Đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị tỉnh Trà Vinh tại phiên thảo luận tổ vào sáng ngày 23/5.
Sáng nay (23/5), Quốc hội thảo luận ở tổ về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024. Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023. Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023
Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận Tổ, đồng chí Trần Quốc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh, đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị tỉnh Trà Vinh nêu quan điểm: qua theo dõi tình hình thực tiễn và nghiên cứu báo cáo của chính phủ trình Quốc hội, chúng ta có chung nhận định rằng, năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 là khoảng thời gian có nhiều khó khăn, thách thức, tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động nhanh, phức tạp và khó lường nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp, tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, giữ vững trật tự an toàn xã hội.
Từ đó, KT-XH tiếp tục được phục hồi và chuyển biến tích cực, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng GDP năm 2023 đạt 5,05% (quý I/2024 đạt 5,66%) thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới và khu vực; lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2023 tăng 3,25% (bình quân 04 tháng tăng 3,93%) được kiểm soát tốt, dưới ngưỡng mục tiêu Quốc hội giao; nợ công 37% GDP, nợ Chính phủ 34% GDP đang ở ngưỡng rất an toàn; thu ngân sách nhà nước năm 2023 đạt trên 1,75 triệu tỷ đồng, vượt 8,2% và tăng 133,4 nghìn tỷ đồng so với dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, quốc phòng - an ninh, bảo đảm an sinh xã hội và các nhiệm vụ cấp thiết khác; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt 681 tỷ USD; xuất siêu 28,3 tỷ USD (riêng 04 tháng đầu năm 2024 xuất siêu 8,4 tỷ USD); phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược có sự chuyển biến vượt bậc, nhất là đột phá về hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng quan trọng, trọng điểm quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh và bền vững.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn cho biết: tôi ấn tượng nhất ở 03 chỉ tiêu đạt được đó là: (1) Quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, đã đưa Việt Nam bước vào nhóm các nước trung bình cao; (2) Nhiều chính sách, giải pháp được thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả để hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp, người dân; đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất gần 191,5 nghìn tỷ đồng; (3) Tính đến hết năm 2023, đã dành được khoảng 680 nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới và đúng lộ trình áp dụng vào ngày 01/7/2024, tạo sự hưng phấn cho lực lượng những người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước… góp thêm động lực quan trọng và cấp thiết trong việc nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ hiện nay.
Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn: Cần có giải pháp hữu hiệu ngăn chặn lừa đảo qua mạng xã hội; kiểm soát tốt phương tiện “truyền thông lá cải”.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn đồng tình với 11 nhóm giải pháp của Chính phủ nêu trong báo cáo. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm thêm đến 04 nhóm vấn đề sau:
Một là, cần đặc biệt quan tâm, và quan tâm sâu sắc hơn nữa đến công tác hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh, doanh hiện nay.
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế - Quốc hội thì đầu tư tư nhân tiếp tục tăng trưởng thấp. Vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước năm 2023 đạt 1.919,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 56,1% và tăng 2,7%, chỉ bằng 1/5 mức tăng trước đây (giai đoạn 2015 - 2019 vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước tăng bình quân khoảng 13,4%/năm). Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Tính chung năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 89,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 20,7% so với năm 2022; 65,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9%. Bình quân một tháng có 14,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Riêng 04 tháng đầu năm, cả nước có gần 86,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 12,2% so với cùng kỳ. Trong khi doanh nghiệp gia nhập thị trường chỉ ở mức 81,3 nghìn doanh nghiệp, thấp hơn 5,1 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường… đây là một tín hiệu không tốt cho nền kinh tế.
"Tôi hoàn toàn thống nhất với chủ trương của Chính phủ là trình Quốc hội tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm lãi suất, giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ và miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh" - đại biểu Trần Quốc Tuấn.
Theo đó, Chính phủ sẽ ban hành các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí trong 06 tháng cuối năm 2024 với tổng số tiền dự kiến khoảng 98 nghìn tỷ đồng; trong đó có giảm 02% thuế giá trị gia tăng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tăng quy mô gói tín dụng ưu đãi cho ngành lâm sản, thủy sản lên 30 nghìn tỷ đồng và đang xây dựng gói tín dụng ưu đãi cho ngành lúa gạo; kéo dài thời gian thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đến hết năm 2024.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng; hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 15% và giảm lãi suất cho vay 01 - 02%. Vì tính đến ngày 23/4/2024, dư nợ tín dụng chỉ tăng 1,6% so với cuối năm 2023 (cùng thời điểm năm 2023 tăng 2,66%). Mức tăng trưởng này quá thấp… hạn chế tối đa tình trạng doanh nghiệp cần vốn nhưng không vay được, trong khi các ngân hàng thừa vốn.
Hai là, đặc biệt quan tâm đến tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đây là vựa lúa, trái cây, thủy sản của cả nước.
Năm 2024 nắng nóng, khô hạn, mặn xâm nhập có phần gay gắt hơn, tuy mức thiệt hại không cao lắm, nhưng đây là hồi chuông cảnh báo nếu chúng ta không có kế hoạch ứng phó kịp thời, hiệu quả thì tình hình sẽ tồi tệ hơn, mức thiệt hại sẽ tăng cao hơn và nặng nề hơn.
