Quang cảnh hội nghị. |
Theo dự thảo kịch bản, tình huống diễn tập là vào lúc 8 giờ 30 phút, một xe bán tải vận chuyển 1 nguồn phóng xạ (Cs-137 có hoạt độ 100 mCi) qua địa bàn TP. Mỹ Tho, trên xe có người lái và nhân viên áp tải nguồn phóng xạ. Khi đang tham gia giao thông trên đường, xe vận chuyển nguồn phóng xạ xảy ra va chạm mạnh với xe tải chạy ngược chiều. Sự cố tai nạn làm người điều khiển xe ô tô chở nguồn phóng xạ, nhân viên áp tải bị ngất và kẹt trong xe.
Một số người dân đang đi trên đường chạy đến ứng cứu lái xe và nhân viên áp tải. Đồng thời, gọi điện thoại thông báo đến lực lượng Công an để thông báo về vụ tai nạn; gọi điện xe cứu thương 115 để cấp cứu người bị nạn.
Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an Kỹ thuật hình sự, Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) đến và xử lý sự cố tại hiện trường theo quy trình đối với tai nạn giao thông đường bộ. Sau khi tổ chức bảo vệ, khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông, lực lượng Công an xã, Cảnh sát giao thông, Kỹ thuật hình sự phát hiện có nguồn phóng xạ thông qua dấu hiệu cảnh báo phóng xạ trên xe, đã kịp thời báo cáo chỉ huy Công an TP. Mỹ Tho. Công an thành phố thực hiện chế độ báo cáo Công an tỉnh Tiền Giang. Lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo thực hiện quy trình để thông báo Sở KH&CN. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị liên quan đến hiện trường, yêu cầu Công an TP. Mỹ Tho mở rộng khoanh vùng, bảo vệ hiện trường. Sở KH&CN đánh giá đây là sự cố khá nghiêm trọng khi nguồn phóng xạ có khả năng chiếu xạ, nhiễm bẩn phóng xạ gây ảnh hưởng cho người dân và môi trường. Sở KH&CN với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ huy ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân tỉnh đã báo cáo Ban Chỉ huy để khởi động kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ. Đồng thời, điều động các lực lượng tham gia và triển khai các hành động ứng phó cần thiết để thu hồi nguồn phóng xạ, đảm bảo an toàn cho người dân và môi trường.
Trong khi đang cứu lái xe và nhân viên để đưa đi cấp cứu thì xe chở nguồn phóng xạ có dấu hiệu cháy nổ, chỉ huy Công an đã gọi lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đến hiện trường để chữa cháy. Sau khi đám cháy được dập tắt, chỉ huy hiện trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức thu hồi nguồn phóng xạ nhằm đảm bảo an toàn và an ninh.
Theo kế hoạch, thời gian diễn tập dự kiến trong tháng 12/2024. Địa điểm diễn tập thực binh tại Quảng trường Hùng Vương (xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang).
Quy trình diễn tập gồm 3 bước: Thuyết minh nội dung kịch bản diễn tập; Tổ chức diễn tập thực binh tại địa điểm diễn tập; Công tác báo cáo kết quả, rút kinh nghiệm công tác diễn tập. Lực lượng tham gia diễn tập dự kiến huy động 100 người.
Diễn tập được tổ chức nhằm mục đích nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy và trao đổi thông tin giữa các lực lượng trong công tác ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; nâng cao năng lực ứng phó sự cố bức xạ của sở, ngành có liên quan trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng xã hội trong việc đảm bảo an toàn bức xạ và hạt nhân, an ninh nguồn phóng xạ trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị, các sở, ngành đã có nhiều ý kiến đóng góp về kịch bản tình huống diễn tập; công tác triển khai tổ chức kế hoạch diễn tập.
Ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản thống nhất với dự thảo kịch bản diễn tập. Đơn vị tư vấn cần tiếp thu ý kiến đóng góp của các sở, ngành. Yêu cầu đặt ra của diễn tập là phải như thật, hiệu quả để trở thành kịch bản, sản phẩm của tỉnh. Sở KH&CN và các ngành nghiên cứu, học tập kinh nghiệm tại các địa phương khác về diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân. Sở KH&CN phối hợp với các ngành tuyên truyền về tổ chức diễn tập; sự cần thiết của việc ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân. Đồng thời, phối hợp với đơn vị tư vấn sớm hoàn thiện kịch bản diễn tập; bố trí, phân công lực lượng để tổ chức tốt diễn tập…
Anh Thư