Chưa đầy một năm sau ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, năm 1946, Bác Hồ đã căn dặn mọi người: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt. Mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe. Vậy nên, luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người yêu nước. Việc đó không tốn kém, khó khăn gì. Gái trai, già trẻ ai cũng nên làm và ai cũng làm được… Dân cường thì nước thịnh. Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục”. Theo quan niệm của Bác Hồ thì sức khỏe của mỗi cá nhân và sức sống của đất nước có quan hệ mật thiết với nhau: “Mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe”. Đây là nét đặc sắc trong tư tưởng của Bác Hồ về chăm sóc sức khỏe; sức khỏe không chỉ là tài sản cá nhân mà còn là tài sản của cộng đồng, tạo nguồn sức khỏe không chỉ là trách nhiệm cá nhân mà còn là trách nhiệm của cộng đồng.
Bác Hồ đã định nghĩa “Ngày nào cũng tập thể dục thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe”. Các chuyên gia hàng đầu ngành y tế nước ta cho rằng, nội dung này hoàn toàn thống nhất với định nghĩa về sức khỏe của Tổ chức Y tế Thế giới trong Tuyên ngôn Alma Ata năm 1978 “Sức khỏe là trạng thái khoẻ mạnh hoàn toàn về thể chất, tinh thần và xã hội”. Trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh đến y tế dự phòng. Người nhắc nhở toàn dân phải giữ gìn vệ sinh: “Phòng bệnh hơn trị bệnh”. Làm tốt công tác y tế dự phòng không chỉ là bảo đảm sức khỏe nhân dân, mà còn là góp phần xây dựng “đời sống mới”. Trong tác phẩm “Ðời sống mới” (tháng 3/1947), Bác Hồ nhấn mạnh: “Sạch sẽ tức là một phần đời sống mới. Sạch sẽ thì ít đau ốm. Sức khỏe thì làm được việc, làm được việc thì có ăn. Xem đó thì biết rằng ai cũng nên làm đời sống mới”.
Trong lúc cả nước sục sôi chuẩn bị kháng chiến toàn quốc, ngày 27/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài đăng trên báo Cứu quốc với tiêu đề “Nghĩa thương”. Bác lý giải “Nghĩa thương” là phương pháp “để dành”: “Để dành để khỏi lo cả đời, không mất đi đâu cả, kẻ giàu để dành nhiều, kẻ nghèo để dành ít. Giao cho Bộ Canh nông lo”. Theo các nhà nghiên cứu, thực chất, đây là lời kêu gọi người dân thực hành bảo hiểm xã hội của Bác. Suy cho cùng, bản chất sâu xa của công tác bảo hiểm xã hội chính là sự sẻ chia giữa người và người trong xã hội, đó là “Nghĩa thương”. Đây là định hướng chỉ đạo, đặt nền tảng cho công tác bảo hiểm xã hội ở nước ta, đồng thời, toát lên tư tưởng nhân văn sâu sắc của Bác.
Đặc biệt, vấn đề y đức của người thầy thuốc được Bác Hồ hết sức quan tâm, vì “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”. Trong các bức thư gửi Trường Quân y năm 1946, Hội nghị Quân y năm 1948, Trường y tá Liên khu I năm 1949, Hội nghị y tế toàn quốc năm 1953…, Người luôn nêu ra vấn đề y đức. Người viết: “Lương y như từ mẫu, nghĩa là một người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền”... Năm 1955, nhân dịp Hội nghị Cán bộ Y tế được tổ chức tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Hội nghị. Trong thư, Bác căn dặn “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, chăm sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu; xây dựng một nền y học của nước ta dựa trên nguyên tắc khoa học, dân tộc và đại chúng; chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc “Đông” và thuốc “Tây”. Đồng thời, Bác Hồ nhấn mạnh vấn đề đoàn kết: “Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới, đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành Y tế, từ các Bộ trưởng, Thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh chị em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân”. Bức thư của Bác đăng trên báo Nhân dân số ra ngày 27/02/1955 với những lời dạy giản dị, sâu sắc, khoa học, mang tính định hướng chiến lược đã trở thành tài sản vô giá của ngành Y tế nước ta. Với ý nghĩa của bức thư, ngày 06/02/1985, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định lấy ngày 27/02 hàng năm là Ngày Thầy thuốc Việt Nam.
69 năm qua, lời dạy của Bác đã trở thành nguyên tắc cơ bản chỉ đạo mọi hoạt động của ngành Y tế, là lý tưởng để mỗi y bác sĩ rèn luyện, phấn đấu. Với vị thế là trung tâm y tế chuyên sâu, Thừa Thiên Huế tự hào có đội ngũ y bác sĩ đông đảo, tận tụy với nghề, trong đó không ít những tấm gương sáng về đạo đức, hết mình vì người bệnh. Với 70 giáo sư, phó giáo sư; 277 tiến sĩ, dược sĩ, bác sĩ chuyên khoa II; 1.697 thạc sĩ, dược sĩ, bác sĩ chuyên khoa I; trên 2.800 cán bộ y tế có trình độ đại học y, dược, điều dưỡng, kỹ thuật viên; đội ngũ này đã thực hiện, triển khai nhiều kỹ thuật chuyên sâu, tiên tiến, trong đó có kỹ thuật được thực hiện lần đầu tiên tại Việt Nam và trên thế giới, như: ghép tim từ người cho chết não, ghép khối tim, phổi, ghép tế bào gốc, phẫu thuật nội soi 3D, phẫu thuật nội soi một lỗ và qua lỗ tự nhiên, kỹ thuật rửa thận ngược dòng… Tập thể đội ngũ y bác sĩ Thừa Thiên Huế đã cùng với cả nước cống hiến hết mình, khống chế được nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm, đặc biệt là chiến thắng đại dịch Covid-19 - cuộc chiến đầy cam go, vô vàn thách thức, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử y tế Việt Nam. Đồng thời, với sự đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên y tế, các chỉ tiêu về y tế của tỉnh đạt được kết quả tự hào: Số bác sĩ/vạn dân là 15,4 bác sĩ; Số giường bệnh/vạn dân: 61 giường; Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên: 9,9%o; Tuổi thọ trung bình đạt 72,4 tuổi; Tỷ lệ trẻ em dưới 05 tuổi suy dinh dưỡng theo cân nặng: 5,7%; Tỷ lệ trẻ em dưới 05 tuổi suy dinh dưỡng theo chiều cao: 8,1%; Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế: 99,3%;…
Kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 - 27/02/2024) cũng là dịp để lời nhắn gửi “Lương y như từ mẫu” của Bác Hồ thấm sâu trong tâm trí của mỗi thầy thuốc. Để mỗi thầy thuốc không quên sứ mệnh của mình, ra sức phấn đấu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đồng tâm, hiệp lực cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh hoàn thành thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Nghị quyết 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị “về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết số 08- NQ/TU, ngày 09/8/2021 của Tỉnh ủy “về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”.
Bích Ngọc