Đặc biệt là thời gian gần đây, các tờ báo lớn như “Báo Tuổi trẻ” liên tục đưa tin về việc Campuchia có kế hoạch khởi công xây dựng Kênh đào Phù Nam - Techo và nếu kênh đào hoàn thành đi vào hoạt động chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến nguồn nước của khu vực ĐBSCL.
Nội dung này, đại biểu Trần Quốc Tuấn đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo “Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL” mời các nhà khoa học trong và ngoài nước có chuyên môn sâu, am hiểu về vấn đề này tham gia tổ chức diễn đàn hiến kế ứng phó với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL để thu thập các ý kiến tâm huyết, khoa học, phù hợp thực tiễn. Như tích nước, trữ nước ngọt, xây đê ngăn mặn trên cơ sở nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các quốc gia có kinh nghiệm trong vấn đề này như Hà Lan, Israel...
Bên cạnh đó, Quốc hội cần nghiên cứu xem xét lại quyết nghị dành 3,5 triệu héc-ta đất trồng lúa đến năm 2030. Để thích ứng với điều kiện "thuận thiên", chúng ta cần tính toán đến việc giảm diện tích đất trồng lúa ở ĐBSCL, chuyển đổi mục đích sang đất khác để vừa tránh thiệt hại, vừa nâng cao hiệu quả sản xuất đối với nền nông nghiệp thích ứng hiện nay- tất nhiên cần tính toán kỹ lưỡng vấn đề bảo đảm an ninh lương thực quốc gia - đại biểu Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh.
Ba là, cần nhanh chóng nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách
Trên cơ sở phát huy cao trách nhiệm của các bộ, ngành, ngoài việc khẩn trương sửa đổi các cơ chế, chính sách, các quy định, thủ tục hành chính còn chồng chéo, rườm rà, đề nghị chính phủ cần chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng và ban hành mới các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển đối với các lĩnh vực nước ta có tiềm năng lợi thế, có như vậy mới không lãng phí nguồn lực xã hội và nguồn lực đất nước...
Đại biểu Trần Quốc Tuấn nêu một ví dụ cụ thể: qua hơn 10 năm phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam, nguồn năng lượng nắng và gió là vô hạn, nhưng việc ban hành chính sách phát triển năng lượng tái tạo còn bất cập, chưa đánh giá hết tiềm năng lợi thế phát triển các loại năng lượng tái tạo, xuất khẩu điện, phát triển điện mặt trời không nối lưới. Ở lĩnh vực này, đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo kiên quyết hơn để khẩn trương hoàn thiện các cơ chế, chính sách: (i) Mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn; (ii) khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp tự sản, tự tiêu; (iii) phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi, ven bờ.
Ngày 24/4/2024, Bộ Công thương tổ chức hội thảo lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa các đơn vị phát điện với khách hàng sử dụng điện lớn và Dự thảo Nghị định về cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu… nhiều đại biểu “bất ngờ” khi nghe lãnh đạo Bộ Công thương phát biểu: “điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu lắp đặt bao nhiêu thì dùng bấy nhiêu, dùng không hết thì lưu trữ lại để lúc khác dùng. Còn nếu phát lên lưới thì phải là giá 0 đồng, và khi mua 0 đồng mới hạn chế được lòng tham của con người, hạn chế được tình huống trục lợi chính sách" - đại biểu Trần Quốc Tuấn cho rằng đây là phát biểu mang tính chất cảm tính, thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn, đi ngược lại xu thế phát triển nền kinh tế xanh đang được nhiều quốc gia áp dụng hiện nay.
Bốn là, cần quản lý và kiểm soát tốt các nền tảng mạng xã hội.
Trước sự phát triển như vũ bão của công nghê thông tin, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) thì tình hình lừa đảo trên mạng xã hội đã xảy ra phổ biến, từ việc làm giả giấy tờ bằng cấp để bán qua mạng... đến các thủ đoạn lừa đảo chuyển tiền qua mạng hay tạo mã QR giả mạo, dán trên các điểm bán hàng để người mua hàng chuyển tiền vào tài khoản của nhóm lừa đảo... loại tội phạm này ngày càng tinh vi, phức tạp, gây hoang mang, thiệt hại cho người dân và xã hội, cần phải được Chính phủ quan tâm chỉ đạo.
Bên cạnh đó, tình trạng đưa tin sai trái, bịa đặt, không kiểm chứng đã xuất hiện dày đặt trên mạng xã hội, đặc biệt là mạng xã hội Tiktok, đã dẫn dắt dư luận hiểu chưa đúng về bản chất vấn đề, tạo sự hoài nghi, gây chia rẽ nội bộ, mất niềm tin đối với Đảng, chế độ....
Một bất cập đang tồn tại là các loại "truyền thông lá cải" đó luôn "đi trước", "nói trước", "nói nhiều" và xác xuất "đúng" hơn 50%, trong khi "truyền thông chính thống", báo chí của chúng ta lại "đi sau", "nói sau", nhưng lại "nói ít". Do vậy, tôi đề xuất Chính phủ khẩn trương chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan khắc phục tình trạng này, nhất là quản lý thông tin tài liệu mật, kịp thời và kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình vi phạm đưa tin, đăng tin sai sự thật gây ảnh hưởng xấu đến tâm trạng, dư luận xã hội cũng như tác động tiêu cực đến tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Báo Trà Vinh Online