Sign In

Luân chuyển, điều động cán bộ: Một phần quan trọng của khâu “then chốt”

10:30 24/11/2024
Luân chuyển, điều động là chủ trương, nhiệm vụ quan trọng của Đảng trong công tác tổ chức và đào tạo, rèn luyện cán bộ. Trong những năm qua, công tác luân chuyển, điều động cán bộ của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, khẳng định được tính đúng đắn của chủ trương, phù hợp với yêu cầu thực tế và sự phát triển. Để hiểu rõ hơn về nội dung này, phóng viên Báo Thái Nguyên phỏng vấn đồng chí Đặng Thế Vinh, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy.

 

Đồng chí Đặng Thế Vinh, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy.
Đồng chí Đặng Thế Vinh, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy.

P.V: Xin đồng chí cho biết kết quả trong công tác điều động, luân chuyển cán bộ của Đảng bộ tỉnh từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay?

Đ/c Đặng Thế Vinh: Từ đầu nhiệm kỳ, công tác cán bộ và điều động, luân chuyển cán bộ đã được thực hiện nghiêm túc theo Đề án số 08-ĐA/TU, ngày 15/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ chủ chốt các cấp đủ năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới” và các quy chế, kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã luân chuyển 17 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý (trong đó có 13 trường hợp từ tỉnh về huyện; 1 trường hợp từ huyện về tỉnh; 3 trường hợp từ huyện này sang huyện khác); điều động 52 trường hợp (6 trường hợp từ tỉnh về huyện; 12 trường hợp từ huyện về tỉnh; 34 trường hợp từ huyện này sang huyện khác, ngành này sang ngành khác).

Qua điều động, luân chuyển đã bố trí 8/9 đơn vị cấp huyện bí thư không là người địa phương, 8/9 đơn vị cấp huyện chủ tịch UBND không là người địa phương. Một số cán bộ luân chuyển được bổ nhiệm chức vụ cao hơn. Bên cạnh đó, tỉnh đang từng bước thực hiện chủ trương điều động cán bộ giữ chức vụ cấp trưởng không quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp để phòng ngừa tiêu cực, tránh sức ỳ, đồng thời phát huy sự đổi mới, tích cực của đội ngũ cán bộ.

P.V: Công tác cán bộ là việc nhạy cảm, thậm chí gặp không ít khó khăn, vậy, ngành Tổ chức xây dựng Đảng tỉnh đã có những giải pháp gì, thưa đồng chí?

Đ/c Đặng Thế Vinh: Để làm tốt công tác tham mưu, thực hiện công tác luân chuyển, điều động cán bộ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã bám sát các quy định, nguyên tắc của Đảng, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy, đồng thời căn cứ vào tình hình thực tế, chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.

Trước hết là không ngừng nâng cao nhận thức, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhất là đạo đức công vụ, tinh thần hết lòng hết sức phục vụ nhân dân cho cán bộ, đảng viên, vì mục tiêu phát triển chung. Kết hợp chặt chẽ đổi mới công tác cán bộ với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và hiệu lực, hiệu quả, quản lý điều hành của chính quyền các cấp.

Thực hiện có hiệu quả các khâu trong công tác cán bộ; thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, đồng thời rà soát, hoàn thiện các văn bản về công tác cán bộ.

Trong luân chuyển, điều động cần thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện nghiêm quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Cùng với đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy các cấp trong việc thực hiện trách nhiệm, thẩm quyền, thực hiện các quy định công tác cán bộ; kiên quyết xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm. Việc luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, ngành, địa phương bảo đảm sự cân đối, hợp lý...

P.V: Đại hội đảng bộ các cấp đang đến gần, công tác rà soát, đánh giá, luân chuyển, điều động cán bộ trong thời gian này được đặc biệt chú trọng. Có thể nói đây là khâu chuẩn bị nhân sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới cho các đảng bộ nhiệm kỳ tới. Đồng chí có thể nói rõ hơn về nội dung này?

Đ/c Đặng Thế Vinh: Việc thảo luận, quyết định đường lối, nhiệm vụ chính trị của Đảng (chuẩn bị văn kiện) và bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Đảng (công tác nhân sự) là hai nội dung quan trọng nhất của mỗi kỳ đại hội Đảng. Hai nội dung này liên quan chặt chẽ với nhau, đều phải chuẩn bị thật tốt, đặc biệt việc chuẩn bị nhân sự đại hội có vị trí, ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là nhân tố bảo đảm cho thành công của đại hội và triển khai thực hiện thắng lợi các nghị quyết của đại hội.

Trong Chỉ thị 35-CT/TW ngày 14/6/2024 về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Bộ Chính trị đặt ra 7 nhóm yêu cầu, trong đó yêu cầu công tác nhân sự phải bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, cấp ủy các cấp và đề cao vai trò, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu theo quy định; bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất cao, thận trọng từng bước, “làm đến đâu chắc đến đó”…

Trong công tác nhân sự, ngoài những nguyên tắc, yêu cầu, quy định đã được quán triệt, các cấp ủy, tổ chức đảng cần lưu ý: Nhân sự chính là khâu “then chốt”, cốt lõi, là cái “gốc” của công việc quyết định đến việc thực hiện thành công các mục tiêu, giải pháp đề ra.

Ngay từ bây giờ, các cấp ủy, tổ chức đảng cần phải soát xét, tìm kiếm những nhân tố phù hợp với đề án, kế hoạch của đảng bộ để thực hiện trước một bước công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, sắp xếp nhằm đảm bảo các điều kiện khi tiến hành. Đây là công tác nhạy cảm, do đó, các cấp ủy, tổ chức đảng cần phải khách quan, công tâm, minh bạch, bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất cao; làm thận trọng từng bước, lựa chọn cán bộ lãnh đạo “vừa hồng vừa chuyên”, “đủ tâm, đủ tầm” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Tag:

File đính kèm