Sign In

Phó Trưởng Ban Nguyễn Đức Hiển làm việc với Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh và doanh nghiệp bất động sản phục vụ xây dựng Đề án trình Ban Bí thư

15:21 13/03/2023
Để định hướng giải quyết các vấn đề và tháo gỡ các khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội, Ban Kinh tế Trung ương được Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng Đề án “Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp”.

Ngày 10/3/2023 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi làm việc giữa Thường trực Tổ Biên tập Đề án và đại diện lãnh đạo các công ty, doanh nghiệp bất động sản, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp. Đồng chí Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Tổ trưởng Tổ Biên tập và ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh đồng chủ trì buổi làm việc, tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo của 13 công ty, doanh nghiệp bất động sản.

Đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Tổ trưởng Tổ Biên tập

phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, đồng chí Phó Trưởng Ban Nguyễn Đức Hiển cảm ơn sự đồng hành và hỗ trợ của Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh và tập đoàn Novaland trong quá trình tổ chức buổi làm việc và nhấn mạnh Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa XIII đã định hướng về phát triển nhà ở dành cho công nhân: “Ưu tiên quỹ đất, vốn và có các chính sách ưu đãi, tạo thuận lợi cho triển khai xây dựng đến năm 2030 được ít nhất 1 triệu nhà ở xã hội cho công nhân và người có thu nhập thấp”; Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã đề cập đến nội dung phát triển nhà ở xã hội: “Rà soát, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi, thủ tục hành chính về nhà ở xã hội; Đổi mới phương thức, mô hình quản lý và phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp; Đưa các chỉ tiêu về phát triển nhà ở, trong đó có chỉ tiêu bắt buộc phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm của cả nước và từng tỉnh, thành phố; các tỉnh, thành phố bảo đảm bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.” Tuy nhiên cho đến nay, việc thể chế hóa thành các luật, chính sách ưu đãi và việc triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và nhà ở cho người có thu nhập thấp còn chậm trễ và có nhiều vướng mắc.

Các đại biểu thảo luận tại buổi làm việc

Đồng chí Nguyễn Đức Hiển cho biết: (1) Hiện nay đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đã ban hành về phát triển nhà ở xã hội, vậy có cần các cơ chế, chính sách bổ sung không? (2) Việc phát triển nhà ở xã hội là rất cần thiết nhưng cũng cần tránh hiện tượng tràn lan, lãng phí nguồn lực; (3) Phát triển nhà ở xã hội cần đặt trong tổng thế Chiến lược phát triển Nhà ở quốc gia và (4) Trong quá trình thực hiện Đề án, Ban Kinh tế Trung ương sẽ có báo cáo chuyên đề về vấn đề phát triển nhà ở xã hội để gửi tới Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp lãnh đạo có thẩm quyền.

Tiếp nối phần phát biểu của đồng chí Phó Trưởng Ban, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Hoàng Châu đề nghị nội dung trao đổi của buổi làm việc xoay quanh các vấn đề chính: (1) Quy hoạch phát triển nhà ở xã hội; (2) Tạo quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội; (3) Vốn, ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội và (4) Tháo gỡ các thủ tục trong quá trình phát triển nhà ở xã hội.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp, công ty bất động sản phát triển NOXH và NOCNTNT đã tích cực tham gia phát biểu ý kiến về các nội dung chính nêu trên. Các ý kiến của đại diện các doanh nghiệp, công ty bất động sản phát triển NOXH và NOCNTNT xoay quanh các nội dung khó khăn và vướng mắc về phát triển NOXH: (1) Quy hoạch và những khó khăn trong việc điều chỉnh quy hoạch để phát triển NOXH; (2) Về nội dung quỹ đất cho phát triển NOXH, các doanh nghiệp cho rằng cần tránh phát triển NOXH ở những vị trí đất vàng; thay vào đó nên đấu giá quỹ đất này để tạo nguồn vốn cho phát triển NOXH ở các khu vực ngoại ô phù hợp; (3) Vấn đề huy động và ưu đãi vốn trong quá trình phát triển NOXH cho các doanh nghiệp, công ty phát triển NOXH; (4) Khó khăn trong việc xác định những người đủ tiêu chuẩn mua NOXH; (5) Khó khăn trong việc thực hiện các ưu đãi đối với doanh nghiệp, công ty bất động sản phát triển NOXH do sự khác biệt về quy định giữa quy định pháp luật về phát triển NOXH và các  văn bản Luật hiện hành trong quá trình áp dụng; (6) Vấn đề các doanh nghiệp, công ty phát triển NOXH bị thanh tra, kiểm toán liên tục khiến DN lo lắng, tốn kém trong quá trình thanh tra, kiểm toán; (7) Hầu hết các doanh nghiệp đều nhận định, các cơ chế, chính sách ưu đãi cho phát triển NOXH đã có nhưng cần phải triển khai thực hiện trên thực tế để chính sách đi vào cuộc sống; (8) Vấn đề cấp sổ hồng cho NOXH và quỹ quản lý và vận hành cho NOXH; (9) Sự cần thiết phát triển nhà ở thương mại có giá phải chăng để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho nhân dân vì không phải người dân nào cũng có đáp ứng đủ các tiêu chí để mua NOXH

Quang cảnh buổi làm việc

Kết thúc buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Nguyễn Đức Hiển cảm ơn tất cả các ý kiến đóng góp có giá trị của các doanh nghiệp, công ty bất động sản phát triển NOXH và cho biết các ý kiến đều được Tổ Biên tập lắng nghe, tiếp nhận. Ban Kinh tế Trung ương sẽ tiếp tục có các buổi làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học và các bộ, ngành để có cái nhìn đa chiều, toàn diện về phát triển NOXH. Trong quá trình hoàn thiện Đề án, Tổ Biên tập mong muốn tiếp tục tham vấn và lắng nghe thêm ý kiến của các công ty, doanh nghiệp bất động sản phát triển NOXH./.

Tin, ảnh: Tiến Dũng

Tag:

File đính kèm