Đồng chí Lâm Minh Đằng, Phó Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Huỳnh Thị Hằng Nga, Bí thư Huyện ủy Càng Long (giữa) và đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Linh, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy dự sinh hoạt lệ tháng 8/2022 tại Chi bộ ấp Cầu Đúc, xã Nhị Long, huyện Càng Long.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được quan tâm thực hiện tốt
Huyện ủy Càng Long kịp thời triển khai, quán triệt sâu rộng và cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Trung ương, của Tỉnh ủy, Huyện ủy đến các cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và quần chúng Nhân dân, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, hình thức đa dạng, phong phú, giúp cán bộ, đảng viên, hội viên đoàn thể và quần chúng Nhân dân nhận thức đúng đắn về chủ trương, đường lối của Đảng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng.
Quan tâm công tác giáo dục tư tưởng, chính trị cho cán bộ, đảng viên: đưa đào tạo cao cấp lý luận chính trị 15 đồng chí, trung cấp lý luận chính trị hành chính 83 đồng chí, sơ cấp lý luận chính trị 105 đồng chí; thực hiện tốt công tác xuất bản lịch sử Đảng. Công tác nắm tình hình tư tưởng, tâm trạng, dư luận xã hội được quan tâm thực hiện tốt, qua đó kịp thời định hướng chỉ đạo, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là trên không gian mạng góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Ban Thường vụ Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) “về đẩy mạnh xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với chuyên đề toàn khóa Đại hội XIII và chuyên đề hàng năm của Tỉnh ủy.
Chỉ đạo các đảng bộ, chi bộ trực thuộc xây dựng và thực hiện tốt các quy định về chuẩn mực đạo đức, làm cơ sở để cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện; gắn với thực hiện tốt các quy định nêu gương của Tỉnh ủy, Huyện ủy, góp phần đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống “tự diễn biến” “tự chuyển hóa”, ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên.
Kịp thời triển khai và cụ thể hóa thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác cán bộ; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ, thực hiện điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử, đánh giá cán bộ, công chức đảm bảo đúng quy định của Trung ương, Tỉnh ủy và quy chế của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện. Qua nửa nhiệm kỳ, điều động 85 đồng chí, luân chuyển 04 đồng chí; huyện có 05/14 xã, thị trấn thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND; có 09/14 xã, thị trấn đồng chí Phó Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND.
Công tác xây dựng tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ đảng viên được quan tâm thực hiện trên cơ sở tập trung thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, Huyện ủy, chọn một số chi bộ, đảng bộ làm điểm thực hiện mô hình “chi bộ 4 tốt”, “đảng bộ 4 tốt”. Cùng với đó, thường xuyên uốn nắn và đề ra những giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Chỉ đạo thực hiện nghiêm việc đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ, thực hiện tốt công tác tự phê bình và phê bình, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh; phát huy dân chủ; tăng cường vai trò các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện; trưởng, phó các phòng, ban ngành huyện trong công tác phụ trách đối với các chi bộ, đảng bộ... từ đó chất lượng hoạt động của tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên ngày được nâng cao. Hàng năm có 100% tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành nhiệm vụ (đạt 100% nghị quyết), trên 99,33% trở lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, (đạt 124% nghị quyết), trên 97,3% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ (đạt 121,6% nghị quyết).
Công tác bồi dưỡng phát triển đảng viên luôn được quan tâm thực hiện, hàng năm đều vượt kế hoạch đề ra, trong đó chú trọng chất lượng, tiêu chuẩn theo quy định, qua nửa nhiệm kỳ kết nạp 354/500 đảng viên (đạt 70,8% nghị quyết), rà soát, sàng lọc cho ra khỏi đảng 35 đảng viên, xóa tên 29 đảng viên không còn đủ tư cách.
Kinh tế, văn hóa - xã hội phát triển nhanh, bền vững
Đường nông thôn xã Nhị Long Phú, huyện Càng Long.
Qua nửa nhiệm kỳ, tổng giá trị sản xuất các ngành đạt 12.890 tỷ đồng, mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2023 là 8,88% (chỉ tiêu nghị quyết 08 - 09%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp; các khu vực tăng trưởng theo hướng tích cực, hàng năm khu vực I tăng 4,69%; khu vực II tăng 18,37%; khu vực III tăng 7,69%; tỷ trọng nông nghiệp giảm còn 37,08% (đạt 101,37% nghị quyết, giảm 4,63% so với năm 2020); tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng lên 62,92% (đạt 99,21% nghị quyết, tăng 4,56% so với năm 2020).
Thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2022 đạt 65,09 triệu đồng (đạt 81,36% nghị quyết, tăng 6,59 triệu đồng so với năm 2020), tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2023 đạt 8.700 tỷ đồng (đạt 51,18% nghị quyết, tăng 2,13 lần so với cùng kỳ).
