Tuy nhiên, thời gian qua, dư luận xã hội rất bức xúc tình trạng các cơ sở giáo dục bán sách giáo khoa (SGK) kèm thêm các sách bài tập, sách tham khảo không thực sự cần thiết, hệ thống sách học của học sinh không thống nhất gây khó khăn, lãng phí cho xã hội, phụ huynh tốn hàng nghìn tỉ đồng mua các đầu sách không cần thiết, các em học sinh khó khăn trong quá trình học tập. Một số chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) khiến phụ huynh, học sinh nhầm lẫn sách bài tập được Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam biên soạn cũng là tài liệu bắt buộc phải mua kèm theo sách giáo khoa. Trong đó, văn bản số 2372 ngày 11/4/2013 của Bộ GD-ĐT về việc sử dụng sách, tài liệu tham khảo trong trường phổ thông có nội dung hướng dẫn sách bài tập do NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức biên soạn dựa theo sách giáo khoa, được thẩm định, cho phép xuất bản, in và phát hành.Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc nhiều phụ huynh, học sinh khi mua sách giáo khoa đều phải mua sách bài tập kèm theo do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành. Ngày 26/12/2018, Bộ GD-ĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT - Chương trình Giáo dục phổ thông mới (gọi tắt là Chương trình GDPT 2018), trước khi có chương trình này, cấp tiểu học có tới 3 bộ sách giáo khoa khác nhau, đó là SGK chương trình 2006; SGK chương trình VNEN (Mô hình trường học mới khởi nguồn từ Côlômbia từ những năm 1995-2000 để dạy học trong những lớp học ghép ở khu vực miền núi khó khăn, theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm); SGK chương trình Công nghệ giáo dục và cả 3 bộ sách này đều của NXB Giáo dục Việt Nam biên soạn, in ấn, phát hành. Cũng chính vì có 3 bộ sách giáo khoa khác nhau nên cũng dẫn đến 3 phương pháp dạy khác nhau. Điều này dẫn đến mâu thuẫn ở chỗ nhiều trường tiểu học có thể học sách của chương trình VNEN; Công nghệ giáo dục nhưng lên đến cấp trung học cơ sở lại chủ yếu quay về một mối là dạy chương trình SGK năm 2006. Việc này dẫn đến tình trạng phụ huynh học sinh hoang mang không biết sách nào chuẩn theo yêu cầu, lãng phí cho xã hội và không bảo đảm các mục tiêu ngành giáo dục đề ra.
Chương trình GDPT 2018 chỉ quy định chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt; SGK không biên soạn theo tiết như trước đây mà biên soạn theo chủ đề, mạch kiến thức; giáo viên, nhà trường nghiên cứu chương trình, SGK, đặc điểm của học sinh tại trường của mình để xây dựng kế hoạch dạy học cụ thể, phù hợp với đối tượng. Qua kiểm tra thực tế cho thấy giáo viên, nhà trường một số nơi chưa tự tin và có sự lúng túng khi thực hiện giai đoạn đầu năm học 2020-2021. Cha mẹ học sinh chưa được cung cấp thông tin đầy đủ về chương trình nên có biểu hiện lo lắng, so sánh chương trình, SGK cũ và chương trình và SGK mới, gây áp lực cho học sinh, giáo viên và nhà trường…
Ngoài ra, việc sai phạm tại kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình và vụ việc lộ đề thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 liên quan tới ông Phan Khắc Nghệ, Hiệu phó Trường THPT chuyên Hà Tĩnh, bị tố cho học sinh ôn luyện môn Sinh trùng 85% nội dung đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và vụ việc của bà Phạm Thị My (59 tuổi, nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Tổ trưởng Tổ ra đề môn Sinh học trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021) và ông Bùi Văn Sâm (73 tuổi, nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Tổ trưởng Tổ ra đề môn Sinh học trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021) bị khởi tố làm dư luận thật sự bất bình.
