Ảnh minh họa: Tất Thắng
Trong quá trình củng cố và phát triển về tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, yêu cầu đặt ra là phải có sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, điều kiện kinh tế, xã hội, phong tục tập quán của từng vùng, từng địa phương. Để thực hiện được điều đó phải hướng công tác Mặt trận về cơ sở, từng khu dân cư, từng gia đình. Tạo cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết từ cá nhân, gia đình, khu dân cư đến cấp xã, phường, huyện, tỉnh.
Phát huy truyền thống Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, năm 1986 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VI đã quyết định lấy ngày 18/11/1930 - ngày Đảng chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất để làm ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Từ đó đến nay, hằng năm cứ đến ngày 18/11, Mặt trận đã đề ra chương trình, nội dung và các hình thức hoạt động phong phú, đa dạng nhằm ôn lại truyền thống lịch sử của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam.
Ngày 01/8/2003, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW về việc tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc và quyết định lấy ngày 18/11 hàng năm làm ngày tổ chức Ngày hội đại đoàn kết ở khu dân cư nhằm tiếp tục xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới [1].
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định đại đoàn kết dân tộc là phương thức, là sức mạnh và là mục tiêu quan trọng nhất của cách mạng Việt Nam. Với tư tưởng ấy, dân tộc Việt Nam đã giành được độc lập và xây dựng đất nước từng bước đạt mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành giá trị văn hóa, giá trị chính trị quý báu của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới, còn nguyên vẹn giá trị cho tới ngày nay và mãi mai sau.
Tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc được Người xây dựng trên nền tảng đúc rút trí tuệ nhân loại cổ, kim, đông, tây về tập hợp và tổ chức lực lượng cách mạng; trên cơ sở tổng kết lịch sử dân tộc Việt Nam, lịch sử cách mạng Việt Nam và nhiều cuộc cách mạng trên thế giới; và nhất là dựa trên những suy tư rất sâu sắc của Người, ở tầm triết học, về bản chất con người, về vị trí và vai trò của con người trong thế giới, phương thức sống và hoạt động của con người... Theo Người, đại đoàn kết toàn dân tộc luôn chiếm vị trí cốt lõi, là cái gốc để giải quyết mọi vấn đề của quốc gia, dân tộc, xã hội và cộng đồng dù ở bất cứ thời điểm nào [2].
Về đối tượng đại đoàn kết dân tộc, trong bài nói chuyên tại Hội nghị Mặt trận Liên Việt toàn quốc, tháng 1-1969, Người nhấn mạnh rằng đại đoàn kết bắt đầu từ đoàn kết đại đa số Nhân dân, đặc biệt là công nhân, nông dân và các tầng lớp lao động. Cơ sở quan trọng để có thể tham gia vào khối đại đoàn kết dân tộc là những giá trị liên quan đến lợi ích chung của dân tộc. Điều này có thể dễ dàng chia sẻ giữa mọi thành viên, không kể giai cấp, tộc người, tôn giáo, vùng miền, hay nước ngoài. Điều này thể hiện sự nhận thức khoa học và văn hóa sâu sắc trong chiến lược đại đoàn kết dân tộc.
Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12-3-2003, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, đã thể hiện sự quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp phát triển của đất nước. Công tác củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được thực hiện mạnh mẽ, đóng góp vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh, quốc phòng, và củng cố niềm tin của Nhân dân.
Trong bối cảnh hiện nay, với mục tiêu lớn mà Đảng ta đã đề ra tại Đại hội XIII. Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, chúng ta đang có những thách thức mạnh mẽ và cơ hội lớn. Trong bối cảnh này, việc tiếp tục nghiên cứu, khai thác và áp dụng một cách sáng tạo những giá trị chứa đựng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc trở thành một nhiệm vụ có ý nghĩa lý luận và quan trọng trong thực tế.
Về phương hướng thúc đẩy triết lý về đại đoàn kết toàn dân tộc trong bối cảnh hiện nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc còn nhiều nội dung rất phong phú, sâu sắc. Những quan điểm đó chứa đựng những giá trị quan trọng đối với sự nghiệp củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc ở Việt Nam. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là trọng tâm phát triển của Việt Nam trong thời kỳ hiện nay và theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nền pháp quyền này cần phải là pháp quyền nhân nghĩa. Thời kỳ hiện nay được gọi là kỷ nguyên của văn hóa, nơi mà tư duy thiện là chìa khóa quan trọng đối với mối quan hệ với các lực lượng xã hội đa dạng trong quá trình xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở Việt Nam ngày nay.
Quan điểm của Đảng tại Đại hội XIII về xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vừa là sự kế thừa, vừa là sự bổ sung, phát triển những quan điểm mà Đảng ta đã xây dựng trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng. Đảng đã xác định rõ mục tiêu: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Với sự khẳng định này, Đảng đề cao vai trò của chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng đất nước giai đoạn mới, khẳng định mạnh mẽ hơn và thể hiện mục tiêu đi lên chủ nghĩa xã hội với khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, chính là điểm hội tụ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc [3].
Tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước giàu mạnh và công bằng, là mục tiêu hàng đầu. Đại đoàn kết toàn dân tộc không chỉ là một truyền thống quý báu mà còn là đường lối chiến lược của Đảng, là yếu tố quyết định mọi thành công, đạt mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Đỗ Hồng Thanh
1. P.V, Ý nghĩa lịch sử ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc 18/11, Quân khu bốn, Cơ quan của Đảng ủy - Bộ tư lệnh Quân khu, Tiếng nói của lực lượng Vũ trang quân khu, 15/11/2021.
2. Lại Quốc Khánh, Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Cộng sản, Cơ quan lý luận chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, 19/4/2023.
3. Bùi Thanh Tuấn, Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, Tạp chí điện tử Lý luận Chính trị, Cơ quan Nghiên cứu và Ngôn luận Khoa học của Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, 04/5/2023.