Sign In

(Bài 3) Những điểm sáng trong thực hiện Nghị quyết số 23 ở Trà Vinh

06:52 31/03/2023
Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị khóa X, Thường trực Tỉnh ủy Trà Vinh đánh giá văn học nghệ thuật (VHNT) của Trà Vinh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đó là kết quả của sự nỗ lực, phấn đấu của các ngành, các cấp và Nhân dân trong tỉnh, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, VHNT và các văn nghệ sĩ...

 

Bài 1: Vai trò của tập thể

Bài 2: Những cá nhân tiêu biểu

Du khách nước ngoài xem hiện vật văn hóa tại Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer Trà Vinh.

 

Thành tựu đầu tiên phải kể đến đó là ở lĩnh vực sáng tạo VHNT trên địa bàn tỉnh có bước phát triển khá tốt trong các năm qua. Các tác phẩm VHNT ngày càng có giá trị về mặt tư tưởng và nghệ thuật. VHNT Trà Vinh đã dần khẳng định vị thế, uy tín của mình trong khu vực, cả nước và quốc tế với một số tác phẩm đạt giải cao trong các cuộc thi, liên hoan, triển lãm.

Công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc, các tác phẩm VHNT luôn được quan tâm thực hiện: nhiều hiện vật về VHNT dân tộc được trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh. Nghệ thuật đờn ca tài tử, gắn với sáng tác bài mới về quê hương Trà Vinh, nghệ thuật sân khấu Dù kê và sưu tầm các tác phẩm văn học, thơ ca dân gian Khmer luôn được bảo tồn và thực hiện tốt.

Lực lượng tác giả sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23 có bước phát triển về số lượng, từ 120 hội viên vào năm 2008, đến nay đã nâng lên 353 hội viên. Hiệu quả xã hội của các hoạt động sáng tạo trên từng lĩnh vực nghệ thuật từng bước phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong các dịp lễ, tết và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân. Cụ thể:

Lĩnh vực Văn học đã tập hợp, biên tập và xuất bản 20 tập thơ, 14 tập văn xuôi và hơn 50 đầu sách của một số hội viên Hội VHNT của tỉnh. Tuyển chọn hơn 80 tác phẩm của các tác giả văn học tiêu biểu trong tỉnh để đưa vào 02 quyển giáo trình Văn học địa phương dùng cho trường THCS và THPT.

Lĩnh vực Âm nhạc, các tác giả của tỉnh sáng tác hơn 300 ca khúc; 120 bài ca cổ, trong đó có nhiều bài được chọn biểu diễn tại các sự kiện chính trị của tỉnh và tham dự các liên hoan.

Lĩnh vực Sân khấu đã dàn dựng 65 vở diễn sân khấu Dù kê, 35 chương trình ca múa nhạc Khmer, 16 vở cải lương, với nội dung ca ngợi Đảng và Bác Hồ; ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, con người và tình yêu đôi lứa. Các tác phẩm tham gia các lần hội diễn, hội thi do cấp khu vực, cấp bộ tổ chức đạt được nhiều giải thưởng. Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh, Đài Phát thanh và Truyền hình Trà Vinh dàn dựng 16 vở cải lương, 40 vở ca kịch dù kê, 20 kịch múa, cùng hàng trăm ca khúc, bài ca vọng cổ, tiết mục văn nghệ dân tộc Khmer của các tác giả trong tỉnh.

Trong lĩnh vực Nhiếp ảnh và Mỹ thuật, đã tổ chức hơn 36 cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật, tranh mỹ thuật. Tham gia 15 cuộc triển lãm khu vực đồng bằng sông Cửu Long với hơn 375 tác phẩm, của hơn 240 lượt tác giả.

Lĩnh vực Văn nghệ dân gian, Văn nghệ các dân tộc thiểu số từng bước trở thành phong trào rộng khắp các địa phương trong tỉnh, nhất là các nghệ thuật ca múa dân gian Khmer, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ…

Qua đó, giai đoạn từ năm 2008 - 2022 đội ngũ văn nghệ sĩ trong tỉnh đã giành được trên 150 giải thưởng ở các cuộc thi quốc tế, toàn quốc và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Riêng các hội thi cấp tỉnh và các đơn vị tổ chức đã có hơn 700 tác phẩm đạt giải.

 

Lĩnh vực nghiên cứu, phát triển lý luận, phê bình VHNT trên địa bàn tỉnh từng bước được quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ và cán bộ hội, cán bộ phụ trách văn hóa, VHNT của một số cơ quan liên quan tham gia các lớp tập huấn về lý luận, phê bình văn học do Hội đồng Lý luận Trung ương, các Hội chuyên ngành Trung ương tổ chức. Mặt khác, đến nay ở Trà Vinh đã hình thành một nhóm những người nghiên cứu, phê bình văn học, bước đầu đã có những hoạt động khá tích cực, thường xuyên có bài viết đăng trên tạp chí trong và ngoài tỉnh.

Đặc biệt, trong công tác xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, Hội VHNT Trà Vinh hiện có 07 chi hội chuyên ngành và Hội Kiến trúc sư phối thuộc. Tỉnh hiện có 09 Nghệ sĩ Ưu tú, 11 Nghệ nhân Ưu tú, 01 Nghệ nhân Nhân dân và 06 Nghệ sĩ Nhiếp ảnh, trong đó có 01 Nghệ sĩ Nhiếp ảnh được phong tước hiệu ES.Vapa (có nhiều cống hiến). Có hàng trăm diễn viên, nghệ sĩ, nghệ nhân hoạt động ở các đội thông tin lưu động, các đội ca múa dân tộc, câu lạc bộ đờn ca tài tử ở các địa phương trong toàn tỉnh.

 

 

Tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị khóa X, đồng chí Lâm Minh Đằng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh đánh giá, các tác phẩm VHNT của văn nghệ sĩ Trà Vinh ngày càng có giá trị về mặt tư tưởng và nghệ thuật. Thông qua các tác phẩm đã phản ánh chân thật hiện thực đời sống xã hội của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong toàn tỉnh.

Nhiều tác phẩm VHNT do các nhà văn, nghệ sĩ của tỉnh sáng tác, biểu diễn có giá trị tốt thể hiện qua những đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng và những vấn đề thời sự được xã hội quan tâm. Chủ nghĩa nhân văn, phẩm chất nhân đạo được phát huy và đề cao; tham gia cuộc đấu tranh lên án cái xấu, cái ác, sự biến chất thoái hóa về nhân cách, đời sống và đạo đức của một số người trong xã hội. Qua đó, đã góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh.

 
 


 Bài, ảnh: BÁ THI

Tag:

File đính kèm