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với XDNTM trên địa bàn huyện được tập trung chỉ đạo quyết liệt, toàn diện và đạt kết quả quan trọng. Huyện tập trung chỉ đạo phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực, phát huy thế mạnh các ngành, nghề truyền thống, đặc sản của địa phương từng bước hình thành, nhân rộng các mô hình liên kết kinh tế, hợp tác xã nông nghiệp; phát triển các vùng sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; tích cực quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Trong sản xuất từng bước hình thành một số vùng sản xuất tập trung các loại cây trồng có quy mô lớn như: cây cam sành diện tích trên 600ha; bưởi da xanh 150ha, thanh long trên 260ha, cây lác 650 ha, dừa hữu cơ 3.739ha/8.338ha, chiếm 44% tổng diện tích dừa của huyện, có trên 80% hộ dân sử dụng lúa chất lượng cao để sản xuất. Tổng giá trị ngành trồng trọt là 2.775 tỷ đồng, chiếm 75% giá trị ngành nông nghiệp của huyện.
Lĩnh vực chăn nuôi chuyển dịch khá rõ nét, từng bước chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ quy mô nông hộ sang chăn nuôi tập trung, nâng cao giá trị gia tăng. Thủy sản từng bước phát triển, nguồn lợi thủy sản được quan tâm bảo vệ. Huyện tập trung đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản theo nhiều hình thức, đa dạng hóa chủng loại. Tận dụng diện tích mặt nước ao hồ, ruộng lúa, mương vườn, các vùng đất ven các sông, kênh, rạch chính... để nuôi thủy sản. Xây dựng mô hình nuôi thủy sản như: mô hình nuôi ba ba, cua đinh, lươn, ếch, mô hình nuôi chuyên tôm càng xanh trong ao đất...
|
|
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra 26 chỉ tiêu, kết quả thực hiện đến nay có 14 chỉ tiêu đạt và vượt, 08 chỉ tiêu đạt trên 80%, 03 chỉ tiêu đạt trên 50%, 01 chỉ tiêu đạt 37%.
|
|
Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay huyện Càng Long có 28 sản phẩm OCOP, các sản phẩm OCOP của huyện được tổ chức xúc tiến thương mại ở các tỉnh thành phía Nam, hiện được đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh, huyện có 01 cửa hàng giới thiệu và kinh doanh sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và đặc sản của tỉnh tại ấp Rạch Dừa, xã Đại Phước, ngoài ra còn được bán tại các cửa hàng bán sản phẩm OCOP trong tỉnh, giá trị sản phẩm OCOP làm ra của hộ sản xuất kinh doanh tăng từ 2 đến 3 lần so với sản xuất hàng hóa thông thường.
Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM tiếp tục được đầu tư, phát triển, diện mạo nông thôn đổi thay mạnh mẽ, kết cấu hạ tầng từng bước được đồng bộ và hiện đại, hệ thống hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục… được quan tâm đầu tư, nâng cấp; môi trường nông thôn ngày càng khang trang, sáng- xanh- sạch- đẹp; đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn được nâng lên rõ rệt; đến nay toàn huyện có 108/111 ấp nông thôn mới, chiếm 97,29%; 16 ấp nông thôn mới kiểu mẫu; 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 07/13 xã nông thôn mới nâng cao, chiếm 53,84% tổng số xã (đạt 116,67% nghị quyết), 01 xã nông thôn mới kiểu mẫu (đạt 50% nghị quyết).
Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phát triển, các công ty, xí nghiệp hoạt động trên địa bàn huyện hoạt động ổn định, tạo nhiều việc làm mới cho lao động và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội của huyện. Đến nay, toàn huyện có 1.234 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm cho hơn 5.960 lao động trong huyện; từng bước chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp.
Kết quả thực hiện các chỉ tiêu về giáo dục và đào tạo hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết. Chất lượng dạy và học không ngừng được nâng lên trên cơ sở tăng cường đầu tư cơ sở sở vật chất, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng dạy và học, tổ chức các hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề, tổ chức và tạo điều kiện cho học sinh tham gia các cuộc thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật, quan tâm xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; 100% xã, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng và hoạt động ngày càng hiệu quả, công tác khuyến học, khuyến tài, xã hội hóa giáo dục được triển khai học khắp và lan tỏa trong toàn huyện.
Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm thực hiện tốt, công tác giảm nghèo bền vững đạt nhiều kết quả quan trọng, đến nay toàn huyện còn 451 hộ nghèo (theo chuẩn mới), chiếm 1,16% (trong đó hộ nghèo dân tộc Khmer còn 106 hộ, chiếm 4,24%), giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 0,89% (170 hộ), đạt 370,83% nghị quyết; giảm tỷ lệ hộ nghèo Khmer đạt 1,53% (41 hộ), đạt 283,33% nghị quyết.
|
Mục tiêu của huyện Càng Long từ nay đến cuối nhiệm kỳ:
Tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá;
Khai thác, huy động và phát huy tối đa hiệu quả các nguồn lực vào phát triển kinh tế - xã hội;
Cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Tăng cường củng cố an ninh - quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội;
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của doanh nghiệp và Nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc;
Quyết tâm xây dựng thành công huyện nông thôn mới nâng cao trước năm 2025, hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
|
|
Bài, ảnh: KIM LOAN