Ông Thạch Hồng Vũ (bìa trái), Bí thư Chi bộ ấp Là Ca A thăm hỏi hộ Khmer vươn lên trong cuộc sống.
Chúng tôi đến thăm gia đình bà Thạch Thị Nhiên, ngụ ấp Chòm Chuối, xã Phước Hưng, huyện Trà Cú thuộc diện hộ cận nghèo, không đất sản xuất, hàng ngày, chồng bà Nhiên đi mua dừa trái bán lại kiếm lời trang trải cuộc sống. Hơn 10 năm nay, bà Nhiên ở nhà chăm sóc đứa con khuyết tật bẩm sinh, mọi chi tiêu, sinh hoạt nhờ vào đồng tiền kiếm được từ người chồng, cuộc sống khó khăn lại càng khó khó khăn hơn. Đầu năm 2022, gia đình bà được hỗ trợ con bò sinh sản trị giá 15 triệu đồng, đây là nguồn sinh kế để bà có điều kiện vươn lên. Hiện con bò đã sinh sản được 01 bê con.
Nhằm tạo nguồn động lực để gia đình bà Nhiên phát triển kinh tế. Khi nhận thấy bà Thạch Thị Nhiên nuôi bò “mát tay”, 02 người anh họ đã mua 02 con bò cho bà Nhiên nuôi, đến khi bò sinh sản thì cả 02 cùng chia nhau. Nhìn đàn bò, bà Nhiên chia sẻ: hiện nay, tuy cuộc sống khó khăn nhưng đỡ vất vả hơn trước rất nhiều. Đàn bò đã được 05 con, vợ chồng tôi mừng lắm. Đây là động lực và là cơ hội để gia đình tôi phát triển, vươn lên thoát nghèo.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2021 - 2030. Giai đoạn I, từ năm 2021 - 2025, trên địa bàn tỉnh được triển khai 09/10 dự án: giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu; phát triển giáo dục - đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em…
Năm 2022, là năm đầu tiên tổ chức triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 466 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt 825 hộ; đầu tư xây dựng 51/51 công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất; duy tu bảo dưỡng 21/21 công trình; thành lập mới và duy trì 40 tổ truyền thông cộng đồng giúp phụ nữ nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình, cải thiện sinh kế, tăng thu nhập. Đồng thời, phát triển mới 25 tổ tiết kiệm vay vốn; 09 tổ, nhóm sinh kế do phụ nữ làm chủ ứng dụng hiệu quả công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường; nhân rộng mô hình tiết kiệm và tín dụng tự quản ở các xã, ấp đặc biệt khó khăn trong tỉnh…
Gia đình bà Thạch Thị Sua, 59 tuổi, ngụ ấp Là Ca A, xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang, chồng bà mất hơn 30 năm, bà đi làm thuê theo thời vụ nuôi con 01 đứa trai. Do công việc bấp bênh nên gia đình bà thuộc diện hộ nghèo nhiều năm liền. 05 năm gần đây, khi con trai của bà vừa tròn 18 tuổi, đi làm công nhân, có thu nhập phụ giúp gia đình, cuộc sống bà dần ổn định và vươn lên. Năm 2019, bà thoát khỏi hộ nghèo. Năm 2022, được vay 15 triệu đồng hỗ trợ hộ cận nghèo phát triển kinh tế, bà mua 01 con bò sinh sản, hiện nay, đàn bò phát triển được 02 bê con. Hàng ngày, bà cắt rau muống bán và nhận sản phẩm đan đát từ Tổ Phụ nữ đan đát ấp Là Ca A về gia công.
Ông Thạch Hồng Vũ, Bí thư Chi bộ ấp Là Ca A, xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang cho biết: hiện nay, đời sống kinh tế đồng bào Khmer cơ bản ổn định hơn những năm trước rất nhiều, nhà ở đảm bảo 3 cứng. Từ đó, các hộ Khmer trong xóm cũng nhiệt tình, hăng hái tham gia vào các phong trào của địa phương, chăm sóc cây xanh, tuyến đường, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp, góp phần làm thay đổi diện mạo phum sóc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Hiện, ấp Là Ca A đã xây dựng thành công ấp văn hóa - NTM; xã Nhị Trường được công nhận xã NTM năm 2021.
Bà Thạch Thị Nhiên chăm sóc đàn bò.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Triết, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, kết quả bước đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I, năm 2022, thấy rằng, ở các đơn vị từ huyện đến xã đã tích cực triển khai công tác điều tra, khảo sát các đối tượng được thụ hưởng chính sách, do đó, ban đầu đã tổng hợp được hồ sơ số đối tượng để làm căn cứ cho công tác giải ngân và triển khai thực hiện.
Riêng công tác giải ngân vốn đầu tư, dù thời gian rất ngắn nhưng nhìn chung các địa phương đã rất tích cực tổ chức thực hiện, một số dự án cơ bản đã hoàn thành, một số dự án đã đạt tỷ lệ giải ngân khá cao. Đối với chính sách hỗ trợ đất ở, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức hỗ trợ thì các địa phương sẽ tiến hành hỗ trợ đất ở cho 77 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 796 hộ, hỗ trợ đất sản xuất cho 17 hộ.
Các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Khmer tại các đơn vị được giám sát đã cơ bản giải quyết được những khó khăn, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân tại địa phương, như: xây dựng và sửa chữa nhà; khuyến khích đồng bào Khmer phát triển sản xuất, chăn nuôi, tự chủ về kinh tế; các công trình kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hạ tầng giao thông được kết nối tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, kết nối phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc, góp phần XDNTM, đô thị văn minh.
Năm 2022, tỉnh giảm 4.803 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, trong đó, có trên 3.200 hộ dân tộc Khmer. Toàn tỉnh hiện còn 5.404 hộ nghèo, chiếm 1,88%, hộ nghèo dân tộc Khmer 3.239 hộ, chiếm 3,89% so với tổng số hộ nghèo. Năm 2023, tỉnh phấn đấu giảm 0,5% số hộ nghèo, trong đó, hộ nghèo dân tộc Khmer giảm trên 01%.
Có thể nói, những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự quan tâm của các cấp, các ngành cùng sự vào cuộc quyết liệt, sâu sát của các địa phương đối với công tác chăm lo cho đồng bào dân tộc Khmer đã đáp ứng đúng tâm tư, nguyện vọng của hộ dân. Chính sự quan tâm đó đã tạo cơ hội để đồng bào dân tộc Khmer có điều kiện lao động, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần đưa kinh tế vùng có đông đồng bào Khmer trong tỉnh ngày càng phát triển.
Bài, ảnh: SƠN TUYỀN