Sign In

Việc thực hiện thẩm quyền của HĐND các cấp trong lĩnh vực đầu tư công

08:31 21/04/2023
Luật Đầu tư công (ĐTC) được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 7, ngày 13/6/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020. Luật ĐTC có 101 điều, 06 chương, trong đó, Điều 83, Luật ĐTC quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND các cấp.

 

Kỳ họp thứ 8 (kỳ họp chuyên đề) diễn ra vào ngày 27/02/2023, đại biểu HĐND tỉnh nhất trí thông qua 09 nghị quyết, trong đó, có Nghị quyết về kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch ĐTC vốn ngân sách tỉnh năm 2022 sang năm 2023 và Nghị quyết về việc phân bổ kế hoạch ĐTC vốn ngân sách tỉnh năm 2023 (đợt 2). 

 

Đồng chí Dương Thị Ngọc Thơ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: thực hiện thẩm quyền của HĐND, từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, HĐND tỉnh ban hành 15 nghị quyết về thông qua, phê duyệt, điều chỉnh kế hoạch ĐTC trung hạn và hàng năm, 02 nghị quyết về kéo dài thời gian giải ngân vốn ĐTC hàng năm sang năm sau và 03 nghị quyết về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án sử dụng vốn ODA. HĐND tỉnh quyết định việc giao cho UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển, khả năng tài chính và đặc điểm tình hình cụ thể của địa phương.

Thực hiện tốt công tác giám sát

Theo đồng chí Dương Thị Ngọc Thơ, thời gian qua, việc giám sát công tác ĐTC được HĐND tỉnh quan tâm thực hiện thông qua việc xem xét các báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch ĐTC hàng năm, thẩm tra các dự thảo nghị quyết về kế hoạch ĐTC trung hạn, hàng năm trình HĐND tỉnh. Đồng thời, Thường trực HĐND tỉnh thành lập đoàn giám sát tiến hành giám sát công tác triển khai thực hiện một số dự án ĐTC, như: công tác triển khai thực hiện và quản lý các dự án, công trình xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị trong lĩnh vực y tế; việc triển khai thực hiện dự án trồng, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh; quá trình chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019 - 2021; Đoàn giám sát của HĐND tỉnh đang chuẩn bị tiến hành giám sát công tác đầu tư, quản lý, khai thác, sử dụng các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020 - 2022.

Trước khi tiến hành giám sát, phân công Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh khảo sát thực tế việc triển khai thực hiện các công trình, dự án; HĐND các huyện, thị xã, thành phố cũng giám sát công tác ĐTC trên địa bàn. Qua giám sát nắm được kết quả thực hiện phân bổ vốn và tiến độ giải ngân của các dự án do HĐND tỉnh quyết định phân bổ nguồn vốn; nắm bắt tiến độ, đề xuất, kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Hoạt động của HĐND huyện không ngừng đổi mới

Đồng chí Đinh Thanh Quân, Phó Chủ tịch HĐND huyện Càng Long cho rằng, đầu tư công là lĩnh vực có vai trò, vị trí rất quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống Nhân dân, kết cấu hạ tầng ngày càng được hoàn thiện, diện mạo của địa phương ngày càng thay đổi theo hướng tích cực, góp phần xây dựng thành công ấp, xã, huyện NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu, nhất là góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Những năm qua, HĐND huyện không ngừng đổi mới hoạt động, Thường trực HĐND, các ban HĐND cũng tích cực nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ đúng theo luật định; tham gia quyết định nhiều vấn đề quan trọng trên nhiều lĩnh vực, tiến hành nhiều cuộc giám sát và thẩm tra các báo cáo, các đề án, dự thảo nghị quyết… trong đó có lĩnh vực ĐTC.

