Quang cảnh buổi làm việc.
Cùng tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và Văn phòng Chính phủ; các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV, đơn vị tỉnh Trà Vinh; giám đốc một số sở, ngành tỉnh…
Đồng chí Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương phát biểu về vấn đề khai thác điện gió.
Qua nửa nhiệm kỳ đại hội, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phục hồi và phát triển, tỉnh chủ động có kế hoạch khôi phục lại sản xuất ngay sau giãn cách xã hội do đại dịch Covid - 19. Đến giữa nhiệm kỳ, có 07/27 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt nghị quyết, 10/27 chỉ tiêu đạt từ 70% trở lên, 03/27 chỉ tiêu đạt từ 51,9% đến dưới 70%, các chỉ tiêu còn lại đạt từ 41% trở lên. Trong đó, tăng trưởng GRDP bình quân nửa nhiệm kỳ đạt khoảng 3,12%/năm; thu nội địa tăng bình quân trên 06%/năm, vốn đầu tư xã hội chiếm 44,67% GRDP.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu về các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt. Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển sản xuất hàng hóa thích ứng với biến đổi khí hậu được chú trọng. Thực hiện cải cách hành chính, cải thiện các chỉ số phản ánh năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ngày càng tốt hơn (năm 2022, Trà Vinh đứng đầu về chỉ số xanh cấp tỉnh, chỉ số PCI xếp thứ 26/63, chỉ số PaPi thứ 48/61). Thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời, Hydro xanh (có 05/09 dự án điện gió đi vào vận hành thương mại, nhà máy sản xuất Hydrogen (xanh) đã khởi công), tập trung đôn đốc đẩy nhanh tiến độ cảng Định An.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông phát biểu về các đề xuất, kiến nghị của tỉnh.
Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đạt kết quả khá tích cực. Huy động Nhân dân tích cực tham gia XDNTM, so với đầu nhiệm kỳ, xã đạt nông thôn mới tăng từ 09 xã lên 85 xã (xã nông thôn mới nâng cao tăng từ 02 xã lên 38 xã), đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ XDNTM và đạt chuẩn NTM tăng từ 03/09 đơn vị lên 08/09 đơn vị. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo liên tục được kéo giảm, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,88%, hộ cận nghèo còn 3,8%.
Đồng chí Nguyễn Sỹ Hiệp, Phó Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ phát biểu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh qua nửa nhiệm kỳ đại hội và 09 tháng năm 2023.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, thể thao tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, đời sống Nhân dân được đảm bảo.
09 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng (GRDP) đạt 8,51%; đến ngày 30/9/2023, tổng thu ngân sách 12.993 tỷ đồng, đạt 100,83% so với dự toán, khả năng vượt thu năm 2023 tăng cao (khoảng 10%). Công tác chi ngân sách được điều hành chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, tổng chi ngân sách 09 tháng đạt 54,78% so với dự toán.
Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải phát biểu ý kiến về các đề xuất, kiến nghị của tỉnh trong lĩnh vực giao thông.
Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đạt 72,3% kế hoạch, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 78,64% kế hoạch. Công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác xã có nhiều chuyển biến tích cực, thu hút 09 dự án đầu tư trong và ngoài nước; thành lập mới 428 doanh nghiệp, đạt 82,3% kế hoạch.
Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu ý kiến về các đề xuất, kiến nghị của tỉnh.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; quốc phòng - an ninh được giữ vững; tình hình trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ổn định, an ninh chính trị luôn được kiểm soát. Các hoạt động đối ngoại, liên kết vùng, liên kết kinh tế được quan tâm, đẩy mạnh và phát huy hiệu quả; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được triển khai thực hiện tốt.
|
Tại hội nghị, Trà Vinh đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một số nội dung:
Về giao thông: (1) Tuyến đường ven biển: Tuyến đường hành lang ven biển kết nối giao thông Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, đoạn từ tiếp giáp tỉnh Bến Tre - Trà Vinh đến chân cầu Đại Ngãi (bờ Trà Vinh) dài khoảng 62,72km, trong đó, đoạn bờ sông Cổ Chiên (Bến Tre - Trà Vinh) có 02 nhánh sông nên phải xây dựng 02 cây cầu nhưng phía tỉnh Bến Tre chỉ dự kiến làm đường đến bờ sông, không làm cầu.
Trà Vinh đang gặp khó khăn, không thể vay vốn làm dự án trong đó cùng lúc xây dựng 02 cây cầu lớn trên sông Cổ Chiên với tổng kinh phí dự án khoảng 12.000 tỷ đồng. Do vậy, đề nghị Chính phủ đầu tư xây dựng cầu chung nhánh sông Bến Tre - Trà Vinh bằng vốn Trung ương do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư hoặc ủy quyền cho tỉnh Trà Vinh làm chủ đầu tư, một cầu còn lại trên địa phận tỉnh Trà Vinh và đường đến chân cầu Đại Ngãi (bờ Trà Vinh), tỉnh lập dự án đầu tư bằng vốn vay ngân hàng ADB. Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành hỗ trợ tỉnh các thủ tục vay vốn để sớm được giải ngân xây dựng cầu, đường, thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh phát triển.
Bí thư Tỉnh ủy Ngô Chí Cường báo cáo tại buổi làm việc.
Tuyến đường tránh nội ô thành phố Trà Vinh (Quốc lộ 53): Tuyến đường này dài 9,346km đã có trong quy hoạch của Bộ Giao thông Vận tải, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sớm triển khai vì đến năm 2024 cảng Định An (Trà Vinh) đi vào hoạt động, xe container chạy theo Quốc lộ 53 khi vào nội ô thành phố Trà Vinh sẽ bị ách tắt.