Qua giám sát, nắm tình hình, phát hiện các dấu hiệu vi phạm, UBKT Trung ương đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2016-2021. Kết quả kiểm tra cho thấy, Ban cán sự đảng Bộ GD-ĐT đã có những vi phạm, khuyết điểm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nội dung quan trọng trong đó có việc xây dựng chương trình, biên soạn, thẩm định, xuất bản, phát hành SGK; tổ chức các kỳ thi THPT Quốc gia và kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cụ thể, từ ngày 6 - 8/9/2022, tại họp kỳ thứ 19, sau khi xem xét kết quả kiểm tra, UBKT Trung ương đã kết luận Ban cán sự đảng Bộ GD-ĐT nhiệm kỳ 2016-2021 đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, để Bộ GD-ĐT và một số tập thể, cá nhân vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước một số nội dung trong đó bao gồm việc xây dựng chương trình, biên soạn, thẩm định, xuất bản, phát hành SGK; tổ chức các kỳ thi THPT Quốc gia và kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm; căn cứ quy định của Đảng, UBKT Trung ương quyết định Cảnh cáo các ông: Mai Văn Trinh, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ GD-ĐT, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 và năm 2021; Nguyễn Huy Bằng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy Bộ, nguyên Chánh Thanh tra Bộ; Trần Thanh Khiết, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ, Giám đốc Ban Quản lý các dự án; Trần Tú Khánh, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ, nguyên Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD-ĐT; Khiển trách ông Nguyễn Hữu Độ, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT. UBKT Trung ương đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ GD-ĐT nhiệm kỳ 2016-2021 và ông Phùng Xuân Nhạ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
UBKT Trung ương cũng yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ GD-ĐT tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc đối với: Tập thể Ban cán sự đảng nhiệm kỳ 2021-2026; đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng và đồng chí Phạm Vũ Luận, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Ban cán sự đảng Bộ GD-ĐT phối hợp với Đảng ủy Bộ và các tổ chức đảng có liên quan kiểm điểm, xem xét trách nhiệm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Cơ quan Bộ GD-ĐT các nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025, Đảng ủy Cục Quản lý chất lượng, Chi bộ Thanh tra Bộ…; yêu cầu rà soát sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban cán sự đảng, các quy chế phối hợp…
Sau khi xem xét đề nghị của UBKT Trung ương, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật: Cảnh cáo Ban cán sự đảng Bộ GD-ĐT nhiệm kỳ 2016-2021 và đồng chí Phùng Xuân Nhạ, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Để dẫn tới những vi phạm nêu trên, một trong những những nguyên nhân cơ bản đó là việc có dấu hiệu “lợi ích nhóm” giữa Bộ GD-ĐT, NXB Giáo dục Việt Nam trong phát hành sách bài tập, sách tham khảo. Trong đó, sai phạm nghiêm trọng được chỉ ra đó là, Bộ GD-ĐT không kịp thời ban hành văn bản liên quan đến việc phát hành SGK, sách bài tập, sách tham khảo, buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc biên soạn, xuất bản sách dẫn đến gây hiểu nhầm cho phụ huynh, học sinh và xã hội về việc tài liệu này là phải mua kèm, dẫn đến những thiệt hại không đáng có.
Cụ thể, Bộ GD-ĐT ban hành văn bản số 2372/BGDĐT-GDTTrH, ngày 11/4/2013, nội dung: “ Sách bài tập do Nhà xuất bản tổ chức biên soạn dựa theo SGK, được Bộ GD-ĐT thẩm định, cho phép xuất bản, in và phát hành ”, dẫn đến NXB Giáo dục Việt Nam tự biên soạn, xuất bản, phát hành sách bài tập bán cùng SGK, gây lãng phí nguồn lực xã hội, thương mại hóa sách bài tập, là gánh nặng cho học sinh phải dùng quá nhiều sách.
Thực tế, việc tổ chức biên soạn, biên tập, xuất bản, in ấn và tổng phát hành các loại sách bài tập, sách tham khảo thuộc chức năng, nhiệm vụ của NXB, tuy nhiên, đơn vị chiếm thị phần chủ yếu là NXB Giáo dục Việt Nam là đơn vị thống lĩnh thị trường, độc quyền tổ chức biên soạn, biên tập, xuất bản, in và phát hành, dẫn đến khó kiểm soát chất lượng, giá cả và số lượng sách được xuất bản. Bộ GD-ĐT lại thực hiện không đúng chức năng, nhiệm vụ khi thẩm định, cho phép xuất bản, in và phát hành làm cho vấn đề độc quyền xuất bản sách lại nghiêm trọng hơn.
