta, truyền bá những luồng tư tưởng độc hại, kích động mâu thuẫn, thủ hằn dân tộc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.

Sự xuất hiện của báo điện tử và mạng xã hội khiến cho dòng chảy thông tin trở nên dễ dàng hơn, bởi tính chất toàn cầu, không biên giới. Lợi dụng sự phát triển của công nghệ và nền tảng mạng xã hội, không ít người, xuất phát từ nhiều động cơ, nguyên nhân khác nhau, lúc âm thầm, khi ào ạt, cấp tập đưa ra những thông tin sai sự thật hoặc thông tin chỉ đúng một phần.

Đây chính là chiêu trò xuyên tạc, bóp méo và ở cấp độ cao hơn: bịa đặt thông tin hết sức trắng trợn. Tình trạng đó xuất hiện nhiều trong thời gian qua, nhất là mỗi khi trong nước, trong đời sống xã hội diễn ra sự kiện chính trị quan trọng hoặc có thiên tai, dịch bệnh.

Vấn đề đặt ra đối với những người làm báo nói chung, hệ thống báo Đảng nói riêng, là làm như thế nào để có thể góp phần vào việc “vạch mặt chỉ tên" những thông  tin sai lệnh một cách khách quan, khoa học và thuyết phục.

Do vậy, Báo chí hiện nay cần phải tăng cường hơn nữa vai trò đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, các trào lưu tư tưởng thù địch chống phá Đảng và Nhà nước đang hoạt động ngày càng quyết liệt, tinh vi.

Tuy nhiên, đối với báo chí địa phương viết về chủ đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không phải chuyện dễ. Không phải phóng viên nào cũng có thể viết chính luận và viết hay, sắc sảo lại càng khó hơn. Ngoài những khó khăn khách quan đó là, ở địa phương, đặc biệt những tỉnh thuộc vùng sâu vùng xa, khi viết về đề tài có tính lý luận, tính phổ quát, tính hàn lâm thiếu đội ngũ chuyên gia trong một số lĩnh vực để người làm báo phỏng vấn hay tham khảo ý kiến.

Để có kiến thức, có thông tin, phóng viên phải tự học và đọc rất nhiều sách, nhiều nguồn tư liệu để làm giàu kiến thức cho mình. Phải nhìn nhận khách quan rằng không phải cứ học, bồi dưỡng nhiều thì sẽ viết chính luận hay mà đòi hỏi phóng viên đó ngoài việc có một vốn kiến thức sâu rộng, có sự nhạy bén chính trị thì cũng phải có chút năng khiếu, tố chất bẩm sinh với lối viết logic, lập luận sắc bén, khả năng tổng hợp, đối chiếu, phân tích, đánh giá thông tin phải thật sự thuyết phục.

Khó có thể thống kê chính xác nhưng cứ nhìn vào mặt báo thì không khó để nhận ra, trên báo chí chính thống còn thưa thớt, những bài viết chính luận mang tính chiến đấu. Phải xác định, mặt trận đấu tranh tư tưởng, đấu tranh với cái sai trái, lệch lạc là nhiệm vụ chính của báo chí.

Mỗi tờ báo phải có một hai cây bút chính luận. Để làm được điều đó hơn ai hết Ban biên tập phải biết chọn lựa phóng viên có đủ năng lực, có tố chất viết chính luận để định hướng, bồi dưỡng và có chế độ đãi ngộ cũng như chỉ tiêu phù hợp.

Bác bỏ những thông tin xuyên tạc, bóp méo sự thật, đối với những người làm báo chính thống không dễ nhưng cũng không phải quá khó đến mức không làm được. Khó là vì, có không ít cây bút “trên tuyến đầu chống đối chế độ" xuất thân là những nhà báo chuyên nghiệp một số khác, trước khi biến chất họ từng đảm trách một vị trí trong xã hội, có người từng là chuyên gia đầu ngành.

Họ là người không phải không có trình độ, thậm chí nhiều người trình độ cao, được đào tạo bài bản. Vì thế, bác bỏ ý kiến, quan điểm của họ không phải chuyện đơn giản. Nhưng, điểm yếu của họ là, để phục vụ cho mục đích cá nhân họ sẵn sàng bóp méo sự thật khách quan.

Thậm chí không ít khi, qua các bài viết, họ thể hiện mình là một người tầm thường. Muốn bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, người làm báo phải đọc nhiều để đối chiếu, kiểm chứng thông tin.

Từ khi có Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22.10.2018, của Bộ Chính trị “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới", Hội Nhà báo Tây Ninh và các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động truyền bá các quan điểm sai trái, thù địch nói chung và đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng (NTTT) của Đảng nói riêng, một cách thường xuyên.

Báo Tây Ninh, Đài PT-TH Tây Ninh đã kịp thời có những bài viết phản bác lại những quan điểm sai trái với chủ trương chính sách của Đảng, bảo vệ nền tảng của Đảng, lan tỏa thông tin tích cực, nâng cao nhận thức của Nhân dân trước các thông tin sai sự thật, các hành động vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến lợi ích công cộng, an ninh quốc gia; đẩy lùi thông tin, văn hóa xấu độc, nâng cao ý thức cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

Chủ động xây dựng các kênh thông tin trên mạng xã hội đủ mạnh để đấu tranh bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia trên không gian mạng. Tăng cường thông tin, tuyên truyền các hoạt động đối ngoại, bảo vệ QP-AN, TTATXH trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hính thức phong phú, đa dạng.


Trung tá Phan Đăng Trường- Phó Tổng Biên tập Báo CAND.

Từ năm 2021, Báo Tây Ninh đã đăng tải khoảng hơn 120 bài về tăng cường cuộc đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hoà bình" trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá", các bài có nội dung đấu tranh, phản bác thông tin xấu, độc của các thế lực thù địch. Một số tin, bài nổi bật đã đạt Giải báo chí quốc gia, Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng; Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc"; Giải thưởng về thông tin đối ngoại.

Các hình thức tuyên truyền được triển khai đa dạng trên sóng phát thanh và truyền hình Đài PTTH tỉnh trong các chương trình thời sự và các chuyên mục gần 100 tin, bài, phóng sự; ngoài ra còn khai thác từ nguồn thông tin của Thông tấn xã về tuyên truyền, đấu tranh phản bác luận điệu sai trái thù địch.

 Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh phối hợp sản xuất và độc quyền phát sóng trên các hạ tầng chương trình “Xem để ngẫm". Qua mỗi câu chuyện đời thường rút ra những bài học kinh nghiệm trong cuộc sống, nhất là những bài học quý giá trong việc nhận diện 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng.

Đài thành lập nhóm tuyên truyền viên trên 100 thành viên, hoạt động của nhóm trên ứng dựng Zalo, nhiệm vụ của nhóm là tuyên truyền đấu tranh phản bác thông tin xấu độc; những thủ đoạn, lừa đạo của tội phạm trá hình và những thông tin sai trái, xuyên tạc, chống phá chế độ. Đài PTTH Tây Ninh còn ký kết với Học viện chính trị Khu vực II, phối hợp tuyên truyền trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Đó là những kết quả bước đầu của báo chí Tây Ninh trong thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22.10.2018, của Bộ Chính trị “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới".

Nguyễn Thế

Nguồn BTNO

Tag:

File đính kèm