Năm 2022, HĐND huyện Càng Long biểu quyết thông qua 05 nghị quyết, trong đó, có 02 nghị quyết điều chỉnh, bổ sung kế hoạch ĐTC trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, 03 nghị quyết điều chỉnh, bổ sung kế hoạch ĐTC năm 2022, bố trí cho nhiều lĩnh vực hoạt động, như: giao thông, tài nguyên và môi trường, hoạt động văn hóa, hoạt động thương mại…từ nhiều nguồn vốn, như: xổ số kiến thiết, vốn thu tiền sử dụng đất của huyện, vốn hỗ trợ có mục tiêu, vốn hỗ trợ xây dựng cụm hành chính các xã trong huyện…

Trước khi ban hành nghị quyết, Thường trực HĐND huyện giao các ban khảo sát thẩm tra, đối chiếu với nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của huyện và kế hoạch ĐTC trung và dài hạn của huyện. Sau khi ban hành nghị quyết HĐND, Thường trực HĐND, các ban HĐND tiến hành nhiều cuộc giám sát đối với UBND huyện và các ngành liên quan.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, UBND huyện và các ngành liên quan chủ động quản lý, điều hành ngân sách khá chặt chẽ, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, uốn nắn nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn ĐTC. Các dự án dự kiến khởi công trong năm, chủ động kết hợp với các xã, thị trấn, đơn vị tư vấn thiết kế khảo sát thực tế và tìm hiểu thông tin thực địa từng vị trí được đầu tư xây dựng, đảm bảo nhu cầu cần thiết đầu tư, quy mô từng chi tiết đầu tư phù hợp cho việc vận hành. Tổng kế hoạch vốn ĐTC năm 2022, phân bổ trên 136,423 tỷ đồng, kết quả giải ngân cả năm 134,643 tỷ đồng, đạt 98,69%.

Việc thực hiện thẩm quyền của HĐND các cấp trong lĩnh vực ĐTC còn hạn chế

Theo Thường trực HĐND tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua, việc thực hiện thẩm quyền của HĐND các cấp trong lĩnh vực ĐTC cũng còn một số hạn chế, khó khăn nhất định. Cụ thể, việc chấp hành các quy định của Luật ĐTC, việc chỉ đạo điều hành của một số địa phương chưa đầy đủ.

Việc ban hành nghị quyết về thông qua và phê duyệt kế hoạch ĐTC giai đoạn 2021 - 2025 trễ so với thời gian quy định; có nhiều dự án thông qua tại danh mục ĐTC chưa có quyết định chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền theo quy định; có địa phương chỉ thông qua dự kiến kế hoạch ĐTC trung hạn, kế hoạch ĐTC hàng năm, không trình HĐND thông qua nghị quyết phê duyệt kế hoạch ĐTC theo quy định. Có trường hợp các công trình vốn ngân sách tỉnh đã được HĐND tỉnh đưa vào nghị quyết kế hoạch ĐTC hàng năm của tỉnh nhưng HĐND huyện lại tiếp tục đưa vào kế hoạch ĐTC năm là không phù hợp với quy định.

 

 

Thường trực HĐND thị xã Duyên Hải: để thực hiện đúng thẩm quyền của HĐND trong lĩnh vực ĐTC nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian tới, cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của cấp ủy thực hiện ĐTC theo định hướng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thường trực HĐND, các ban và đại biểu HĐND cần nghiên cứu sâu Luật ĐTC và các nghị định, hướng dẫn có liên quan để thực hiện đúng thẩm quyền theo luật định.  

Quyết định chủ trương đầu tư chương trình dự án phải phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thẩm tra của các ban HĐND đối với nội dung liên quan đến ĐTC. Đây là nội dung rất quan trọng để HĐND đưa ra quyết định đúng đắn, đảm bảo nghị quyết của HĐND về thông qua kế hoạch ĐTC đúng mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo đúng các quy định pháp luật của Nhà nước về ĐTC.

Nâng cao chất lượng công tác giám sát việc thực hiện nghị quyết của HĐND về ĐTC. Để thực hiện tốt hoạt động này cần thực hiện tốt việc lựa chọn nội dung, chuyên đề giám sát để trình HĐND thông qua nghị quyết làm cơ sở thực hiện. Việc lựa chọn đúng nội dung, thời điểm, đối tượng cần giám sát có ý nghĩa rất quan trọng. Trong giám sát phải tập trung vào các vấn đề trọng tâm, bức xúc mà đại biểu HĐND, cử tri và Nhân dân quan tâm.

Thường trực HĐND huyện Tiểu Cần: để khắc phục những hạn chế, bất cập nhằm nâng cao chất lượng của HĐND trong lĩnh vực ĐTC, thời gian tới, UBND huyện giao cơ quan chuyên môn lập kế hoạch ĐTC phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh nhiều lần; đảm bảo khả năng cân đối vốn của từng dự án trong kế hoạch ĐTC. UBND huyện chuẩn bị các nội dung trình kỳ họp đảm bảo thời gian theo kế hoạch để Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện thẩm tra và gửi đại biểu nghiên cứu trước.

