Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Yên Sơn luôn chú trọng việc tiếp công dân, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân, từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo đồng thuận trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu
Yên Sơn là địa bàn có tốc độ đô thị hóa cao, với nhiều dự án, công trình trọng điểm của tỉnh, của huyện được xây dựng như: Dự án đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện Yên Sơn, Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) đoạn đi qua huyện Yên Sơn, Dự án xây dựng đường từ Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm đến Quốc lộ 2D kết nối đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, Dự án cầu Xuân Vân vượt sông Gâm, Dự án tuyến đường trục chính D2 tại thị trấn Yên Sơn, đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn qua các xã Trung Sơn, Hùng Lợi... Nhờ thường xuyên đối thoại, lắng nghe và đưa ra các quyết định trên cơ sở bảo đảm tối đa lợi ích chính đáng của người dân, nhiều địa phương đã làm tốt công tác giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để thực hiện các dự án trọng điểm đúng tiến độ.
Bí thư Huyện ủy Yên Sơn Phạm Ninh Thái tiếp công dân.
Công tác tiếp công dân, đối thoại với dân trên địa bàn huyện Yên Sơn bước đầu đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, các vụ việc kéo dài trên địa bàn huyện cơ bản được giải quyết, một trong những giải pháp quan trọng là sự vào cuộc đầy trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc tiếp công dân, xử lý phản ánh, kiến nghị của công dân đã được nghiêm túc thực hiện theo quy định.
Quý I - 2024, công tác tiếp dân của huyện Yên Sơn ghi nhận đã thực hiện 64 lượt, tiếp nhận tổng số 163 đơn, tập trung chủ yếu là số đơn, số vụ việc kiến nghị, phản ánh. Trong đó, số đơn, số vụ việc thuộc thẩm quyền, tiếp nhận trong kỳ là 92 vụ việc. Số vụ việc/nội dung kiến nghị, phản ánh đã giải quyết 74 vụ, còn lại đang tập trung giải quyết.
Đồng chí Phạm Ninh Thái, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Yên Sơn cho biết: Việc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ và Nhân dân, việc tiếp công dân định kỳ là dịp để lãnh đạo huyện trực tiếp lắng nghe, tiếp thu ý kiến, kiến nghị, tâm tư nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, từ đó kịp thời có những giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy; quản lý, điều hành của chính quyền. Nhờ đó, nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu nại được tiếp nhận, xử lý kịp thời ngay tại cơ sở, không phát sinh khiếu kiện vượt cấp kéo dài, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Năm 2023, xã Kim Quan (Yên Sơn) hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao, để có kết quả ấn tượng đó, không thể không kể đến tác phong làm việc sâu sát, gần dân của Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Trọng Văn Vĩnh. Lịch tiếp dân của xã Kim Quan 1 tuần 2 buổi vào thứ 3 và thứ 5 hàng tuần, nhưng với anh Vĩnh, người dân có thể trực tiếp gặp, trao đổi ý kiến bất cứ lúc nào, miễn là khi ấy Bí thư, Chủ tịch xã không bận giải quyết công việc.
Anh Vĩnh chia sẻ: "Không câu nệ cứ phải họp hành tại công sở đâu, có việc gì cần bàn bạc, trao đổi với dân thì mình xuống tận thôn, nhà nào rộng thì trải chiếu ra, ngồi trao đổi công việc, chính nhờ việc rút ngắn khoảng cách giữa người đứng đầu với dân đã góp phần không nhỏ tạo đồng thuận, củng cố niềm tin của người dân vào cấp ủy, chính quyền địa phương".
Khi lòng dân đồng thuận
Ở xã Xuân Vân, người dân bao năm nay ngóng trông một nhịp cầu nối đôi bờ sông Gâm, nên khi địa phương có Dự án đầu tư xây dựng cầu Xuân Vân vượt sông Gâm, ông Trịnh Văn Năng và bà Triệu Thị Dung ở thôn Chợ, xã Xuân Vân phấn khởi lắm. Ông Năng bảo: "Một công trình phúc lợi lớn như thế, một cây cầu đáng mơ ước như thế, mình phải ủng hộ địa phương chứ, nhìn vị trí quy hoạch cây cầu, tôi xác định trước sau gì ngôi nhà 2 tầng mà vợ chồng tôi đang ở cũng phải rời đi. Thôi thì mình chủ động dỡ sớm để Nhà nước làm cầu cho mà đi".
Nghĩ là làm, mặc dù vợ chồng ông tuổi đều đã ngoài 70 rồi, nhưng gia đình ông bà Năng Dung là 1 trong những hộ đầu tiên tự nguyện tháo dỡ ngôi nhà 2 tầng của mình, đi thuê nhà ở, trả mặt bằng cho các nhà thầu kịp thi công công trình. Ông Năng kể: "sông Gâm xưa mùa lũ nguy hiểm lắm, nước xiết, rất dễ bị đắm đò, giờ cây cầu Xuân Vân hoàn thành, người dân mừng lắm, tôi nghĩ đơn giản thôi vì lợi ích chung của địa phương, mình có gì ủng hộ nấy, không vật chất thì tinh thần, cả đời mong ngóng, giờ có nhịp cầu vững chãi thế kia, phải tin tưởng, ủng hộ chính quyền chứ".
Tổ dân phố Nghĩa Trung, thị trấn Yên Sơn thời gian qua là một trong những điểm sáng trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân làm tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng, giúp các nhà thầu sớm đi vào thi công, đảm bảo đúng tiến độ công trình. Anh Hoàng Quốc Duyệt, Tổ trưởng tổ dân phố Nghĩa Trung cho biết, tổ dân phố Nghĩa Trung có khá nhiều tuyến đường trọng điểm đi qua như đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện Yên Sơn, tuyến đường trục chính D2 và đường của khu dân cư Nghĩa Trung.
Anh Duyệt bảo, việc vận động đền bù giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ khó, phức tạp vì liên quan trực tiếp tới nhà cửa, đất đai đã gắn bó cả đời với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của bà con. Đặt mình vào vị trí người dân, anh hiểu, nên anh đã chủ động phối hợp tốt với các đơn vị chức năng kiên trì tuyên truyền, vận động bà con. Cùng với việc tổ chức nhiều cuộc họp dân, anh luôn coi trọng việc trực tiếp đến từng hộ dân gần gũi trò chuyện, giải thích cho bà con hiểu, cách làm là lựa những hộ khó khăn hơn, đến tuyên truyền, vận động trước, khi bà con nghe ra rồi, các hộ còn lại đều sẽ đồng thuận chấp nhận mức đền bù. Hiện giờ nhiều con đường mới đi qua vị trí của tổ dân phố Nghĩa Trung đều thuận lợi, nhân dân đồng thuận ủng hộ để Nhà nước tiến hành thi công, cơ bản không còn vướng mắc gì, đó là những tín hiệu rất đáng phấn khởi.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền huyện Yên Sơn, tăng đối thoại, tạo đồng thuận, nhờ vậy nhiều vấn đề nhân dân bức xúc, kiến nghị, đề nghị nhiều lần nhưng chưa được xem xét đã được những người đứng đầu chỉ đạo giải quyết kịp thời, thấu đáo. Cũng thông qua đối thoại, lãnh đạo huyện, xã kịp thời phát hiện, điều chỉnh những sai sót của cán bộ, công chức, viên chức trong tổ chức thực hiện, có các giải pháp ổn định tình hình, không để hình thành, phát sinh những điểm nóng về an ninh trật tự, củng cố niềm tin của người dân với cấp ủy, chính quyền địa phương.
Theo Khánh Vân/baotuyenquang.com.vn