Sign In

Thực trạng đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về huy động nguồn lực tài chính để thực hiện chính sách xã hội ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra

16:20 17/05/2023
Đẩy mạnh tăng trưởng và phát triển kinh tế, đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, đồng thời quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, bảo đảm an ninh, an toàn cho xã hội và con người, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân luôn là mục tiêu, là động lực cho toàn bộ quá trình phát triển của đất nước.

Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, nhận thức của Đảng về chính sách xã hội đã có những thay đổi quan trọng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đặt vấn đề về mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với thực hiện các chính sách xã hội. Đây là sự đổi mới tư duy về giải quyết các vấn đề xã hội, theo đó, chính sách xã hội được đặt ngang hàng với chính sách kinh tế. Đại hội nhấn mạnh tư tưởng quan trọng là: “Cần thể hiện đầy đủ trong thực tế quan điểm của Đảng và Nhà nước về sự thống nhất giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội khắc phục thái độ coi nhẹ chính sách xã hội,…”[1]. Tư tưởng này tiếp tục được phát triển trong các kỳ Đại hội Đảng tiếp theo. Đó là, kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng, tiến bộ xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong việc giải quyết tốt các vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người. Cùng với đổi mới tư duy về chính sách xã hội, tư duy về huy động nguồn lực tài chính để thực hiện chính sách xã hội cũng có những đổi mới quan trọng.

 

Đồng chí Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương


THỰC TRẠNG ĐỔI MỚI TƯ DUY, NÂNG CAO NHẬN THỨC VỀ HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC TÀI CHÍNH ĐỂ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH XÃ HỘI Ở VIỆT NAM

Xuyên suốt các kỳ Đại hội từ sau Đổi mới đến nay, quan điểm của Đảng trong việc huy động nguồn lực để thực hiện chính sách xã hội là Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, đồng thời huy động sự tham gia đầu tư, đóng góp và hỗ trợ của xã hội và huy động sự hỗ trợ của quốc tế.

Đại hội VII nhấn mạnh huy động mọi nguồn lực trong nước để thực hiện chính sách xã hội: “Huy động mọi khả năng của Nhà nước và của nhân dân, trung ương và địa phương để cùng nhau giải quyết các vấn đề của chính sách xã hội”[2].

Đến Đại hội VIII, thuật ngữ “xã hội hóa” lần đầu tiên được sử dụng để chỉ việc huy động các nguồn lực ngoài nhà nước, bao gồm  huy động nguồn lực của các cá nhân, tổ chức nước ngoài tham gia giải quyết các vấn đề xã hội:  “Các vấn đề chính sách xã hội đều phải giải quyết theo tinh thần xã hội hóa. Nhà nước giữ vai trò nòng cốt, đồng thời động viên mỗi người dân, các doanh nghiệp, các tổ chức trong xã hội, các cá nhân và tổ chức nước ngoài cùng tham gia giải quyết những vấn đề xã hội”[3].

Chủ trương xã hội hóa tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện để phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội IX tiếp tục khẳng định chủ trương xã hội hóa các nguồn lực thực hiện chính sách xã hội, đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm và coi đây là nhiệm vụ của các cấp chính quyền: "Các chính sách xã hội được tiến hành theo tinh thần xã hội hoá, đề cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, huy động các nguồn lực trong nhân dân và sự tham gia của các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội"[4].

Đại hội X nhấn mạnh việc đầu tư ngân sách nhà nước có trọng tâm, trọng điểm, cùng với việc tiếp tục huy động sự tham gia của toàn xã hội vào thực hiện các chính sách xã hội: " Nhà nước tiếp tục tăng nguồn lực, đầu tư tập trung cho các chương trình mục tiêu quốc gia...; đồng thời, phát huy tiềm năng trí tuệ và các nguồn lực vật chất trong nhân dân, của toàn xã hội để cùng Nhà nước giải quyết các vấn đề xã hội và chăm lo phát triển các dịch vụ công cộng"[5].

Tại Đại hội XI, trước tình hình thực hiện chính sách xã hội hóa chưa được đẩy mạnh, chưa huy động được nhiều nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước cho phát triển giáo dục, đào tạo, giải quyết các vấn đề xã hội…, Đảng tiếp tục chủ trương: “Đa dạng hoá các nguồn lực và phương thức xoá đói, giảm nghèo gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề và giải quyết việc làm để xoá đói, giảm nghèo bền vững…; Huy động mọi nguồn lực xã hội cùng với Nhà nước chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của những người và gia đình có công"[6].

Tiếp tục quan điểm tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, xã hội, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 định hướng: “Tăng đầu tư của Nhà nước, đồng thời đẩy mạnh huy động các nguồn lực của xã hội để phát triển văn hoá, xã hội”; “… đa dạng hóa các nguồn lực và phương thức để bảo đảm giảm nghèo bền vững, nhất là tại các huyện nghèo nhất và các vùng đặc biệt khó khăn”[7].