Chỉ riêng môn tiếng Việt lớp 1, hiện có khoảng 26 đầu sách tham khảo với nhiều tên gọi khác nhau. Với môn toán lớp 1, có khoảng 18 đầu sách với nhiều tên gọi khác nhau… Với tình trạng trên, phụ huynh không biết chọn sách tham khảo, sách bài tập nào cho con em mình, nhiều gia đình mua gần 10 cuốn sách bài tập nhưng chỉ dùng hai cuốn bài tập toán và bài tập tiếng Việt lớp 1.Còn rất nhiều cuốn bài tập khác như vở bài tập Tự nhiên và xã hội, vở bài tập Đạo đức, vở bài tập Hoạt động trải nghiệm, vở bài tập Âm nhạc... gần như không dùng tới. Tính trung bình, mỗi học sinh lớp 1 khi tới trường phải mang nặng từ 5-6kg sách. Do được giáo viên khuyến nghị việc mua sách bài tập, sách tham khảo nên học sinh vừa phải bị áp lực trên trường quá tải, lại thêm sách tham khảo, sách bài tập, dẫn đến phải đi học thêm để hoàn thiện chương trình, nhiều hệ lụy phát sinh từ đây. Các cấp tiểu học khác cơ bản đều có tình trạng tương tự.
Với những chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, học sinh và phụ huynh bối rối trong khâu chọn sách vì hiểu rằng sách bài tập được NXB Giáo dục Việt Nam và các nhà xuất bản khác phát hành cũng là tài liệu bắt buộc phải mua kèm theo sách giáo khoa, dẫn đến thực tiễn hầu hết gia đình học sinh khi mua sách giáo khoa đều mua sách bài tập kèm theo do NXB Giáo dục Việt Nam và các nhà xuất bản khác phát hành. Từ đó, gây lãng phí cho gia đình học sinh và xã hội khoảng 2.374 nghìn tỷ đồng. Mặt khác, trong quá trình điều chỉnh tăng giá SGK lần 3, Bộ GD-ĐT chưa có giải pháp kiểm soát chặt chẽ để yêu cầu NXB Giáo dục Việt Nam phải thực hiện đầy đủ các chỉ đạo của Bộ trước đó. NXB Giáo dục Việt Nam đã lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng độc quyền để xây dựng mức giá đăng ký sách sai so với hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có dấu hiệu vi phạm quy định trong lĩnh vực giá, quy định về đăng ký giá SGK; áp dụng tỷ lệ chiết khấu cao bất hợp lý (25%); tăng giá SGK gần 17% dù chưa thực hiện đầy đủ yêu cầu của Bộ GD-ĐT… khiến học sinh phải mua sách giá cao với tổng số tiền 85 tỷ đồng.Bộ cũng chưa ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật trong biên soạn, xuất bản bộ SGK chuẩn làm căn cứ xây dựng phương án giá cho các NXB thực hiện khi kê khai theo quy định. Công tác phê duyệt, giao kế hoạch sản xuất kinh doanh SGK hằng năm cho các NXB đều chậm; chưa thực hiện trách nhiệm tổ chức giám sát nhà xuất bản theo quy định.
Từ đó có thể thấy, có dấu hiệu “lợi ích nhóm” giữa Bộ GD-ĐT là cơ quan quản lý nhà nước với NXB Giáo dục Việt Nam trong việc in ấn, phát hành sách bài tập gây thất thoát lớn nguồn lực xã hội, gây dư luận bức xúc làm giảm niềm tin của nhân dân đối với ngành Giáo dục.
Không chỉ vậy, nhiều sai phạm trong việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 và năm 2021 cũng làm dư luận xã hội bức xúc. Tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018: Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 04/2018/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT quốc gia có sơ hở dẫn đến bị lợi dụng để nâng điểm; không kịp thời chỉ đạo kiểm tra làm rõ và xử lý vi phạm tại Hội đồng thi tỉnh Hà Giang theo đúng quy định, vi phạm Nghị quyết số 29/TW, Quy chế thi và Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; để Thanh tra Bộ ban hành Kế hoạch 04/KH-TTr, ngày 16/4/2018 trái với Luật Thanh tra; công tác thanh tra, kiểm tra thi có nhiều vi phạm, khuyết điểm(Thanh tra Bộ không rà soát tiêu chuẩn, năng lực thành viên cử tham gia Đoàn Thanh tra mà các cơ sở đào tạo có công văn đề nghị là được chấp thuận. Chánh Thanh tra Bộ ban hành Quyết định thành lập Đoàn gồm 63 tổ cắm chốt tại các Sở GD-ĐT và Tổ trực trái với với Kế hoạch. Không ban hành kết luận Thanh tra); việc kiểm điểm trách nhiệm của tập thể và cá nhân có liên quan chậm, không nghiêm túc, chưa tương xứng với tính chất và mức độ vi phạm, vi phạm quy định của Đảng.
