Sign In

Hội Nông dân tỉnh Trà Vinh: Nhiều kết quả nổi bật qua 01 nhiệm kỳ

07:49 07/09/2023
Nhiệm kỳ 2018 - 2023, cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh đã đoàn kết, năng động, sáng tạo; nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn, triển khai thực hiện có hiệu quả toàn diện trên nhiều lĩnh vực; 100% chỉ tiêu thi đua hàng năm đều đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội đề ra.

 

Phóng viên Báo Trà Vinh đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Trà Vinh xoay quanh về kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua.

Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Trà Vinh phát biểu tại cuộc họp Thường trực Tỉnh ủy nghe Ban Dân vận, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ những tháng đầu năm, định hướng nội dung trọng tâm những tháng cuối năm 2023. Ảnh: KIM LOAN

 

Phóng viên: Hòa cùng với những kết quả đạt được trong phong trào XDNTM của tỉnh, ông cho biết vai trò Hội Nông dân tỉnh trong nhiệm kỳ qua (2018 - 2023) đã “đồng hành” với phong trào trên như thế nào?

Đồng chí Nguyễn Văn Dũng: Hàng năm, Hội tham gia phối hợp cùng các ngành liên quan vận động hội viên, nông dân tích cực chung sức xây dựng nông thôn mới, tham gia xây dựng gia đình văn hóa; ấp, khóm văn hóa. Các cấp Hội tổ chức các hoạt động đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Hội củng cố và kiện toàn 85 câu lạc bộ “Chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với lồng ghép tuyên truyền, vận động phối hợp thực hiện 05 tiêu chí theo nhiệm vụ của Hội.

Thực hiện Chỉ thị số 15, Chỉ thị số 27-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh”, Hội thành lập 29 câu lạc bộ “Bảo vệ môi trường” với 1.210 thành viên; tổ chức vệ sinh cảnh quan môi trường, đảm nhận tuyến đường hoa Tỉnh lộ 911; xây dựng 515 mô hình tại 103 cơ sở Hội trong thu gom rác thải, bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật góp phần làm cho môi trường được xanh - sạch - đẹp. Vận động hội viên, nông dân đóng góp 87.091 ngày công và số tiền trên 6,487 tỷ đồng sửa chữa các tuyến đường đal liên ấp, phát quang bụi rậm đường nông thôn, nạo vét khai thông dòng chảy kênh nội đồng, hiến đất để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Qua đó, đã sửa chữa trên 496,56km đường đal liên ấp; phát quang bụi rậm đường nông thôn 1.798km; nạo vét khai thông dòng chảy kênh nội đồng trên 176km, hiến 13,8ha đất để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và xây mới 190 cầu nông thôn.

Phóng viên: Với những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, vai trò của Hội Nông dân tỉnh trong phát triển, xây dựng kinh tế tập thể hướng đến liên kết chuỗi sản xuất trong nông nghiệp - nông thôn như thế nào? Thưa ông.

Đồng chí Nguyễn Văn Dũng: Trong phát triển, xây dựng kinh tế tập thể; Hội đã tập trung các nguồn lực gắn kết với xây dựng các mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; lấy nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có uy tín làm nòng cốt, làm trung tâm để xây dựng tổ hợp tác và hợp tác xã, để liên kết, hợp tác theo các nhóm hộ cùng sản xuất một loại sản phẩm theo hướng hàng hóa, an toàn, VietGAP, GlobalGAP nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tổ chức 10 lớp bồi dưỡng kiến thức về Luật HTX năm 2012 cho 576 cán bộ Hội, hội viên. Các cấp Hội trong tỉnh đã xây dựng mô hình kinh tế, kinh tế hợp tác, mô hình tổ chức hoạt động dịch vụ tư vấn và hỗ trợ nông dân gắn với thành lập mới 541 tổ hợp tác, có 6.374 thành viên (nâng tổng số đến nay có 884 tổ hợp tác, với 13.127 thành viên); thành lập mới 48 HTX, với 985 thành viên (nâng tổng số toàn tỉnh có 142 HTX nông nghiệp, với 6.689 thành viên).

Thời gian tới, để tập trung đẩy mạnh và đổi mới công tác hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển nền “nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh”, Hội Nông dân tỉnh sẽ triển khai thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong đó, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao, có địa chỉ, mã vùng, mã vạch, thương hiệu, giúp nông dân tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản theo hướng phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp.

Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương để giới thiệu về quê hương, con người Trà Vinh và sản phẩm hàng hóa của nông dân nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tích hợp đa giá trị và phát triển bền vững.

Đồng chí Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (giữa) và lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh tìm hiểu về các sản phẩm OCOP của hội viên nông dân huyện Tiểu Cần. Ảnh: HỮU HUỆ

 

Phóng viên: Trong nhiệm kỳ 2023 - 2028, đối với vùng đồng bào Khmer, Hội có những trọng tâm đầu tư và phát triển hội viên như thế nào?

Đồng chí Nguyễn Văn Dũng: Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 08/10/2021 của Tỉnh ủy về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, thực hiện các dự án, chương trình về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố đã và đang đầu tư 469 dự án, với 5.240 lượt hộ hội viên vay (trong đó có trên 2.000 lượt hộ dân tộc Khmer). Tổ chức 154 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, với 3.704 học viên (trong đó có 723 học viên dân tộc Khmer).

Ngoài ra, Hội còn tổ chức dạy nghề theo hướng “cầm tay chỉ việc, nông dân dạy nông dân” cho hội viên, thông qua các mô hình, dự án do Hội đầu tư, đã hỗ trợ cho 344 hội viên nông dân học nghề thông qua tổ nhóm, phối hợp đã giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được 3.648 lao động (trong đó có 909 hội viên nông dân là dân tộc Khmer).

Cùng với đó, các cấp Hội trong tỉnh phối hợp với các ngành, các cấp thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào Khmer như: hỗ trợ xây nhà ở, vốn sản xuất, giống vật nuôi, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, cấp thẻ bảo hiểm y tế… Từ đó, góp phần làm cho đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer trong tỉnh ngày càng đổi thay và phát triển.

Phát huy những kết quả đạt được, nhiệm kỳ 2023 - 2028, Hội Nông dân tỉnh tập trung chỉ đạo tổ chức các hoạt động tuyên truyền cho cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh nói chung và vùng đồng bào Khmer nói riêng, nhằm nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Củng cố, xây dựng tổ chức Hội: sắp xếp tổ hội nghề nghiệp và phát triển hội viên ở vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer; xây dựng đội ngũ nòng cốt, hội viên là dân tộc Khmer; vận động hội viên nông dân là dân tộc Khmer thực hiện có hiệu quả 03 phong trào của Hội, đồng thời tổ chức đăng ký danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer thông qua các chương trình, dự án của của Hội đầu tư. Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên, nông dân thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); tham gia các mô hình phát triển kinh tế, khởi nghiệp. Phối hợp thực hiện tốt công tác đào tạo nghề trong vùng đồng bào Khmer; tập trung giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần tăng thu nhập và nâng cao mức sống cho đồng bào dân tộc Khmer.

Phóng viên: Xin cám ơn ông!

HỮU HUỆ (thực hiện)

Tag:

File đính kèm