Tuyến đường cao tốc: Trà Vinh được Trung ương quy hoạch 02 tuyến cao tốc nhưng phải sau năm 2030, trong đó có tuyến Hồng Ngự (Đồng Tháp) đến Khu kinh tế Định An, huyện Duyên Hải (Trà Vinh) nhưng từ năm 2024 trở đi, cảng Định An (Trà Vinh) đi vào hoạt động. Do vậy, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cho triển khai làm dự án đoạn từ đường cao tốc qua địa phận tỉnh Vĩnh Long đến Khu kinh tế Định An thuộc huyện Duyên Hải (Trà Vinh) được triển khai đầu tư trong giai đoạn 2026 - 2030.
Xây cầu nối liền 04 xã đảo thuộc huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh: Huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh được Trung ương chọn để triển khai làm kênh đào cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu, vào cảng Cái Cui (Cần Thơ) nên có 04 xã tách khỏi đất liền được công nhận xã đảo, vì vậy, kinh tế - xã hội 04 xã này phát triển rất khó khăn, ảnh hưởng lớn đến đời sống Nhân dân. Do vậy, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho nghiên cứu đầu tư xây dựng cầu vượt qua kênh đảo nối liền 04 xã đảo huyện Duyên Hải (Trà Vinh).
Tuyến Quốc lộ 60: Cầu Đại Ngãi được khởi công xây dựng, khi cầu Đại Ngãi thông xe, Quốc lộ 60 (địa phận Trà Vinh) đoạn từ cầu Đại Ngãi đến cầu Cổ Chiên sang tỉnh Bến Tre hiện tại đường nhỏ hẹp (mặt đường 5,5m), không đảm bảo năng lực vận tải, nguy cơ ùn tắc rất cao, không phát huy kịp thời hiệu quả dự án cầu Đại Ngãi. Do vậy, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương để sớm đầu tư tuyến Quốc lộ 60 qua địa bàn tỉnh Trà Vinh để đồng bộ với cầu Đại Ngãi, Bộ Giao thông Vận tải đã có quy hoạch tuyến Quốc lộ 60 mới trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Cảng nước sâu Trà Vinh: Nhiệm kỳ Chính phủ (2016 - 2021), Trà Vinh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 1443/QĐ-TTg, ngày 31/10/2018 có cảng nước sâu trên cơ sở khảo sát của Portcoast (Công ty tư vấn về lĩnh vực cảng và công trình biển), có sự tham gia của Viện Nghiên cứu Thủy lục (Đan Mạch) và Đoàn tư vấn JICA (Nhật Bản) khảo sát vùng biển tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng.
Qua khảo sát, đánh giá, Trà Vinh có lợi thế từ bờ ra đến vùng biển đủ độ sâu để làm cảng nước sâu khoảng 06km, trong khi các khu vực khác phải từ 12 - 16km. Nếu đầu tư cảng tại Trà Vinh sẽ tiết kiệm được chi phí đầu tư so khu vực khác.
Mặt khác, khu vực này có kênh đào cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu, có cảng Định An (Trà Vinh) sắp đi vào hoạt động, có Khu Kinh tế Định An ven biển sẽ tác động lẫn nhau, thúc đẩy phát triển. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu kỹ để đầu tư cảng nước sâu cho đồng bằng sông Cửu Long sao cho hiệu quả nhất.
Ngoài ra, Trà Vinh cũng kiến nghị một số nội dung liên quan đến công trình khác như: Dự án Hồ nước ngọt trên sông Láng Thé (Trà Vinh), Khu Kinh tế Định An (Trà Vinh), khai thác điện gió… nhằm phát huy thế mạnh của địa phương, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững.
|
|
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Trà Vinh cố gắng phấn đấu vươn lên, đổi mới tư duy, nhận thức, phương pháp, cách tiếp cận, cách làm khoa học, phù hợp, kịp thời hiệu quả, đi lên từ nội lực.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết đại hội đảng các cấp; rà soát triển khai các kế hoạch, quy hoạch, dự án, đề án mới được ban hành.
Bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn và lấy thực tiễn làm thước đo, xuất phát từ thực tiễn có các giải pháp xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, không mang tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Tổng kết đánh giá bài học kinh nghiệm, xây dựng mô hình hay, cách làm tốt để nhân rộng. Tiếp tục phát huy tốt tinh thần đoàn kết, đoàn kết dân tộc, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong Nhân dân, đoàn kết các dân tộc, đoàn kết quốc tế.
Tăng cường phân cấp phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, phân bổ nguồn lực, khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, khuyến khích bảo vệ cán bộ sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ, nâng cao hiệu lực hiệu quả, đảm bảo công khai minh bạch, trách nhiệm, giải trình, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, làm chủ thể. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy vì Nhân dân phục vụ.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Trà Vinh phải tập trung vào 03 đột phá chiến lược.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Trà Vinh phải tập trung vào 03 đột phá chiến lược: (1) đột phá về hạ tầng giao thông (hạ tầng cao tốc, đường bộ và đường thủy nội địa) và hạ tầng sản xuất nông nghiệp; (2) đột phá về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tập trung vào phát huy thế mạnh của tỉnh, phát huy vào các ngành mới nổi, đó là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chống biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn; (3) đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực thực thi của đội ngũ cán bộ trong tỉnh để huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.
Thủ tướng Chính phủ thống nhất những nhiệm vụ, giải pháp Tỉnh ủy đề ra trong thời gian tới, đề nghị các bộ, các ngành Trung ương quan tâm hướng dẫn địa phương, cùng với đó, địa phương cũng cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để thực hiện tốt các nội dung công việc.
Tại hội nghị, sau ý kiến của lãnh đạo các bộ, vụ, cục thuộc bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến cụ thể đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Trà Vinh.
Tin, ảnh: KIM LOAN - BÁ THI