Sign In

Cổng thông tin điện tử

Đảng Cộng sản Việt Nam

Quy định xử lý trách nhiệm khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong xây dựng pháp luật

Ngày xuất bản: 26/09/2024
Cho tôi hỏi, việc xử lý trách nhiệm khi để xảy ra hành vi vi phạm, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật hiện nay được quy định như thế nào? Xin cảm ơn.
 

Trả lời

Ngày 27/6/2024, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 178-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Tại Điều 16 của Quy định nêu rõ xử lý trách nhiệm khi để xảy ra hành vi vi phạm, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật:

1. Đối với tổ chức:

Cấp ủy, tổ chức đảng để xảy ra hành vi vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ thuộc phạm vi trách nhiệm, thẩm quyền lãnh đạo, chỉ đạo thì xử lý theo quy định của Đảng.

2. Đối với lãnh đạo cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị:

a) Người đứng đầu, thành viên cấp ủy, tổ chức đảng, thành viên tập thể lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, phạm vi công việc mình được phân công trực tiếp quản lý, phụ trách thì xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

b) Lãnh đạo cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị được xem xét loại trừ trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:

- Không được xin ý kiến hoặc đã có ý kiến không đồng ý với nội dung có tính chất tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

- Đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo áp dụng biện pháp quy định tại Khoản 5, Điều 7 và Điểm đ, Khoản 2, Điều 10 để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật và không để xảy ra hậu quả của hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ.

- Thuộc trường hợp được loại trừ trách nhiệm theo quy định của pháp luật về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

c) Lãnh đạo cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị được xem xét miễn, giảm trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:

- Đã lãnh đạo, chỉ đạo áp dụng biện pháp quy định tại Khoản 5, Điều 7 và Điểm đ, Khoản 2, Điều 10 để ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ.

- Thuộc trường hợp được xem xét miễn hoặc giảm trách nhiệm theo quy định của pháp luật về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

- Được xem xét miễn hoặc giảm hình thức kỷ luật nếu chủ động khai báo vi phạm và xin từ chức trước khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện, xử lý, trừ trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

d) Lãnh đạo cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị bị xem xét tăng trách nhiệm trong trường hợp phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật mà không lãnh đạo, chỉ đạo áp dụng biện pháp quy định tại Khoản 5, Điều 7 và Điểm đ, Khoản 2, Điều 10 hoặc các biện pháp cần thiết khác để ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ./.

 

 

Câu hỏi nhiều người quan tâm