Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn tặng hoa chúc mừng bà con Tổ dân phố 10, phường Đồng Tâm nhân Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc
Xác định vị trí, tầm quan trọng của công tác xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tỉnh, hàng năm sau khi nhận được các văn bản hướng dẫn tổ chức Ngày hội của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh báo cáo xin ý kiến lãnh đạo của Thường trực Tỉnh ủy về công tác tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết. Trên cơ sở Hướng dẫn, Kế hoạch Tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư nhân kỷ niệm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11), cấp ủy các cấp trong tỉnh Yên Bái đều ban hành Văn bản chỉ đạo và phân công các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh và địa phương dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, yêu cầu các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, thủ trưởng các cơ quan đơn vị được phân công phụ trách theo dõi, giúp đỡ các xã sắp xếp, bố trí thời gian dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, trong 20 năm tổ chức đã có trên 13.000 văn bản của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức Ngày hội. Có trên 46.000 lượt lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tham dự Ngày hội.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các ngành liên quan, các tổ chức thành viên cùng cấp chỉ đạo, hướng dẫn các thôn (bản), tổ dân phố tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc theo hướng ngày càng thiết thực, hiệu quả. Chính quyền các cấp nhất là cấp xã luôn phối hợp chặt chẽ với MTTQ, các khu dân cư được quan tâm xây dựng nhà văn hóa khang trang, hiện đại đảm bảo kinh phí để hoạt động, đảm bảo về an ninh trật tự trước, trong ngày hội. Đến nay, 100% khu dân cư có nhà văn hóa đáp ứng yêu cầu tổ chức Ngày hội trang trọng, vui tươi.
Tham gia Ngày hội, người dân phát huy truyền thống yêu nước, ý thức tự hào dân tộc, tăng cường đoàn kết, phát huy tinh thần trách nhiệm, vai trò chủ thể trong tham gia xây dựng nông thôn mới. Trong những năm gần đây, đã có 13.491 hộ tự nguyện hiến tổng diện tích 1.873.048 m2 đất ; ủng hộ tiền, ngày công để xây dựng, sửa chữa nhà văn hóa thôn và bê tông hóa đường giao thông nông thôn; tham gia phát dọn, vệ sinh đường đường làng, ngõ xóm; xây dựng mới các tuyến công trình đường điện “thắp sáng đường quê”, chăm sóc và trồng mới các tuyến đường hoa; trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường tại các xã trong lộ trình xây dựng nông thôn mới. Trong Ngày hội Đại đoàn kết, nhiều địa phương đã lồng gắn việc tôn vinh các gia đình tiêu biểu trong việc hiến đất, cây cối, hoa màu góp phần xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh có 99/150 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 18/23 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 2/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 01 thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; thành phố Yên Bái được công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh.
Công tác tổ chức Ngày hội được thực hiện phù hợp theo từng năm, từng hoàn cảnh cụ thể và theo tính chất của từng thôn (bản), tổ dân phố khu dân cư, từ đó phát huy sức mạnh của toàn dân, trở thành cầu nối giữa đảng, nhà nước với nhân dân”. Giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái nỗ lực cao nhất trong công tác phòng chống dịch. Nhiều địa phương gắn các hoạt động tổ chức Ngày hội đại đoàn kết để tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các cơ sở sản xuất, các làng nghề, các sản phẩm thế mạnh của địa phương, đặc biệt là các sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.
Hằng năm, Ban công tác Mặt trận ở thôn (bản), tổ dân phố Mặt trận và đoàn thể đã tổ chức ký kết giao ước thi đua về thực hiện các Cuộc vận động và phong trào thi đua, đăng ký “Thôn (bản), tổ dân phố văn hóa”, “Gia đình văn hóa”; tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; vận động nhân dân giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng nếp sống văn hóa, ứng xử văn minh, Thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; ứng xử văn minh; mỗi hộ gia đình có trách nhiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, xây dựng khu dân cư lành mạnh, an toàn; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng được đa dạng hóa và đẩy mạnh, sinh hoạt cộng đồng đã được quan tâm thực hiện và từng bước đi vào nề nếp. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 938/1.356 thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa (đạt 69,2%); 178.005/216.191 hộ gia đình đạt chuẩn văn hoá (đạt 82,3%).
Thông qua Ngày hội, MTTQ các cấp đã tổ chức biểu dương, khen thưởng trên 8.000 lượt tập thể, Ban công tác Mặt trận, trên 127.000 lượt hộ gia đình và cá nhân tiêu biểu trong xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, các cá nhân xuất sắc trong phát triển kinh tế, trong thực hiện tốt nhiệm vụ an ninh - quốc phòng ở khu dân cư. Các phong trào “Đoàn kết, sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”, phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau; phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được Nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện hiệu quả góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân trên địa bàn tỉnh gắn với việc tuyên truyền xây dựng con người Yên Bái “Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX.
Hằng năm, nhân dịp Ngày hội Đại đoàn kết, Mặt trận các cấp thực hiện công tác hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết, đề xuất để cấp ủy, chính quyền các cấp tham dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc và tặng quà cho các thôn, tổ dân phố tiêu biểu; thăm hỏi, tặng quà trên 311.000 lượt hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, tôn vinh những cá nhân, tập thể, hộ gia đình có nhiều đóng góp cho cộng đồng và hoạt động xã hội. 20 năm qua, Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội của MTTQ các cấp đã huy động trên 225 tỉ đồng (tiền, ngày công và vật liệu quy ra tiền) thực hiện công tác an sinh xã hội, sửa chữa và xây mới trên 15.000 nhà đại đoàn kết, xây dựng mô hình phát triển kinh tế, hỗ trợ hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo. Hoạt động này thể hiện tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của đồng bào, từ đó giúp cho tính đoàn kết cộng đồng ngày càng sâu sắc, góp phần củng cố khối đoàn kết các dân tộc, gắn kết tình làng nghĩa xóm, động viên, khuyến khích mọi người dân phát huy ý chí tự lực tự cường, ý chí khát vọng vươn lên thoát khỏi đói nghèo, xây dựng quê hương không ngừng phát triển.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các tầng lớp Nhân dân
Ngày hội Đại đoàn kết được tổ chức phần Hội với nhiều nội dung phong phú. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc đã tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các tầng lớp Nhân dân, trao truyền các nét văn hóa đặc sắc có giá trị của cộng đồng, đặc biệt là bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh đã được phát huy và gìn giữ thông qua các buổi tập luyện và biểu diễn trong Ngày hội. Các làn điệu Khắp Cọi, Then của dân tộc Tày, làn điệu hát giao duyên (Páo Dung) của dân tộc Dao, các điệu khèn của dân tộc Mông, điệu múa của dân tộc Khơ Mú, “Nghệ thuật xòe Thái”… được bảo tồn và trao truyền cho thế hệ trẻ.
Có thể khẳng định rằng, qua 20 năm tổ chức, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã thực sự là một “Ngày hội lớn”, có ý nghĩa thiết thực, tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể. Đây cũng là hoạt động hướng về cơ sở, là dịp trao đổi, lắng nghe những nguyện vọng, mong muốn chính đáng của các tầng lớp Nhân dân để từ đó đưa ra những định hướng, chính sách, giải pháp đối với các tầng lớp Nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển, quốc phòng - an ninh được giữ vững, đời sống vật chất, tinh thần, chỉ số hạnh phúc của Nhân dân ngày càng được nâng lên, an sinh xã hội đã và đang được đẩy mạnh.
Lan Hương