Sign In

Yên Sơn quan tâm công tác giáo dục truyền thống cách mạng

15:29 23/09/2024
Xác định công tác giáo dục truyền thống là một trong những nội dung đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục, rèn luyện nhân cách, phẩm chất của cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc. Những năm qua công tác giáo dục truyền thống tại huyện Yên Sơn được cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo chỉ đạo bằng những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo được quan tâm

Các cấp ủy, tổ chức đảng trên địa bàn huyện đã nghiêm túc quán triệt, học tập, triển khai thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU ngày 31/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2022-2025, gắn với thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng. Các chi, đảng bộ cơ sở đã quán triệt, phổ biến và cụ thể hóa việc thực hiện Đề án tại địa phương, cơ quan đơn vị; có 7.176 đảng viên tham gia học tập đạt 98,7%; tuyên truyền trong Nhân dân được 335 buổi, với 37.497 đại diện hộ gia đình, đạt tỷ lệ 90,2%.

Việc cụ thể hóa Đề án

Cấp ủy huyện ban hành các văn bản chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện, các chi, đảng bộ cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án số 06-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ gắn với thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư  Trung ương Đảng. Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã ban hành Công văn số 137-CV/BTGHU ngày 19/9/2022 về việc khảo sát nắm tình hình và triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư và Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị.

Một số kết quả đạt được

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò của công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng

Các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị từ huyện đến cơ sở, đặc biệt là người đứng đầu đã nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng; chú trọng tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng để bồi đắp lý tưởng cách mạng, lịch sử văn hóa, quảng bá tiềm năng thế mạnh, hình ảnh vùng đất và con người Tuyên Quang và con người Yên Sơn nói riêng, góp phần triển khai thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Các chi, đảng bộ cơ sở đã quan tâm đổi mới hình thức tổ chức giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, học sinh và Nhân dân trên địa bàn; các trường học đã đưa nội dung tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho trên 3.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên; tổ chức 80 buổi sinh hoạt dưới cờ, 60 buổi ngoại khóa, hơn 100 tiết hướng nghiệp; hơn 400 tiết giới thiệu về lịch sử huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang; 14 buổi hành trình về nguồn và kết nạp đội cho học sinh tại các khu di tích lịch sử cách mạng...

Tuổi trẻ huyện Yên Sơn sôi nổi các hoạt động về nguồn

Trung tâm Chính trị huyện đã định hướng cho giảng viên đưa nội dung lịch sử, truyền thống cách mạng của tỉnh, của huyện vào các bài giảng. Cấp ủy, chính quyền các cấp đưa nội dung giáo dục truyền thống cách mạng vào sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng gắn với các hoạt động quảng bá, phát triển tiềm năng du lịch của tỉnh và huyện Yên Sơn.

Tập trung nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các ấn phẩm lịch sử, truyền thống,   tài liệu tuyên truyền được huyện quan tâm tổ chức thực hiện; triển khai biên soạn cuốn sách: “Yên Sơn - Đất và người”.

Công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng và công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích cách mạng, kháng chiến được huyện thường xuyên quan tâm; năm 2022, đề nghị tỉnh tôn tạo Di tích quốc gia Chiến thắng Khe Lau; thành lập tổ quản lý di tích kiến trúc nghệ thuật Đền Làng Là (xã Chân Sơn), Đền Lương Quán (thị trấn Yên Sơn), Đền Cây Đại (xã Tiến Bộ), Đền Minh Lương - Đền Đầm Mây (xã Lang Quán); tôn tạo xây dựng Đình Cây Thị (xã Thái Bình); đón nhận Bằng xếp hạng Di tích cấp tỉnh Chùa Làng Khán (xã Trung Môn), Kim Quan…

Các chi, đảng bộ cơ sở đã tổ chức các hoạt động về nguồn tại các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh, huyện góp phần tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Đổi mới việc xác định các nội dung trọng tâm cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về truyền thống cách mạng

