Sign In

Yêu cầu trong tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp

17:22 26/10/2024
Năm 2025 là năm diễn ra Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng vào đầu năm 2026.

 

Ảnh minh họa: Tất Thắng

Đại hội đảng bộ các cấp là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, diễn ra trong bối cảnh nước ta đạt được nhiều thành tựu to lớn, kết quả quan trọng, nổi bật, toàn diện trên các lĩnh vực: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Vai trò, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước ta tiếp tục được nâng cao, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy mạnh mẽ, niềm tin của Nhân dân đối với Đảng ngày càng được củng cố, tăng cường.

Tuy nhiên, tình hình thế giới và khu vực đang có những diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó lường, ảnh hưởng đến sự ổn định của đất nước. Một số khó khăn thách thức tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Các thế lực thù địch, phản động tìm mọi cách phá hoại sự nghiệp cách mạng, chống phá Đảng, Nhà nước và quá trình chuẩn bị Đại hội Đảng.

Để chuẩn bị Đại hội đảng bộ các cấp, theo Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo các nội dung sau:

Một là, công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp phải được cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện theo đúng quy định, nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, không phô trương, hình thức, chống lãng phí, tiêu cực. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng.

Hai là, nâng cao chất lượng văn kiện đại hội đảng bộ các cấp. Báo cáo chính trị phải đánh giá trung thực, khách quan, toàn diện tình hình và kết quả thực hiện nghị quyết đại hội nhiệm kỳ 2020-2025, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, chỉ rõ ưu, khuyết điểm, hạn chế, nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm và xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sát với tình hình thực tế và có tính khoa học, khả thi cao. Báo cáo kiểm điểm cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 phải đánh giá toàn diện, khách quan, trung thực, nêu cao tinh thần phê bình và tự phê bình, có tính chiến đấu cao.

Ba là, về công tác nhân sự phải bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, cấp ủy các cấp, đề cao vai trò, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu theo quy định. Bảo đảm sự kế thừa, đổi mới và phát triển của đội ngũ cán bộ, coi trọng chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý. Cấp ủy khóa mới phải tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực, uy tín, thực sự là trung tâm đoàn kết, gắn bó chặt chẽ với Nhân dân.

Bốn là, công tác nhân sự phải thực hiện nghiêm, đúng nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm đồng bộ, tổng thể, liên thông, chặt chẽ, dân chủ, khoa học, khách quan, công tâm, minh bạch. Có cơ chế, tiêu chí sàng lọc để không bỏ “sót” những người có đức, tài, đồng thời kiên quyết không để “lọt” vào cấp ủy khóa mới những người không đủ phẩm chất đạo đức và tư cách.

Năm là, bầu đại biểu đi dự đại hội cấp trên phải là những đồng chí có bản lĩnh chính trị vững vàng, tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống và năng lực công tác.

Sáu là, các cấp ủy, tổ chức đảng cần làm tốt công tác tuyên truyền trong quá trình tổ chức Đại hội, tuyên truyền chủ trương của Đảng về Đại hội, tuyên truyền gương người tốt, việc tốt theo phương châm lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Chủ động, tích cực đấu tranh có hiệu quả với những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, đặc biệt trên không gian mạng.

Nguyễn Nhung

Nguồn: Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

 

Tag:

File đính kèm