Thôn Bản Tát, xã Nà Hẩu có 100 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu nằm trong vành đai Khu bảo tồn Thiên nhiên Nà Hẩu. Là thôn khó khăn nhất nhưng đây lại là thôn đầu tiên của xã cán đích nông thôn mới.
Để giúp người dân thoát nghèo bền vững, Chi bộ thôn Bản Tát đã thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch vùng phát triển kinh tế của xã, định hướng sản xuất chuyên canh, tập trung với các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như: trồng quế, chăn nuôi cá tầm. Bản Tát hiện có 101 ha quế, trung bình mỗi hộ dân có từ 1-1,5 ha quế, 3 hộ chăn nuôi cá tầm.
Anh Vàng A Su - Bí thư Chi bộ thôn Bản Tát cho biết: "Học tập mô hình chăn nuôi cá tầm của hợp tác xã (HTX) cá tầm đóng trên địa bàn thôn, người dân trong thôn đã tiếp cận, học tập kỹ thuật chăn nuôi cá tầm, được HTX hỗ trợ giống, bao tiêu sản phẩm, bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế cao từ nghề chăn nuôi cá tầm”.
Ngoài ra, trên cơ sở diện tích quế hiện có, thôn vận động nhân dân tích cực chăm sóc bảo vệ vùng nguyên liệu quế sạch, an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn để xuất khẩu. Khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có về sản xuất nông nghiệp, Nà Hẩu đã ưu tiên phát triển các loại cây trồng có năng suất, chất lượng cao, vận động nhân dân áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật về giống, thủy lợi, canh tác, quản lý dịch bệnh tổng hợp.
Xã triển khai thực hiện tốt các đề án, chính sách hỗ trợ theo chương trình tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh gắn với việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, chủ động đưa các loại cây, con giống có giá trị kinh tế cao vào trồng trọt, chăn nuôi.
Đến nay, Nà Hẩu đã có 8 hộ trồng thử nghiệm 2,4 ha bưởi, 5 hộ trồng 3,3 ha cam. Đồng thời, triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chương trình giảm nghèo bền vững với 140 hộ nghèo và cận nghèo đăng ký nuôi lợn nái; 9 hộ dân được hỗ trợ con giống theo Nghị quyết số 13 của HĐND tỉnh với 2.100 con gà đen bản địa, trong đó có 1 hộ chăn nuôi quy mô 500 con, 8 hộ chăn nuôi quy mô 200 con.
Bên cạnh đó, xã đã đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giúp đỡ các loại hình doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Nà Hẩu - Giàng A Chỉnh cho biết: "Nà Hẩu có điều kiện tự nhiên, khí hậu đặc biệt phù hợp với chăn nuôi cá tầm. Từ mô hình chăn nuôi cá tầm ban đầu hiện nay đã có thêm 3 mô hình mới. Hiện nay HTX cá tầm Nà Hẩu đã xây dựng bể ấp cá giống tại chỗ, năm tới có thể cung cấp lượng lớn cá giống cho người dân. Từ những kết quả thu được và triển vọng chăn nuôi, tới đây Đảng bộ xã sẽ đưa chương trình chăn nuôi cá tầm ra bàn thảo và xây dựng một nghị quyết chuyên đề tập trung lãnh đạo thực hiện”.
Với mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, hạn chế tái nghèo ở địa phương, ngay từ những tháng đầu năm 2023, Nà Hẩu đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân cùng tham gia thực hiện với việc hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo về sản xuất, học nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập để phát triển sản xuất, kinh doanh, kết hợp giải quyết tốt các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội khác để thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững.
Đến nay, 64 hộ nghèo của xã đã được Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Hạt Kiểm lâm huyện Văn Yên, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ 5.500 cây mận tam hoa; hỗ trợ 4 hộ nghèo làm lại nhà ở; chi trả trợ cấp thường xuyên cho 36 đối tượng hưởng bảo trợ xã hội, chi trả tiền điện thắp sáng cho 144 hộ, cấp gạo cứu đói giáp hạt cho 160 khẩu…
Bằng nhiều cách làm sáng tạo, tận dụng lợi thế sẵn có của địa phương, Nà Hẩu đã từng bước có những chuyển biến tích cực. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt gần 20 triệu đồng/năm; 80% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 89% hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; 100% người dân được tham gia bảo hiểm y tế. Nà Hẩu cũng đã đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; phổ cập giáo dục THCS đạt chuẩn theo quy định./.