Xác định các nội dung trọng tâm cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về truyền thống cách mạng là nhiệm vụ rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay, huyện đã chỉ đạo Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao huyện biên tập 03 chương trình nội dung tuyên truyền, giới thiệu về di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc; đăng tải 145 tin, bài, phóng sự, ảnh có nội dung tuyên truyền, phản ánh về vùng đất, con người Yên Sơn, tiêu biểu như: Vàng On điểm du lịch tiềm năng; Khám phá    vẻ đẹp Khấu Lấu - Tân Tiến; Giữ gìn bản sắc văn hóa thôn Động Sơn, xã Chân Sơn,... trên Cổng Thông tin điện tử của huyện và trên trang facebook du lịch của huyện thu hút đông đảo quần chúng Nhân dân xem, like, chia sẻ thông tin.

Đổi mới về hình thức, phương pháp, cách thức tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng

Các cấp ủy đảng đã quan tâm đổi mới về hình thức, phương pháp, cách thức tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng; xây dựng kế hoạch tuyên truyền, triển khai cho đảng viên trong các buổi sinh hoạt chi bộ, trên hệ thống đài truyền thanh từ huyện đến xã, các lớp tập huấn, các buổi sinh hoạt câu lạc bộ của các tổ chức chính trị - xã hội, các buổi sinh hoạt dưới cờ hay hoạt động ngoại khóa của học sinh… Ngoài ra, hằng năm, huyện đã triển khai việc tham gia các cuộc thi viết tìm hiểu tuyên truyền lịch sử Đảng bộ, truyền thống của địa phương…

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng

Cấp uỷ huyện đã quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng; tăng cường các hoạt động thông tin quảng bá về hình ảnh Yên Sơn trên Internet, mạng xã hội. Chỉ đạo Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao huyện mở chuyên mục giới thiệu về điều kiện tự nhiên, danh lam thắng cảnh, truyền thống văn hóa, di tích lịch sử... trên Cổng thông tin điện tử huyện để tuyên truyền quảng bá về hình ảnh, con người, lịch sử, văn hóa, truyền thống quê hương, tiềm năng, lợi thế của huyện Yên Sơn.

Huyện đoàn, các trường học trên địa bàn huyện khuyến khích đoàn viên, thanh niên, học sinh xây dựng các video giới thiệu về lịch sử địa phương, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, lễ hội truyền thống của quê hương, đất nước.

Các chi, đảng bộ cơ sở đã triển khai tới cán bộ, đảng viên và Nhân dân tích cực tham gia các hội thi, cuộc thi trắc nghiệm tìm hiểu về lịch sử, truyền thống; đăng tải, chia sẻ những bài viết, sự kiện lịch sử của đất nước, địa phương. Qua đó, giúp cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu rõ hơn về quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta trong từng thời kỳ lịch sử, chủ động, tích cực phòng ngừa, đấu tranh phản bác các thông tin sai trái, thù địch xuyên tạc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Hiện nay 100% các chi, đảng bộ cơ sở đã tạo được các trang facebook và mạng zalo nội bộ của cơ quan, đơn vị mình.

Tăng cường nguồn lực đầu tư thực hiện các hình thức tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, cấp ủy các cấp đã quan tâm chỉ đạo sắp xếp, bố trí, cân đối nguồn kinh phí để phục vụ cho công tác biên soạn, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trên địa bàn huyện. Đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Đến nay, cán bộ làm công tác lịch sử Đảng có trình độ chuyên môn  đại học và trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên; phân công cán bộ chuyên trách lịch sử Đảng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giao.

Phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới

Nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên trước hết là người đứng đầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác lịch sử Đảng; chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng; bảo đảm các điều kiện cần thiết cho công tác này. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng với phương pháp, cách thức đa dạng, phù hợp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường tuyên truyền Lịch sử Đảng bộ huyện Yên Sơn các giai đoạn tiếp theo đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân trên địa bàn.

Đào Việt Dũng

Tag:

File đính kèm