Sign In

Nhân dân Nam Bộ luôn xứng đáng với danh hiệu Thành đồng Tổ quốc

18:30 23/09/2024
Ngày 23/9/1945, khi những âm mưu tái chiếm thuộc địa của thực dân Pháp bị phơi bày, quân và dân Nam bộ đã quyết đứng lên cùng cả dân tộc mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai (1945-1954), khắc ghi những nét son chói lọi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam.  

 

Nhân dân Nam Bộ trong những ngày đầu kháng chiến. Ảnh tư liệu 

Đó là thời khắc lịch sử, khi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta không chỉ bảo vệ chính quyền cách mạng và nền độc lập vừa giành được, mà còn đặt nền móng cho một cuộc đấu tranh trường kỳ với quyết tâm sắt đá. Cuộc kháng chiến đã thể hiện rõ bản lĩnh của dân tộc Việt Nam: từ nghệ thuật tổ chức, sử dụng khéo léo sức mạnh của các lực lượng vũ trang tại chỗ, cho đến tinh thần đoàn kết, bất khuất của toàn dân tộc. Những kinh nghiệm quý báu được hun đúc từ những ngày đầu kháng chiến tại Nam Bộ đã trở thành những bài học lớn, góp phần làm nên thắng lợi thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam,

Bối cảnh lịch sử của sự kiện này, diễn ra sau khi Cách mạng tháng Tám thành công và bản Tuyên ngôn Độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình, ngày 02/9/1945, đất nước Việt Nam đã giành được chủ quyền sau gần một thế kỷ bị thực dân Pháp đô hộ. Tuy nhiên, thực dân Pháp không từ bỏ tham vọng chiếm lại Việt Nam và dưới danh nghĩa đồng minh, chúng đã lợi dụng quân đội Anh để thực hiện âm mưu xâm lược Nam Bộ, đặc biệt là tại Sài Gòn.

Ngày 12/9/1945, một lữ đoàn quân Anh đến Sài Gòn để giải giáp vũ khí của quân Nhật, nhưng lại cho phép quân đội Pháp núp bóng thực hiện các hành động thâm nhập. Đến ngày 23/9/1945, quân Pháp với sự giúp đỡ của Anh chính thức bắt đầu chiếm đóng các vị trí trọng yếu tại Sài Gòn, khởi đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Trước tình hình đó, dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam Bộ và Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn đã anh dũng chiến đấu, quyết tâm bảo vệ nền độc lập và tự do vừa giành được [1].

Đêm 23/9/1945, sau khi nhận được điện của Nam bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Chính phủ họp khẩn cấp, nhất trí với quyết định của Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam bộ, kêu gọi đồng bào Nam bộ đứng lên kháng chiến bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc. Mặc dù phải đối phó cùng lúc với thù trong giặc ngoài, nhưng Đảng, Chính phủ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân các tỉnh miền Bắc chi viện lực lượng, vũ khí, vật tư, lương thực cho Nam bộ kháng chiến. Trong thời gian ngắn, các tỉnh miền Bắc đã tổ chức nhiều đơn vị bộ đội Nam tiến, kịp thời vào Nam tham gia chiến đấu trên hầu hết các mặt trận ở Sài Gòn và nhiều địa phương khác ở khắp Nam Trung bộ [2].

Thực hiện quyết nghị của Hội nghị, Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, Ủy ban Kháng chiến Sài Gòn - Chợ Lớn đã lãnh đạo Nhân dân toàn thành phố thực hiện nhiều biện pháp chống giặc: không họp chợ, công nhân các nhà máy đồng loạt nghỉ việc; quán tiệm không mở cửa, bàn ghế, tủ giường được bày dọn ra các đường phố chính, cây cối, trụ đèn được đốn ngã làm chướng ngại vật... để cản bước tiến của quân địch; phá hỏng nhà máy đèn để ban đêm thành phố chìm trong bóng tối… Trước tình cảnh đó, Hãng thông tấn Anh Reuters ngày 30/9/1945 đã mô tả: “Sau 7 ngày tình thế càng nghiêm trọng hơn. Chúng tôi ở Sài Gòn lâm vào cảnh rất nguy ngập về lương thực, vì trên bộ, quân và dân Việt Nam phong tỏa. Các kho gạo của quân đội Nhật trước đây đều bị người Việt Nam đốt phá hết nơi này đến nơi khác... Càng ngày càng khó kiếm thức ăn và nước uống”.

