(Danvan.vn) Ngày 18/10, Đoàn khảo sát của Ban Dân vận Trung ương về kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và 5 năm thực hiện Kết luận số 43-KL/TW của Ban Bí thư (khóa XII), do đồng chí Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương làm trưởng đoàn đã có các buổi làm việc với Huyện ủy Chi Lăng và Đảng ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Lạng Sơn. Dự và làm việc với Đoàn công tác có đồng chí Giáp Thị Bắc, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Lạng Sơn.
|
Đồng chí Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu tại buổi làm việc tại Huyện ủy Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) |
Đồng chí Trần Thanh Nhàn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn); đại tá Trịnh Hữu Tăng, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Lạng Sơn; cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Huyện ủy, đại diện lãnh đạo một số phòng, ban, đơn vị, xã, thị trấn, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội của huyện Chi Lăng và BĐBP tỉnh Lạng Sơn dự các buổi làm việc với Đoàn.
Báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW và Kết luận số 43-KL/TW của Huyện ủy Chi Lăng cho thấy, ngay sau khi các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và chương trình hành động của Tỉnh ủy (Chương trình hành động số 86-CTr/TU) về công tác dân vận được ban hành, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Chi Lăng đã nhanh chóng quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện bằng nhiều văn bản cụ thể hóa, tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng trong hệ thống chính trị; đặc biệt nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm thực hiện công tác dân vận của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trước nhân dân.
Các cấp ủy quan tâm ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, triển khai các dự án để chăm lo cho đời sống nhân dân, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Các cấp chính quyền tăng cường cải cách hành chính, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, nhất là việc công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận của người dân trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án phát triển kinh tế - xã hội...
|
Đồng chí Vi Công Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Chi Lăng phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn khảo sát |
Các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước gắn với phong trào “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện được xây dựng và nhân rộng. Từ năm 2013 đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 770 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các mặt đời sống xã hội, với hàng nghìn lượt tập thể, cá nhân được khen thưởng ở các cấp. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, 10 năm qua nhân dân trên địa bàn huyện đã hiến hơn 140.000 m2 đất, đóng góp hơn 200.000 ngày công lao động làm đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa thôn, kênh mương thủy lợi…, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Nên với xuất phát điểm từ một huyện miền núi, thuần nông, có nhiều khó khăn, đến nay, 9/18 xã trong huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó, Chi Lăng là xã nông thôn mới đầu tiên và cũng là xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng lên; nhiều nét văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp được giữ gìn và phát huy; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
|
Đại tá Trịnh Hữu Tăng, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Lạng Sơn báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) của BĐBP tỉnh |
Báo cáo kết quả qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW và 05 năm thực hiện Kết luận số 43-KL/TW của Đảng ủy BĐBP tỉnh Lạng Sơn cho thấy, cấp ủy, chỉ huy các cấp BĐBP tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng công tác vận động quần chúng trên địa bàn 20 xã và 01 thị trấn khu vực biên giới, với 231,7km đường biên.
Đảng ủy BĐBP tỉnh tăng cường phối hợp với các ban, sở, ngành, MTTQ, các đoàn thể tỉnh và huỵện ủy các huyện biên giới trong gắn với thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao, trọng tâm là phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân; xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; nắm chắc tình hình nhân dân, tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định về quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, “thế trận lòng dân” vững chắc nơi biên giới…
BĐBP tỉnh tích cực tham mưu, tổ chức, hướng dẫn nhân dân tham gia các phong trào thi đua, cuộc vận động do các cấp, các ngành phát động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh biên giới như: “Công trình dân sinh thắm tình đồn xã”, “Áo ấm mùa đông biên giới”, “Nâng bước em tới trường, con nuôi đồn Biên phòng”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, “Hợp sức toàn dân tấn công tội phạm”…
|
Đồng chí Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu tại buổi làm việc tại với Đảng ủy BĐBP tỉnh Lạng Sơn |
Đặc biệt, từ thực tiễn địa phương, BĐBP tỉnh đã sáng tạo tham mưu cho tỉnh tổ chức hiệu quả một số phong trào quần chúng, tiêu biểu như: Tổ chức Ngày hội Biên phòng toàn dân gắn với phong trào toàn dân tham gia quản lý, bảo vệ đường biên giới, cột mốc quốc giới; Xây dựng đường kiểm tra cột mốc, bảo vệ biên giới tỉnh Lạng Sơn; Lũy tre biên giới Việt… Đến nay đã có 24 tập thể là các thôn, bản, Chi hội Cựu chiến binh và 882 hộ gia đình ký nhận quản lý, bảo vệ hơn 223,2km/231,74km đường biên giới và 464/474 cột mốc quốc giới trên địa bàn. Từ tháng 11/2022 đến tháng 10/2023 đã xây dựng được 121 đường nhánh với tổng chiều dài hơn 19,1km từ nguồn vốn xã hội hóa và ngày công của bộ đội, nhân dân… với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng. Trồng được 15.450 gốc tre bát độ dọc tuyến biên giới dài hơn 12,5km tạo vành đai xanh bảo vệ biên giới và tạo sinh kế cho người dân…
Tại các buổi khảo sát, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận làm rõ thêm những kết quả, bài học kinh nghiệm, cách làm hay, đổi mới, sáng tạo trong công tác dân vận của Huyện ủy Chi Lăng và BĐBP tỉnh Lạng Sơn.
Phát biểu kết thúc tại các buổi làm việc, đồng chí Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương đánh giá cao những kết quả đạt trong công tác dân vận của Huyện ủy Chi Lăng và Đảng ủy BĐBP tỉnh Lạng Sơn những năm qua, nhất là sau khi Nghị quyết số 25-NQ/TW được ban hành. Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp tổ chức thực hiện tốt công tác dân vận cấp ủy và hệ thống chính trị các cấp đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, tạo sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhân dân và chiến sỹ trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và địa phương. Qua đó, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong nhân dân để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của chính người dân, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đại hội đảng bộ các cấp cấp đề ra… đúng như các báo cáo, phát biểu, trao đổi của đại biểu tại các buổi làm việc.
|
Đoàn khảo sát của Ban Dân vận Trung ương và lãnh đạo của Ban Dân vận Tỉnh ủy Lạng Sơn, BĐBP tỉnh Lạng Sơn thăm Cột mốc biên giới số 1116 tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) |
Trân trọng ghi nhận, tiếp thu những bài học kinh nghiệm bổ ích, ý kiến, phản ánh, kiến nghị, của các cấp ủy qua chuyến khảo sát, đồng chí Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương mong muốn và đề nghị Huyện ủy Chi Lăng, Đảng ủy BĐBP tỉnh Lạng Sơn tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết số 25 của Ban Chấp hành Trung ương, Kết luận số 43 của Ban Bí thư nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân trong huyện, tỉnh về công tác dân vận. Tiếp tục nhân rộng các mô hình, điển hình Dân vận khéo, bằng những việc làm thiết thực để không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, nhất là ở khu vực biên giới, vùng cao, còn nhiều khó khăn; củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ là người đồng bào dân tộc thiểu số, đổi mới phương thức hoạt động công tác dân vận của Đảng và hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới./.
Phan Thanh