Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho bộ đội, cũng như xây dựng quân đội Nhân dân Việt Nam vững mạnh. Người nhấn mạnh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì CNXH. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Để rồi, tròn 80 năm ra đời, chiến đấu và trưởng thành, quân đội ta luôn xứng đáng với lời khen của Bác. Đồng thời, lời ngợi khen của Người đã trở thành kim chỉ nam, thành chuẩn mực và thành truyền thống vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam – đội quân từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu.
|
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ đơn vị 600 tại Nà Đỏng, Trung Sơn, Yên Sơn, Tuyên Quang, năm 1953. Ảnh: TTXVN |
Để thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng phải xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) làm nòng cốt, làm chỗ dựa vững chắc và tin cậy. Chính vì lẽ đó, cùng với việc sáng lập Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm coi trọng việc tổ chức LLVT. Người khẳng định: “Dân tộc Việt Nam nhất định phải được giải phóng. Muốn giải phóng thì phải đánh phát xít Nhật và Pháp. Muốn đánh chúng thì phải có lực lượng quân sự”. Trên tinh thần đó, ngay khi đề ra Chánh cương vắn tắt của Đảng (tháng 2/1930), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định “tổ chức ra quân đội công nông”, nghĩa là tổ chức đội quân chiến đấu cho quyền lợi của tuyệt đại bộ phận Nhân dân - công nhân và nông dân. Còn Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 10/1930) cũng coi “võ trang cho công nông”, “lập quân đội công nông”, lãnh đạo quần chúng “võ trang bạo động (khởi nghĩa vũ trang, đấu tranh vũ trang)” là mục tiêu đấu tranh phải tiến tới... Những quan điểm trên không ngừng phát triển trong những năm chuẩn bị khởi nghĩa, gắn liền với quan điểm về chiến tranh Nhân dân, khởi nghĩa toàn dân. Đây cũng chính là tiền đề dẫn đến thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 và của cả 30 năm chiến tranh cách mạng.
Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, đầu năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Người đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng ở Pác Bó (tháng 5/1941), vạch ra những phương hướng và biện pháp tập hợp các lực lượng quần chúng trong Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh). Đồng thời, tổ chức LLVT, huấn luyện quân sự và xây dựng căn cứ địa cách mạng, chủ trương qua con đường khởi nghĩa vũ trang từng phần tiến tới tổng khởi nghĩa. Phong trào xây dựng LLVT, xây dựng căn cứ địa và chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang được đẩy mạnh từ vùng rừng núi và trung du, song song với phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng ở nông thôn đồng bằng và thành thị.
Là người trực tiếp sáng lập, giáo dục và rèn luyện quân đội ta, nên Bác luôn dành cho quân đội sự quan tâm đặc biệt. Khi chỉ đạo thành lập các hội cứu quốc tại căn cứ địa Cao Bằng (tháng 3-1941), Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích rằng: "Muốn có đội võ trang mạnh, trước hết phải có đội quân tuyên truyền mạnh, đội quân chính trị vững... Muốn đánh Pháp - Nhật thì ai vác súng, ai là người tự giác tự nguyện đứng dậy làm cách mạng? Đó là quảng đại quần chúng, cho nên ta phải tuyên truyền, vận động quần chúng". Trên cơ sở đó, Đội cứu quốc quân được thành lập và mở rộng hoạt động vũ trang tuyên truyền từ vùng căn cứ địa Bắc Sơn - Vũ Nhai - Đình Cả, sang vùng Tuyên Quang, Vĩnh Yên, Phú Thọ; đồng thời mở đường tiến lên phía Bắc nối tiếp với căn cứ địa Cao Bằng. Đến ngày 22/12/1944, tại Cao Bằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên và là tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong chỉ thị, Người chỉ rõ: “Sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những du kích Cao – Bắc – Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực..., trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì LLVT trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện”.
