Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 15/11/1945 tại Nhà máy Đèn, Chi bộ Đảng đầu tiên của thị xã Thanh Hóa được thành lập. 79 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cán bộ, đảng viên, Nhân dân TP Thanh Hóa đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, chung sức, đồng lòng xây dựng TP Thanh Hóa ngày càng giàu đẹp, văn minh và hiện đại.
Lãnh đạo Ban Tổ chức Thành ủy TP Thanh Hóa tặng hoa chúc mừng các em học sinh THPT được kết nạp Đảng.
Trong quá trình đấu tranh cách mạng từ năm 1930 đến khi giành được chính quyền (tháng 8/1945), thị xã Thanh Hóa là một trong những địa bàn hoạt động sôi nổi và mạnh mẽ của các tổ chức cách mạng; nơi liên hệ, bắt mối với Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ, Trung Kỳ. Sau khi giành được chính quyền, cùng với nhiệm vụ cấp bách chống giặc đói, giặc dốt là phải thành lập tổ chức Đảng để lãnh đạo phong trào cách mạng chống lại “thù trong, giặc ngoài”. Ngày 15/11/1945, tại Nhà máy Đèn (phường Ba Đình), đồng chí Bùi Đạt, đại diện Tỉnh ủy Thanh Hóa đã triệu tập hội nghị công bố quyết định thành lập Chi bộ đảng đầu tiên của thị xã, do đồng chí Trần Tiến Quân làm Bí thư. Chỉ sau một thời gian ngắn, tháng 3/1946, tại hội nghị toàn thể 20 đảng viên trong Chi bộ đã bầu Thị ủy lâm thời và Chi bộ đảng được nâng lên thành Đảng bộ. Trong mỗi thời kỳ cách mạng, Đảng bộ thị xã Thanh Hóa đã lãnh đạo phong trào cách mạng đạt được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp xứng đáng vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sau ngày đất nước toàn thắng, kế thừa và phát huy truyền thống bất khuất, ý chí kiên cường của các thế hệ cha anh đi trước, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân thành phố đã ra sức thi đua lao động sản xuất, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thay đổi toàn diện bộ mặt đô thị. Đặc biệt, sau 30 năm nỗ lực chuyển mình từ thị xã lên thành phố, 10 năm từ đô thị loại III trở thành đô thị loại I, TP Thanh Hóa đã bứt phá vươn lên mạnh mẽ, xứng đáng là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa và khoa học - kỹ thuật của cả tỉnh.
Với tinh thần “Cả tỉnh vì thành phố”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về “Xây dựng và phát triển TP Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đặc biệt, Nghị quyết số 303/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về “Thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP Thanh Hóa” được ví như “cú hích” tạo động lực cho kinh tế - xã hội thành phố phát triển. Tiếp thêm xung lực để hiện thực hóa mục tiêu đưa TP Thanh Hóa trở thành “thành phố hội tụ, kết nối phát triển”, ngày 17/3/2023 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040. Để mở ra tầm nhìn mới, vận hội mới, ngày 5/8/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 795/QĐ-TTg công nhận đô thị Thanh Hóa đạt tiêu chí đô thị loại I. Quyết định này không chỉ cho thấy sự kỳ vọng của Trung ương dành cho mảnh đất giàu truyền thống lịch sử và đang phát triển năng động, mà còn thôi thúc ý chí tự lực, tự cường, tinh thần chủ động, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền địa phương để xây dựng thành phố phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn trong tương lai.
Để đáp ứng sự kỳ vọng của Trung ương, của tỉnh và hiện thực hóa mục tiêu “Đến năm 2025, TP Thanh Hóa nằm trong nhóm đô thị loại I trực thuộc tỉnh hàng đầu cả nước; đến năm 2030 cơ bản trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; là 1 trong 5 thành phố trực thuộc tỉnh dẫn đầu cả nước, một động lực quan trọng đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc”, thành phố đã tập trung phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh. Bằng sự đồng tâm, đồng sức, đồng lòng, thành phố đã có sự “bứt tốc” về tăng trưởng để ghi dấu ấn đậm nét lên bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
TP Thanh Hóa ngày càng phát triển văn minh, hiện đại.
Minh chứng rõ nhất là giai đoạn 2021-2023, nhiều chỉ tiêu kinh tế của thành phố hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra. Nổi bật như tổng huy động vốn đầu tư phát triển đạt 91.826 tỷ đồng, bằng 51,01% kế hoạch cả nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết số 05 đề ra (180.000 tỷ đồng). Thu ngân sách Nhà nước đạt 10.183,2 tỷ đồng, đạt 128% dự toán tỉnh và 110% dự toán thành phố giao. Doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân phát triển nhanh cả về số lượng, quy mô, cơ cấu ngành nghề hoạt động. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 84,86 triệu đồng, cao gấp 1,53 lần thu nhập bình quân chung của tỉnh... 9 tháng năm 2024, trong 37 chỉ tiêu đề ra, thành phố đã có 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 5 chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch; 24 chỉ tiêu còn lại đang tiếp tục phấn đấu, trong đó dự kiến có 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch và 18 chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch. Hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại cũng là điểm nổi bật về một thành phố đang phát triển năng động và hiện đại.
Cùng với những điểm sáng trong bức tranh kinh tế, các lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục toàn diện phát triển vững chắc và là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh. An sinh xã hội được chăm lo, đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao. Quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác xây dựng phố, thôn, đơn vị, cơ quan văn hóa; phường văn minh đô thị; phường, xã, cơ quan, đơn vị kiểu mẫu ghi nhiều dấu ấn đậm nét. Đến nay, thành phố có 54% phường, xã, cơ quan, đơn vị đạt tiêu chí kiểu mẫu, vượt mục tiêu đề ra là 53%. Tỷ lệ đô thị hóa của thành phố đạt 98,5%, vượt 0,5% mục tiêu đề ra... Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường; kỷ cương, kỷ luật hành chính được nâng lên. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố hướng mạnh về cơ sở với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả.
Với bề dày truyền thống lịch sử, TP Thanh Hóa luôn có những cách làm mới, bước đi đột phá với nhiều dấu ấn nổi bật đã được khẳng định trong thời gian qua sẽ là nền tảng quan trọng để thành phố bước những bước dài, vững chắc, tiếp tục chinh phục những mục tiêu lớn, mục tiêu quan trọng đã đề ra, xây dựng thành phố sớm trở thành đô thị thông minh, văn minh và hiện đại.
Bài và ảnh: Minh Khôi