Nội dung báo cáo thẩm tra phải thể hiện rõ quan điểm của ban về nội dung thẩm tra, đảm bảo tính pháp lý; phù hợp tình hình, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương những vấn đề ban chưa nhất trí, còn nhiều ý kiến khác nhau hay chưa đảm bảo yêu cầu cần cương quyết không thông qua hoặc kiến nghị đến HĐND làm cơ sở để HĐND huyện biểu quyết thông qua hoặc không thông qua.

Sau khi nghị quyết được ban hành, Thường trực HĐND, các ban, tổ đại biểu và đại biểu HĐND có trách nhiệm giám sát việc thực hiện, quản lý ĐTC của địa phương đảm bảo chất lượng, hiệu quả; đồng thời, UBND huyện phải báo cáo kết quả triển khai thực hiện ĐTC cho HĐND theo luật định.

 

 

Việc thông qua danh mục kế hoạch ĐTC chưa sát với tình hình thực tế nên hầu hết đều phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung nhiều lần trong năm, có công trình cắt giảm vốn do chưa thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng không thi công được hoặc thi công chậm tiến độ hoặc có những công trình bố trí vốn chưa đáp ứng được yêu cầu tiến độ thi công.

Tại khoản 6, Điều 51 quy định “HĐND các cấp quyết định mức vốn, việc sử dụng, thời điểm sử dụng dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách cấp mình quản lý”. Như vậy, HĐND chỉ quyết định mức dự phòng chung kế hoạch ĐTC trung hạn, không quyết định mức vốn dự phòng hàng năm, tuy nhiên, hiện nay HĐND vẫn còn bố trí mức dự phòng hàng năm là chưa phù hợp.

Một số HĐND cấp huyện thông qua nghị quyết kéo dài thời gian giải ngân vốn đầu tư công hàng năm sang năm sau là không đúng thẩm quyền, do việc kéo dài thời gian giải ngân chỉ quy định thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh…

Triển khai thực hiện tốt Luật ĐTC

Đồng chí Kim Ngọc Thái, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chỉ đạo, thời gian tới, Thường trực HĐND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện tốt Luật ĐTC và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Việc xây dựng, thông qua nghị quyết về kế hoạch ĐTC phải đảm bảo đúng thẩm quyền, quy trình, thủ tục luật định. Cần theo dõi, đánh giá việc thực hiện quy trình lập, thẩm định, chuẩn bị đầu tư, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư các dự án; không đưa vào kế hoạch ĐTC đối với những công trình không có quyết định chủ trương đầu tư vào danh mục dự án theo quy định.

Việc phân bổ vốn ĐTC phải tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ĐTC đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực, địa phương và các quy hoạch đã được phê duyệt; khả năng cân đối nguồn vốn ĐTC và thu hút các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác; bảo đảm công khai, minh bạch và công bằng.

Thực hiện đúng quy định về kéo dài thời gian giải ngân vốn ĐTC sang năm sau theo quy định tại khoản 2, Điều 68 Luật ĐTC; việc thực hiện kéo dài phải đảm bảo đúng điều kiện cho phép kéo dài và chỉ HĐND cấp tỉnh mới có thẩm quyền quyết định việc kéo dài thời gian giải ngân.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát lĩnh vực ĐTC, trong đó, lưu ý giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật trong đầu tư xây dựng cơ bản, tiến độ giải ngân các dự án ĐTC đối với các nguồn vốn được phân bổ trong năm và kéo dài từ năm trước sang là cơ sở để kiến nghị cơ quan điều hành điều chỉnh kế hoạch vốn trong năm từ các công trình chậm giải ngân sang dự án có tiến độ triển khai cũng như khả năng giải ngân tốt; việc thanh toán, quyết toán các dự án hoàn thành; chất lượng và hiệu quả công trình;

Thường trực HĐND các cấp cần quan tâm đến kết luận của thanh tra, kiểm toán nhà nước liên quan đến lĩnh vực ĐTC thuộc trách nhiệm của HĐND để thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Bài, ảnh: KIM LOAN

Tag:

File đính kèm