Ảnh minh họa. Nguồn ảnh Internet
Ngày Dân số thế giới, 11/7/2024, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) kỷ niệm tròn 30 năm thực hiện chương trình hành động Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển, năm 1994, tại Cairo. Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển, 179 quốc gia trong đó có Việt Nam đã thông qua chương trình hành động với tầm nhìn sâu rộng trong lĩnh vực dân số và phát triển (ICPD). Các quốc gia đều đồng thuận với quan điểm cho rằng, chúng ta cần đặt con người vào vị trí trung tâm và khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa dân số và phát triển. Việc lồng ghép đầy đủ các vấn đề dân số vào các chiến lược phát triển, vào công tác lập kế hoạch, ra các quyết định và phân bổ nguồn lực ở các cấp, vùng nhằm giải quyết hợp lý các chỉ tiêu dân số, bao gồm tỷ lệ tăng dân số, cơ cấu tuổi, mức sinh, di cư... đều ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của phát triển con người, kinh tế và xã hội [1].
Ngày dân số thế giới được tổ chức hàng năm vào ngày 11 tháng 7 nhằm tập trung vào tính cấp thiết và quan trọng của các vấn đề dân số. Ngày này được thành lập bởi Hội đồng Quản trị của chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) vào năm 1989, là kết quả của sự quan tâm bởi ngày dân số đạt mức năm tỷ. Theo nghị quyết 45/216 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA) vào tháng 12 năm 1990, quyết định tiếp tục tổ chức ngày dân số thế giới nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề dân số, bao gồm cả quan hệ với môi trường và phát triển. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đương nhiệm António Guterres kêu gọi cộng đồng thế giới biến năm 2024 thành năm của nỗ lực “xây dựng lại niềm tin và khôi phục hy vọng”. Trải qua 5 triệu năm để dân số thế giới đạt mốc 1 tỷ, nhưng chỉ trong vòng 200 năm sau đó, dân số đã tăng gấp bảy lần. Năm 2011, dân số toàn cầu chạm mốc 7 tỷ người, 8 tỉ người năm 2022 và dự kiến sẽ đạt khoảng 9 tỷ vào năm 2037.
Kỷ niệm ngày dân số thế giới, 11/7/2024, Việt Nam lựa chọn chủ đề: Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững. Trong những năm qua, công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình đã góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời, mọi chính sách dân số ở nước ta đều đặt các quyền cơ bản của con người vào vị trí trung tâm. Vào năm 2023, dân số Việt Nam vượt mốc 100 triệu người và là quốc gia thứ 15 trên thế giới có dân số hơn 100 triệu người. Cách đây 7 năm, nước ta đã chuyển từ chính sách kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, tức đầu tư cho dân số là đầu tư cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Để hiện thực hóa Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 2/9/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1092/QĐ-TTg phê duyệt chương trình sức khỏe Việt Nam. Mục tiêu của chương trình là xây dựng môi trường hỗ trợ, tăng cường năng lực cho mỗi người dân; thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe toàn diện để nâng cao sức khỏe tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người Việt Nam.
Vào năm 1960, tuổi thọ bình quân của thế giới là 48, của người Việt Nam là 40. Nếu dựa theo mức tăng tuổi thọ bình quân là 0,1 tuổi/năm thì chúng ta cần 80 năm để đuổi kịp tuổi thọ bình quân của thế giới. Song, đến năm 2019, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đã là 73,6 tuổi, cao hơn tuổi thọ bình quân của thế giới 1,6 tuổi (72 tuổi).
Theo kết quả các cuộc tổng điều tra dân số của Việt Nam, từ năm 1989 đến nay, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam liên tục tăng, từ 65,2 lên 73,7 vào cuối năm 2023. Về tuổi thọ của người dân, nước ta đứng thứ tư ở Đông Nam Á (tuổi thọ 66 là mức thấp nhất ở khu vực), vượt mức chung của thế giới (73,4 tuổi). Chiều cao của người Việt cũng có bước cải thiện đáng ghi nhận. Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc, 2017 – 2020, cho thấy: Nhóm thanh niên nam 18 tuổi vào năm 2020 đạt chiều cao trung bình 168,1cm (tăng 3,7cm so với năm 2010 là 164,4cm), nữ vào năm 2020 đạt chiều cao trung bình 156,2cm (năm 2010 chỉ ở mức 154,8cm).
Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách đặc thù nhằm nâng cao đời sống của bà con vùng dân tộc thiểu số. Ủy ban Dân tộc cho biết, ở thời điểm hiện tại nước ta có 188 chính sách tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có chương trình định canh định cư, chương trình 134, 135, các chương trình thuộc Nghị quyết 30a.
Vào năm 1993, hộ nghèo ở Việt Nam ở mức 58,1%, đến năm 2015 còn 9,88% và đến năm 2023 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều chỉ còn 2,93%. Việt Nam đã trở thành một trong các hình mẫu trên thế giới về thành tựu xóa đói, giảm nghèo. Văn phòng đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đánh giá: Việt Nam thuộc nhóm đầu trong 3 nhóm quốc gia trên thế giới có tiến bộ nhanh nhất trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và là một trong những quốc gia có tiến độ thực hiện tốt nhất các mục tiêu toàn cầu ở châu Á. Như vậy, trong những năm qua, Việt Nam đã áp dụng việc bảo vệ nhân quyền một cách thiết thực theo hướng đặt các quyền cơ bản của con người vào vị trí trung tâm của các chính sách dân số [2].
Trong ba thập kỷ qua, trên khắp thế giới đã đạt được những tiến bộ trong việc thu thập, phân tích và sử dụng dữ liệu dân số. Các số liệu mới, được phân tách theo tuổi, dân tộc, giới tính và các yếu tố khác, phản ánh sự đa dạng của xã hội một cách chính xác hơn. Những tiến bộ này đã cải thiện việc cung cấp chăm sóc sức khỏe toàn cầu, đặc biệt là sức khỏe sinh sản, cũng như khả năng thực hiện các quyền và lựa chọn của con người. Công nghệ mới cho phép đo lường chi tiết và kịp thời hơn về trải nghiệm của con người.
Ngày Dân số thế giới, 11/7/2024, là lời nhắc nhở về trách nhiệm của chúng ta trong việc đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Chúng ta hãy cùng nhau hành động để tất cả mọi người trên hành tinh này đều được quan tâm, coi trọng và có cơ hội phát triển toàn diện.
Đỗ Hồng Thanh
1. PV, Hưởng ứng 30 năm Ngày Dân số thế giới 11/7; Tạp chí con số và sự kiện, Tổng cục thống kê, Bộ kế hoạch và đầu tư, 07/7/2024.
2. Trần Quang Vinh, Việt Nam gắn chính sách dân số với quyền cơ bản của con người; Tin tức, thông tấn xã Việt Nam, 10/7/2024.