Ngay từ những ngày đầu, quân và dân Nam Bộ đã biết tận dụng thế mạnh địa hình và chiến thuật "trong đánh, ngoài vây", gây bất ngờ và thiệt hại lớn cho quân địch. Sài Gòn được chia thành 5 mặt trận, gồm một mặt trận nội thành và 4 mặt trận ngoại thành, với mục tiêu bao vây quân Pháp trong nội đô và không cho chúng mở rộng tầm ảnh hưởng ra ngoại ô. Tại mặt trận nội thành, các lực lượng gồm công nhân, thanh niên, dân quân và công an xung phong đã tổ chức các đội tự vệ, lập chiến lũy và sử dụng những vũ khí thô sơ để chiến đấu với quân địch mạnh hơn về trang bị.

Những trận đánh tại dinh Đốc lý, ga xe lửa Sài Gòn, cầu Ông Lãnh, chợ Bến Thành… là những trận đánh tiêu biểu trong tuần đầu tiên của cuộc kháng chiến. Dù lực lượng vũ trang tại chỗ còn yếu về trang bị, nhưng với chiến thuật linh hoạt, tận dụng tối đa điều kiện địa hình và sự ủng hộ của Nhân dân, quân dân Sài Gòn - Chợ Lớn đã gây thiệt hại cho quân Pháp, ngăn cản chúng thực hiện âm mưu "đánh nhanh, thắng nhanh".

Cuộc kháng chiến Nam Bộ, năm 1945, đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam. Sự kiện này không chỉ là cuộc kháng chiến chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước, tinh thần quật cường và ý chí không khuất phục trước mọi khó khăn, thách thức.

Để ghi nhận và biểu dương tinh thần chiến đấu kiên cường của quân dân Nam Bộ, tháng 2/1946, trong đợt tôn vinh chiến công vang dội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ tặng đồng bào Nam Bộ danh hiệu vẻ vang: “Thành đồng Tổ quốc”. Từ gậy tầm vông, mã tấu cùng các loại vũ khí thô sơ, Nhân dân Miền Nam đã đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc. Tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí đấu tranh kiên cường bất khuất của quân dân Miền Nam thật xứng đáng với danh hiệu cao quý "Thành đồng Tổ quốc". Cuộc chiến đấu kiên cường của Nhân dân miền Nam nói riêng cùng với Nhân dân cả nước nói chung đã lập nên chiến công chói lọi. Với thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, năm 1975, Nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi vẻ vang, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước [3].

Cuộc kháng chiến Nam Bộ, ngày 23/9/1945 là một trong những mốc son sáng chói trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam. Đây không chỉ là niềm tự hào của Nhân dân Nam Bộ mà còn là niềm tự hào của toàn thể dân tộc Việt Nam. Những bài học quý giá từ cuộc kháng chiến này ngày càng giá trị, trở thành nguồn động lực cho các thế hệ sau phấn đấu trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh.

Đỗ Hồng Thanh

Tài liệu tham khảo:

1. Đại tá, TS.Dương Đình Lập, Kỷ niệm 78 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến (23-9-1945 / 23-9-2023): Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang kháng chiến tại chỗ, Báo Quân đội nhân dân, 23/9/2023.

2. Nguyễn Văn Nên, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy tinh thần Nam bộ kháng chiến cho hôm nay, Sài gòn giải phóng, tiếng nói của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, 23/9/2023.

3. Đỗ Thoa, Mãi xứng đáng là "Thành đồng Tổ quốc", Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, 23/9/2021.

 

 

Tag:

File đính kèm