Sign In

Lên phương án phòng chống bão kéo dài

09:07 27/10/2024
(CTTĐT) - Sáng 27/10, tại Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà họp trực tuyến với các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum về công tác ứng phó với bão số 6 (bão TRAMI) sẽ đổ bộ lên đất liền Nam Quảng Trị - Bắc Quảng Nam vào trưa 27/10. Tham dự tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh: Phó Chủ tịch UBND Phan Quý Phương và lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Theo báo cáo cập nhật mới nhất của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, sáng 27/10, bão số 6 đang ở trên vùng biển Nam Quảng Trị - Đà Nẵng. Vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quang Ngãi (bao gồm đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn, Cù lao Chàm) có gió mạng cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. Sóng biển cao 2-4 m, vùng gần tâm bão cao 4-6 m. Biển động rất mạnh. Khu vực biển ven bờ Quảng Bình-Quảng Trị và Quảng Ngãi-Bình Định có sóng cao 2-4 m; khu vực Huế-Quảng Nam cao 3-5 m.

Dự báo trưa ngày 27/10, bão số 6 sẽ đi vào đất liền khu vực Nam Quảng Trị-Đà Nẵng, vùng gần tập bão có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Ven biển Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-11; sâu hơn trong đất liền có thể có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Thời gian nguy hiểm nhất của gió mạnh là từ sáng 27/10 đến chiều 27/10.

Trong 12-24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Đông dịch chuyển ngược trở lại biển, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau là vùng áp thấp và tan dần.

Dự báo, từ sáng 27/10 đến hết ngày 29/10, khu vực Quảng Bình-Quảng Ngãi tiếp tục mưa to 200-400 mm, có nơi trên 600 mm. Khu vực Nam Nghệ An, Hà Tĩnh,; khu vực Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa từ 150-250 mm, có nơi trên 400 mm. Khu vực Bắc Nghệ An, Gia Lai có mưa từ 50-100 mm, có nơi trên 150 mmm. Khả năng xuất hiện lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi ở mức BĐ2-BĐ3, các sông ở Quảng Bình BĐ2, các sông ở Hà Tĩnh, Bình Định, Kon Tum BĐ1.

Từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có trên 30 huyện và khu đô thị với 365 xã có nguy cơ ngập lụt. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở mức cao đến rất cao ở các sườn đồi dốc, taluy tại khu vực từ Nam Nghệ An đến Bình Định, Kon Tum và Gia Lai, đặc biệt là từ Quảng Bình đến Quảng Nam.

Đến nay, các lực lượng chức năng đã kiểm đếm, hướng dẫn 67.212 phương tiện/307.822 người biết diễn biến, hướng đi của bão; hiện không có phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm.

TS. Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, cho biết với dự báo của bão số 6 sẽ quay trở lại Biển Đông thì các biện pháp phòng chống bão trên phải hết sức chú ý và kéo dài thời gian hơn.


Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương phát biểu tại cuộc họp

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh đang có nền gió mạnh từ cấp 7; gần biển gió cấp 8 – 9.

Triển khai nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 110, các  sở, ban, ngành, đơn vị và UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế đã chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến của bão 6, mưa lũ; tăng cường tuyên tuyền, vận động người dân giằng chống, gia cố nhà cửa; gia cố các cây xanh có nguy cơ gãy đổ trên địa bàn; triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao.

Đối với công tác di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, các địa phương đã rà soát phương án sơ tán, di dời để đối phó với bão, lũ, nước dâng do bão, lũ quét, sạt lở đất: 10.251 hộ/32.665 khẩu. Đến 7h ngày 27/10 đã di dời 815 hộ/1842 khẩu. Từ 7h sáng nay, tỉnh đã thực hiện cấm người dân không ra đường khi có gió mạnh; duy trì lực lượng công an, biên phòng, quân đội và ứng trực để kịp thời cứu hộ, cứu nạn.

Do ảnh hưởng liên tiếp của các đợt thiên tai trong tháng 9 đến tháng 10/2024, đặc biệt là các đợt mưa lớn, gió mạnh trên biển, sóng lớn, triều cường, nước dâng trong các ngày 19-21/10/2024 đã gây sạt lở cho đoạn bờ biển dài khoảng 1.000m, sạt lở nặng dài khoảng 300m nằm ở khu vực bãi tắm Thuận An-Phú Thuận, ăn sâu vào đất liền từ 70m đến 100m gây nguy cơ mất an toàn cho tuyến đường liên xã, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và các hộ dân thuộc xã Phú Thuận, huyện Phú Vang và phường Thuận An, thành phố Huế (Đợt lũ lịch sử năm 1999, tại vị trí đoạn bờ biển này đã bị vỡ và trở thành cửa biển mới, sau đó UBND tỉnh đã xây dựng công trình khắc phục, hàn gắn lại vào năm 2000).

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao công tác chuẩn bị ứng phó bão số 6 tại các tỉnh miền Trung, chủ động, bài bản, ở mức cao nhất.

Với diễn biến phức tạp của bão số 6 sau khi đổ bộ vào đất liền sẽ quay ra biển và có khả năng hình thành áp thấp hoặc cơn bão mới, Phó Thủ tướng đề nghị hệ thống khí tượng thuỷ văn phải dự báo chính xác thời điểm bão đổ bộ, tuyến đê biển xung yếu để tập trung lực lượng, phương tiện để xử lý kịp thời khi có sự cố. Bên cạnh đó, với lượng mưa lớn, kéo dài, các đài khí tượng thuỷ văn tiếp tục cập nhật lượng mưa, đưa ra cảnh báo cụ thể hơn cho người dân về khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở.

Bộ Quốc phòng phối hợp, hỗ trợ các địa phương khẩn trương triển khai phương án dùng flycam bay kiểm tra, rà soát, phát hiện các vết nứt lớn, kéo dài tại những vùng có nguy cơ sạt lở do mưa lớn, kéo dài.

Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ TN&MT phải nắm chắc thông tin lưu lượng nước tại các hồ, bổ sung dự báo của cơ quan khí tượng thuỷ văn quốc gia, các đài khí tượng thuỷ văn địa phương để điều tiết kịp thời, “không được để xảy ra tình trạng tất cả các hồ đều phải xả nước để bảo đảm an toàn”.

Bộ GTVT, Bộ TT&TT, các doanh nghiệp điện lực, viễn thông phối hợp chặt chẽ với địa phương để duy trì giao thông liên lạc, kết nối thông tin, chỉ đạo điều hành thông suốt.

Phó Thủ tướng lưu ý cơ quan khí tượng thuỷ văn dự báo sát sao thời điểm bão số 6 đi vào đất liền, sau đó quay người ra biển. các cơ quan truyền thông kịp thời thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về tính chất phức tạp của bão số 6. Lãnh đạo các địa phương tiếp tục quan tâm sâu sát đến công tác quản lý tàu thuyền trên biển.

Tag:

File đính kèm