Tư tưởng của Người cũng là tiền đề cho việc xây dựng và phát triển LLVT Nhân dân, gồm 3 thứ quân là bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ. Trong đó, bộ đội chủ lực giữ địa vị chiến lược chủ yếu trong đấu tranh vũ trang, là lực lượng cơ động đánh địch trên chiến trường cả nước trong chiến tranh Nhân dân, chiến tranh giải phóng. Chức năng và nhiệm vụ cơ bản là thực hiện những đòn đánh tiêu diệt lớn lực lượng chủ lực, lực lượng chiến lược chủ yếu của quân địch bằng tác chiến tập trung, tác chiến hiệp đồng các binh chủng, quân chủng, tác chiến hiện đại, giải phóng và bảo vệ những vùng lãnh thổ quan trọng. Cùng với đó là phối hợp, hiệp đồng với bộ đội địa phương và dân quân du kích, phối hợp với lực lượng chính trị của quần chúng, thực hiện những đòn đánh quyết định trên hướng chiến lược chủ yếu, chiến trường chủ yếu, làm chuyển biến so sánh lực lượng và cục diện chiến tranh có lợi cho ta và kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh. Bộ đội chủ lực cùng bộ đội địa phương, dân quân tự vệ hình thành, phát triển thế trận chiến tranh Nhân dân nhằm chủ động tiến công, bao vây, chia cắt, phân tán lực lượng địch, đẩy chúng vào thế bị động, suy yếu; kết hợp chặt chẽ với đấu tranh chính trị, khởi nghĩa của quần chúng và các lực lượng đấu tranh khác. Bộ đội chủ lực vừa chiến đấu, vừa xây dựng theo đường lối kháng chiến, kiến quốc đã lớn mạnh không ngừng và đạt được vô vàn thắng lợi vẻ vang.
Cùng với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương là lực lượng nòng cốt của đấu tranh vũ trang, của chiến tranh Nhân dân ở địa phương, là lực lượng tác chiến tại chỗ tiêu diệt, tiêu hao quân địch, bảo vệ địa phương. Đồng thời, góp phần hình thành, phát triển thế trận chiến tranh Nhân dân ở địa phương và thế trận chiến tranh Nhân dân trên cả nước, nhằm chủ động tiến công, bao vây, chia cắt, phân tán lực lượng địch... Ngoài ra, dân quân, du kích, tự vệ, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh "là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là bức tường sắt của Tổ quốc. Vô luận kẻ địch hung bạo thế nào, hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó, thì địch nào cũng phải tan rã". Đây được xem là lực lượng nền tảng của toàn dân đánh giặc, cả nước đánh giặc.
Quan hệ giữa ba thứ quân là quan hệ anh em ruột thịt, con một cha, nhà một nóc, đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ, tận tình giúp đỡ lẫn nhau, yêu thương, tôn trọng, phát huy thắng lợi của nhau, tạo điều kiện cho nhau đánh giặc, cứu nước, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Đội quân chủ lực trái lại có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang của các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên. Đối với các đội vũ trang địa phương: đưa các cán bộ địa phương về huấn luyện, tung các cán bộ đã huấn luyện đi các địa phương, trao đổi kinh nghiệm, liên lạc thông suốt, phối hợp tác chiến". LLVT gồm 3 thứ quân đã trở thành nòng cốt đưa nghệ thuật quân sự toàn dân đánh giặc của dân tộc Việt Nam lên đỉnh cao. Đó là đội quân đi lên từ những vũ khí thô sơ, nhưng có điểm tựa sức mạnh là cả dân tộc, nên đã đánh bại 2 siêu cường hàng đầu thế giới, với nhiều chiến thắng vĩ đại đã làm rung chuyển địa cầu như chiến thắng Điện Biên Phủ, hay đại thắng mùa Xuân 1975.
Ngày nay, đứng trước yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới, thì việc xây dựng LLVT vững mạnh, với 3 thứ quân làm nòng cốt, vẫn là yêu cầu tất yếu. Trong đó, tập trung xây dựng quân đội Nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp; xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, chất lượng cao. Đặc biệt, phải lấy dân là gốc, đề cao tinh thần yêu nước và phát huy ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh vĩ đại của Nhân dân, mới có thể “xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh. Đó cũng chính là cơ sở để xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc – nhân tố then chốt, quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Khôi Nguyên
(Bài viết có sử dụng một số tư liệu trong cuốn “Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975: Thắng lợi và bài học”, NXB Sự thật).