Cụ thể, tháng 07/2018, dư luận dậy sóng và bất bình bởi hành vi cố tình can thiệp vào kết quả thi THPT của một cán bộ giáo dục tại tỉnh Hà Giang. 114 thí sinh với 330 bài thi đã được nâng điểm ít nhất từ 1 đến 8,75 điểm/môn. Sai phạm chấm thi ở Hà Giang được coi là vụ tiêu cực nghiêm trọng nhất trong lịch sử ngành Giáo dục trong nhiều năm qua. Phụ huynh thì bức xúc, còn các em học sinh thì lo lắng cho tương lai của mình. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang đã công bố danh sách 151 đảng viên bị kỷ luật có liên quan đến tiêu cực trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018.
Trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, Hòa Bình có tổng số 65 thí sinh được can thiệp nâng điểm. Các thí sinh này đã sử dụng kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT. Trong đó, 62 thí sinh sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. 45 thí sinh trúng tuyển, đã bị buộc thôi học, 10 thí sinh đang theo học vì kết quả chấm thẩm định vẫn đủ điểm xét tuyển, 6 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học, một thí sinh xét nhưng không trúng tuyển), 3 thí sinh không xét tuyển đại học, cao đẳng.
Theo kết luận điều tra bổ sung lần hai vụ án gian lận điểm THPT Quốc gia 2018 ở Hòa Bình, trước kỳ thi, Nguyễn Quang Vinh (Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, Phó Trưởng ban chấm thi) đã bàn bạc, chỉ đạo Đỗ Mạnh Tuấn (Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Lạc Thủy, ủy viên tổ chấm bài thi trắc nghiệm) cùng 18 giám khảo chấm nâng điểm 20 bài thi tự luận môn ngữ văn và 57 bài thi trắc nghiệm.
Tại Sơn La, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La cáo buộc, tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tổ chức tại Sơn La, 12 người vì động cơ vụ lợi và lợi dụng chức vụ đã cùng nhau nhận thông tin, tác động nâng điểm cho 44 thí sinh, từ 29/6 đến 3/7/2018. Trong 12 bị can, 8 người bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, gồm: Trần Xuân Yến (cựu Phó Giám đốc Sở GD-ĐT), Đỗ Khắc Hưng (cựu trung tá, cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La), Lò Văn Huynh (cựu phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT), Cầm Thị Bun Sọn (cựu phó trưởng phòng Chính trị Tư tưởng), Nguyễn Thanh Nhàn (cựu phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục), Đinh Hải Sơn (cựu thiếu tá, nguyên đội phó đội giáo dục, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La, Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng), Đặng Hữu Thuỷ (hiệu phó trường THPT Tô Hiệu).
Về kỳ thi THPT quốc gia năm 2021, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT về Quy chế thi tốt nghiệp THPT, có nội dung trái quy định về bảo vệ bí mật nhà nước (không đảm bảo quy định: Người lao động được làm nhiệm vụ về tin học - kỹ thuật và người soạn thảo đề thi và phản biện đề thi là những giáo viên đã công tác tại các cơ sở giáo dục đào tạo, viện nghiên cứu), vi phạm Nghị định số 161/2018/NĐ-CP, dẫn đến một số cá nhân vi phạm pháp luật bị khởi tố, bắt tạm giam; để nhân viên Trung tâm khảo thí quốc gia điều chỉnh bỏ tính năng rút câu hỏi thi ngẫu nhiên của phần mềm Ngân hàng câu hỏi thi từ tháng 3/2019 và Hội đồng ra đề thi sử dụng phần mềm này từ năm 2019 đến năm 2021 để ra đề thi, vi phạm Quy chế thi; Ban cán sự đảng Bộ GD-ĐT không kịp thời họp, cho chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra và xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, gây bức xúc dư luận xã hội, ảnh hưởng uy tín của ngành Giáo dục, vi phạm quy định của Đảng và Quy chế làm việc.
