Ngày 11/3, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới các tỉnh, thành phố.
Phát biểu khai mạc, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga nêu rõ, những năm qua, công tác cán bộ nữ luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành. Với khung pháp lý tiến bộ, khá toàn diện và phù hợp với các yêu cầu quốc tế, cùng với sự nỗ lực vươn lên của các lực lượng phụ nữ, Việt Nam đã có những bước chuyển biến tích cực về bình đẳng giới, phụ nữ đã và đang tham gia ngày càng nhiều trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực chính trị.
|
Quang cảnh Tọa đàm tại điểm cầu Hà Nội |
Đội ngũ cán bộ nữ cấp ủy, nữ lãnh đạo, quản lý, nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp ngày càng tăng về số lượng và chất lượng; kết quả thực hiện bình đẳng giới của nước ta được xếp hạng cao hơn so với nhiều quốc gia có cùng trình độ phát triển và thu nhập. Việt Nam được bạn bè quốc tế ghi nhận đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện bình đẳng giới, trong đó có nỗ lực tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo, quản lý ở các cấp
Mặc dù vậy, căn cứ vào Nghị quyết số 11, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và một số văn bản của Đảng, tỷ lệ cán bộ nữ ở nước ta hiện nay vẫn còn khoảng cách so với chỉ tiêu đề ra, có sự tăng trưởng song tỷ lệ tăng chưa cao và thiếu tính bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng và sự đóng góp to lớn của các tầng lớp phụ nữ. Vẫn còn nhiều địa phương, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đang thiếu vắng sự tham gia của phụ nữ ở vai trò lãnh đạo chủ chốt, đặc biệt là người đứng đầu; vẫn còn cơ sở không có cấp ủy viên là nữ; nhiều nơi không có nữ tham gia ban thường vụ cấp ủy; tỷ lệ nữ đại biểu HĐND có nơi chưa đạt 20%....
Nhắc lại quan điểm, chủ trương của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, tại Tọa đàm, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đề cập tới thực tế hiện nay. Cụ thể, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII có 19 Ủy viên Trung ương là nữ (đạt 9,5%), trong đó có 01 Ủy viên Bộ Chính trị, 02 Ủy viên Ban Bí thư; khóa XII là 20/200, trong đó 03 Ủy viên Bộ Chính trị, 01 Ủy viên Ban Bí thư; khóa XI là 17/200, trong đó 02 Ủy viên Bộ Chính trị, 01 Ủy viên Ban Bí thư; Trưởng, phó các ban Đảng ở Trung ương có 06 nữ.
Ở địa phương, cấp tỉnh nhiệm kỳ này có 466/3.504 nữ ủy viên Ban chấp hành, chiếm 13,3% (nhiệm kỳ 2015-2020 là 11,4%), 104/967 ủy viên thường vụ, 10,75% (nhiệm kỳ 2015-2020 là 7,85%), 17/155 phó bí thư, 10,97% (nhiệm kỳ 2015-2020 là 4,14%), 6/63 bí thư, 9,5% (nhiệm kỳ 2015-2020 là 6,3%). 54/370 trưởng các ban Đảng cấp tỉnh, 14,59%. 35 tỉnh, thành phố có tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên, cao nhất là Tuyên Quang (29,2%), thấp nhất là Quảng Bình (6,1%). 14 tỉnh, thành phố có 2 nữ thường vụ; 13 tỉnh, thành phố có 3 nữ thường vụ; 5 tỉnh, thành phố có 4 nữ thường vụ; cao nhất là Bình Phước có 5 nữ thường vụ. Tỷ lệ nữ tham gia Ban chấp hành ở cấp huyện và cấp xã cao hơn: 6.376/36.954 ủy viên Ban chấp hành cấp huyện, chiếm 17,3%; cấp xã có 62.170/298.846 ủy viên Ban Chấp hành, chiếm 20,8%
Việt Nam có 151 nữ đại biểu Quốc hội (30,26%). Tính đến tháng 2/2023, Việt Nam xếp hạng thứ 64/193 quốc gia, cao hơn 10 bậc so với thời điểm tháng 12/2020 (74/193 quốc gia). Hiện có 03/22 nữ bộ trưởng (13,64%).
|
Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại Tọa đàm |
Tuy nhiên, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, hiện còn 11/22 bộ, cơ quan ngang bộ (50%) và 6/8 cơ quan thuộc Chính phủ (75%) không có nữ lãnh đạo chủ chốt; 12/63 tỉnh, thành phố (19,1%) không có nữ ở bất cứ vị trí lãnh đạo chủ chốt nào của cấp tỉnh, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Trung. Quốc hội khóa XIV có 03 tỉnh, thành phố (4,76%) không có nữ đại biểu là Tây Ninh, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế; Quốc hội khóa XV có 02/63 tỉnh, thành phố (3,2%) không có nữ đại biểu là Hải Phòng và Cà Mau.
Thời gian tới, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương yêu cầu, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu và hệ thống chính trị đối với việc thực hiện có hiệu quả nghị quyết, chủ trương của Đảng về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và những mục tiêu, chương trình về bình đẳng giới.
Bổ sung, thực hiện có hiệu quả các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới sát với thực tiễn Việt Nam; có giải pháp khắc phục khó khăn, thách thức, hạn chế về: Chính sách, pháp luật; tính bền vững của kết quả đạt được; tạo cơ hội bình đẳng cho phụ nữ; rút ngắn khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa cán bộ nam và cán bộ nữ…
Đồng thời, động viên đội ngũ cán bộ nữ phấn đấu, rèn luyện nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất, uy tín đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới. Quan tâm phát hiện, tạo nguồn, bồi dưỡng, đào tạo, quy hoạch, luân chuyển, bố trí, sắp xếp, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đối với cán bộ nữ trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị; đảm bảo đạt được mục tiêu tỉ lệ nữ, trong cấp ủy, cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, doanh nghiệp; Tăng cường sự tham gia tích cực của cán bộ nam trong thực hiện nghị quyết, chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với cán bộ nữ...
Tại buổi Toạ đàm, đại biểu các bộ ngành, địa phương… đã chia sẻ những kết quả, kinh nghiệm trong công tác bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ, đề xuất những giải pháp để đạt được những mục tiêu đã đề ra./.