Sign In

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tốt hoạt động tín dụng chính sách tại địa phương

09:28 19/07/2024
(Vinhlong.gov.vn) - Quán triệt Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Hội LHPN tỉnh Vĩnh Long đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trong công tác chỉ đạo và quản lý, thực hiện tốt hoạt động tín dụng chính sách tại địa phương

Hội LHPN tỉnh đưa nội dung quản lý hoạt động ủy thác vào nội dung tiêu chí thi đua hàng năm, chỉ đạo các cấp Hội tuyên truyền đang dạng, phong phú thông qua nhiều hình thức được trên 27.600 cuộc, giúp trên 754.300 lượt người dân hiểu rõ hơn về các chính sách tín dụng xã hội để sử dụng vốn có hiệu quả. Các cấp Hội còn chủ động phối hợp với NHCSXH tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các văn bản thỏa thuận và hợp đồng ủy thác; tham gia họp giao ban định kỳ với NHCSXH và tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả hoạt động ủy thác hàng năm để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh tại cơ sở, đề ra các giải pháp hoạt động có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách tại địa phương.

Tính từ năm 2014 đến nay, Hội LHPN đã phối hợp với NHCSXH thực hiện 18 chương trình tín dụng, với 51.535 hộ vay; tổng dư nợ đạt 1.549,082 tỷ đồng, tăng 1.012,944 tỷ đồng so với năm 2015 (trong đó, Hội LHPN tỉnh huy động từ các chương trình, dự án bổ sung vào nguồn vốn tín dụng chính sách 400 triệu đồng). Trong những năm qua, Hội LHPN luôn được NHCSXH đánh giá là tổ chức quản lý tốt nhất các chương trình tín dụng chính sách so với 4 tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác, gồm: Số tổ TT&VV nhiều nhất (870 tổ); số hộ vay vốn nhiều nhất (42.131 hộ); dư nợ nhiều nhất (1.549,082 tỷ đồng); tỷ lệ thu lãi cao nhất (đạt 99,59%); chất lượng tổ TK&VV tốt nhiều nhất (758 tổ, chiếm 87,2%; không có tổ yếu, kém); tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,2%; Tỷ lệ, hộ vay tham gia gửi tiết kiệm đạt 99,80% (43.622/43.709 hộ), với tổng số tiền gửi tiết kiệm 88.400 triệu đồng.

Bên cạnh hàng năm, các cấp Hội còn khảo sát, nắm số lượng phụ nữ nghèo, hộ cận nghèo, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ để có giải pháp hướng dẫn giúp đỡ các hộ vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt, sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, đảm bảo “Không có đối tượng đủ điều kiện, không được tiếp cận nguồn vốn; không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tính từ năm 2014 đến nay, các cấp Hội giúp 9.529 hộ có phụ nữ thoát nghèo (trong đó có 3.452 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo), góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 4,57%  năm 2014, xuống còn 0,97% vào cuối năm 2023.

Tuy nhiên thời gian qua, công tác quản lý nguồn vốn ủy thác trong hệ thống Hội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định do ảnh hưởng tình hình thiên tai, dịch bệnh, rủi ro trong sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế dẫn đến hiện nay một số đơn vị nợ quá hạn còn chiếm tỷ lệ cao; công tác thu hồi, xử lý nợ quá hạn gặp nhiều khó khăn; sinh hoạt Tổ TK&VV có nơi còn hình thức, đơn điệu, chủ yếu tập trung đôn đốc việc trả nợ và thực hiện thu lãi, việc hướng dẫn giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm, giám sát lẫn nhau giữa các tổ viên còn hạn chế, chưa thường xuyên...

Có thể nói hoạt động tín dụng, ủy thác với NHCSXH, được xem là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Hội, vừa giúp hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng sinh hoạt Hội, thu hút phụ nữ tham gia vào tổ chức Hội ngày càng nhiều, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, vừa thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới như tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đầy đủ các chủ trương, chính sách của nhà nước, những văn bản mới có liên quan đến các chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đặc biệt là các chương trình, Đề án cho vay đối với cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 và Đề án cho vay đối với cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ đến hội viên, phụ nữ, thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú, giúp người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi ngày càng nhiều, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

 Hàng năm khảo nắm chắc số liệu hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách, kịp thời nắm bắt nhu cầu vay vốn của hội viên, phụ nữ để tư vấn, giới thiệu hỗ trợ vay vốn và hướng dẫn sử dụng nguồn vốn đúng mục đích phù hợp với quy định của từng chương trình; vận động hỗ trợ cho các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số, hộ khó khăn, vùng sâu, vùng xa,.... được thụ hưởng, tạo cơ hội cho người dân phát triển sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động “tín dụng đen” và tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự xã hội tại địa phương; bảo đảm an sinh xã hội; xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng nâng cao và ngày càng củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng hướng dẫn nghiệp vụ, quy trình, thủ tục cho vay và quản lý vốn đối với từng chương trình tín dụng chính sách, kỹ năng quản lý vốn cho cán bộ Hội LHPN các cấp và Tổ trưởng tổ TK&VV. Mặt khác, các cấp Hội chủ động phối hợp với các ngành liên quan, tổ chức tập huấn kiến thức sản xuất, kinh doanh, hướng dẫn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để hỗ trợ hộ vay sử dụng vốn hiệu quả.

 Chỉ đạo các cấp Hội, Tổ TK&VV tham gia hoạt động giao ban định kỳ với Ngân hàng chính sách đầy đủ, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Thường xuyên đôn đốc hộ vay hoàn trả lãi, vốn gốc khi đến hạn hoặc thu hồi vồn kịp thời đối với các hộ có dấu hiệu đi khỏi địa phương. Chú trọng công tác bình xét cho vay đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch, đúng đối tượng. Phối hợp với NHCSXH quản lý chặt chẽ nguồn vốn vay, sử dụng nguồn vốn có hiệu quả; tích cực vận động hộ vay vốn gửi tiết kiệm; giúp đỡ các hộ có kế hoạch sử dụng vốn đúng mục đích, xây dựng các mô hình sinh kế phát triển kinh tế phù hợp với khả năng, điều kiện kinh tế gia đình, hạn chế thất thoát nguồn vốn. Phối hợp với Ngân hàng CSXH thu hồi nợ đến hạn, quá hạn, lãi tồn động, xử lý rủi ro để giảm tỷ lệ nợ quá hạn và lãi tồn.

Tiếp tục phối hợp với NHCSXH nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh; kịp thời củng cố, kiện toàn các tổ TK&VV hoạt động không hiệu quả, tỷ lệ nợ quá hạn cao, nhất là các Tổ trưởng lớn tuổi kỹ năng quản lý hạn chế. Chú trọng lựa chọn tổ Trưởng tổ TK&VV là những người có uy tín, có tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, có khả năng vận động quần chúng. 

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác, trong đó chú trọng kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện quy trình bình xét đối tượng vay vốn, hoạt động của tổ TK&VV và mục đích sử dụng vốn của hộ vay. Thường xuyên tuyên truyền gương người tốt, việc tốt; biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác quản lý nguồn vốn ủy thác; đặc biệt là các hộ tiêu biểu xuất sắc sử dụng vốn có hiệu quả, vượt khó thoát nghèo, vươn lên khá, giàu.

Tuyết Nga (Hội LHPN tỉnh)

Tag:

File đính kèm