Vụ việc cụ thể, ngày 10/6/2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Bộ GD-ĐT, đồng thời khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Phạm Thị My (59 tuổi, nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Tổ trưởng Tổ ra đề môn Sinh học trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021) và ông Bùi Văn Sâm (73 tuổi, nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Thành viên Tổ Thẩm định), để điều tra về vụ việc lộ đề thi trong công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi môn Sinh học kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Trong đó, bà Phạm Thị My bị cáo buộc đã mang các thông tin, tài liệu liên quan đến ngân hàng câu hỏi ra khỏi khu vực quy định. Hành vi này bị xác định vi phạm quy định của quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi và các quy định về bảo mật tài liệu của Bộ GD-ĐT. Trong 4 mã đề thô xuất ra từ máy tính được tổ ra đề môn Sinh học lựa chọn cho thấy các câu hỏi trong 4 mã đề đều trùng nhau theo thứ tự các câu tương ứng và khác biệt hẳn với các câu hỏi trong 12 mã đề không được chọn. Đây là điều bất thường vì nếu tổ hợp đề được chọn ngẫu nhiên từ máy tính không thể có hiện tượng này. Đánh giá số câu hỏi trùng và khác nhau giữa đề thô được chọn, đề duyệt chốt với nội dung ôn tập của ông Phan Khắc Nghệ cho thấy các câu hỏi trong 4 mã đề thô được chọn với các câu hỏi xuất hiện trong các nội dung ôn tập của ông Nghệ có sự trùng lặp rất lớn. Trong tổng số 40 câu của từng mã đề thô được chọn có 39 câu trùng (chiếm tỷ lệ 97,5%) với các câu trong nội dung ôn tập của ông Nghệ. Trong số 39 câu trùng nói trên thì có 37 câu trùng ở cả 4 mã đề (chiếm 94,87%); riêng câu 81 chỉ trùng với mã đề 210; câu 105 trùng hoàn toàn với mã đề 210 và 212, trùng một phần với 2 mã đề 211 và 213.
Từ đó có thể thấy, nguyên nhân trong vụ việc này là do Bộ GD-ĐT chưa có văn bản hướng dẫn, phân công công việc, trách nhiệm cụ thể đối với từng cá nhân tham gia giám sát, chưa có biện pháp chủ động trong công tác phòng ngừa vi phạm của thầy, cô giáo khi tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi. Việc phân công nhiệm vụ cho các chuyên gia, giáo viên tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi cũng chưa hợp lý, Bộ GD-ĐT phân công các thầy cô giáo vừa làm công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi vừa tham gia công tác ra đề thi là chưa khách quan, dễ dẫn đến lộ lọt thông tin, tài liệu liên quan đến các câu hỏi.
Những sai phạm trên của Bộ GD-ĐT đã làm ảnh hưởng lớn đến những chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục, gây lãng phí nguồn lực nhà nước, xã hội, làm giảm niềm tin của nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các mục tiêu mà Nghị quyết 29/TW và các chủ trương về giáo dục tại các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc đã đề ra, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện mục tiêu: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” đã được chỉ ra tại các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc.
Nguyên nhân cơ bản của những sai phạm trên là do Ban cán sự đảng Bộ GD-ĐT đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, để Bộ GD-ĐT và một số tập thể, cá nhân vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong công tác tổ chức, cán bộ; xây dựng, ban hành thể chế, chính sách; xây dựng chương trình, biên soạn, thẩm định, xuất bản, phát hành SGK; các kỳ thi THPT Quốc gia và kỳ thi tốt nghiệp THPT, một số cán bộ, đảng viên trong ngành bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự.
Việc tổ chức, quản lý các vấn đề liên quan đến giáo dục từ Trung ương đến địa phương còn nhiều bất cập, hạn chế, nhiều lúc mang tính chủ quan, áp đặt, không đặt lợi ích của toàn dân lên trên hết. Những hạn chế của ngành giáo dục đã được Trung ương và các cơ quan báo chí phản ánh từ lâu nhưng chậm khắc phục dẫn đến nhiều hệ lụy.
Bên cạnh đó có dấu hiệu “lợi ích nhóm” giữa Bộ GD-ĐT và NXB Giáo dục Việt Nam trong việc xuất bản SGK và các sách bài tập, sách tham khảo dẫn đến nhiều hệ lụy. Việc “lập lờ” trong chỉ đạo của Bộ GD-ĐT gây ra sự lãng phí lớn tiền của các gia đình có con đi học trong mua SGK, trở thành gánh nặng cho phụ huynh, các em học sinh và toàn xã hội.
Qua vụ việc trên cho thấy, Ban cán sự đảng Bộ GD-ĐT phải luôn bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng về giáo dục - đào tạo. Đồng thời, cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cấp có thẩm quyền để phát hiện và kịp thời chấn chỉnh các sai phạm, việc tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong giáo dục... nhằm bảo đảm việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; thực hiện tốt nhất nhiệm vụ chính trị được giao của ngành Giáo dục./.
Mạnh Tiến - Trần Đức Đình*- Minh Nguyệt**
* Phó Vụ trưởng Vụ Địa bàn VI, Cơ quan UBKT trung ương
** Văn phòng Cơ quan UBKT Trung ương