Tại kỳ Đại hội này, tư duy về chính sách xã hội có một bước tiến mới khi lần đầu tiên, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020. Nghị quyết tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của Nhà nước và nhấn mạnh việc huy động nguồn lực trong và ngoài nước để thực hiện các chính sách xã hội: “Nhà nước bảo đảm thực hiện chính sách ưu đãi người có công và giữ vai trò chủ đạo trong việc tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia”[8]; “Tăng cường hợp tác quốc tế để có thêm nguồn lực, kinh nghiệm trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách an sinh xã hội”[9].

Cũng trong kỳ Đại hội này, việc huy động nguồn lực tài chính để thực hiện chính sách xã hội được đặc biệt quan tâm, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách. Chỉ thị yêu cầu tập trung, ưu tiên nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương, sự đóng góp của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và các cá nhân để bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay thực hiện các chính sách xã hội.

Tại Đại hội XII, trước thực trạng xã hội hóa còn chậm và chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh để huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, Đảng tiếp tục nhấn mạnh chủ trương: “Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, xã hội”[10].

Đại hội XIII của Đảng tiếp tục kế thừa và phát triển các quan điểm về huy động nguồn lực tài chính, trong đó nhấn mạnh tới tính phù hợp với nhu cầu, lợi ích của người dân: “Đổi mới cơ chế, huy động và đa dạng hóa các nguồn lực thực hiện chính sách xã hội phù hợp với nhu cầu, lợi ích của các tầng lớp dân cư, nhóm xã hội, bảo đảm bình đẳng về cơ hội phát triển, nhất là với lao động khu vực phi chính thức”[11].

Ngoài ra, Đảng đã ban hành một số nghị quyết, chỉ thị chuyên đề, trong đó đề ra  chủ trương xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cho các dịch vụ công và thực hiện các hoạt động trên lĩnh vực giáo dục, y tế, trợ giúp xã hội, giảm nghèo…: Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ bảy khóa IX về công tác dân tộc; Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tám khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ sáu khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ năm khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 23/6/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030…

 

Đoàn Thanh niên cơ quan Ban Kinh tế Trung ương và Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Đoàn thanh niên Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và Tổng Công ty Lương thực miền Nam trao tặng nhà Nhân ái cho hộ nghèo huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La

II- NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG THỜI GIAN TỚI

Thứ nhất, cần tăng cường nâng cao nhận thức về tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội khắc phục tình trạng một số nơi công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện chưa đồng bộ và chưa nhất quán. Quá trình đổi mới tư duy về thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội còn chậm so với đổi mới tư duy về kinh tế. Nhiều nơi, do sức ép tăng trưởng kinh tế nên đã coi nhẹ thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội[12]. Nhận thức về huy động nguồn tài chính cho thực hiện chính sách xã hội còn chưa toàn diện, thống nhất, vẫn có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện các chính sách xã hội. Vẫn còn có quan điểm cho rằng giải quyết các vấn đề xã hội không đem lại lợi nhuận, mà còn làm tăng gánh nặng tài chính cho ngân sách.

Thứ hai, những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, xung đột quân sự trên thế giới, những cú sốc kinh tế, xu thế đô thị hóa, già hóa dân số, chênh lệch về thu nhập và mức sống, phân tầng xã hội, phân hóa giàu nghèo, tình trạng di cư lao động, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các nguy cơ bất ổn phi truyền thống… đang đặt ra những vấn đề xã hội mới cần giải quyết, tạo ra những nhu cầu về chính sách xã hội mới đối với người dân. Điều này đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn hơn để giải quyết các vấn đề chính sách xã hội mới nổi lên.

Thứ ba, bước tiến trong đổi mới tư duy, nhận thức về huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách xã hội là phải có sự gắn kết, phối hợp giữa nhà nước và xã hội. Tuy nhiên, việc thực hiện chưa thực sự hiệu quả, nguồn lực thực thi chính sách còn hạn chế và thiếu chủ động, cơ chế, chính sách khuyến khích khu vực ngoài nhà nước tham gia thực hiện các chính sách xã hội và cung cấp dịch vụ công chưa đủ mạnh... Thực tế giải quyết các vấn đề xã hội như chính sách giảm nghèo, chính sách ưu đãi người có công, bảo trợ xã hội... phụ thuộc rất lớn vào nguồn ngân sách nhà nước. Tổng chi từ Ngân sách Trung ương cho các chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2012 - 2020 đạt 8,2% tổng chi ngân sách, chiếm  2,7% GDP; năm 2021 tăng lên 22,7% tổng chi ngân sách, tương ứng khoảng 6,7% GDP[13], trong khi mức trung bình của thế giới là khoảng 13%[14]. Đối với nguồn tài chính huy động từ xã hội, mặc dù đã có sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhưng nguồn lực này không ổn định mà phụ thuộc vào mức đóng góp, ủng hộ của mỗi tổ chức, cá nhân. Thực trạng trên đặt ra vấn đề phải tiếp tục đổi mới cơ chế huy động nguồn lực tài chính để thực hiện chính sách xã hội.

Tại Đại hội XIII, Đảng xác định nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ là: “Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân”[15]; “Nhận thức đầy đủ và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong các chính sách xã hội. Tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người”[16]. Do vậy, để huy động có hiệu quả nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách xã hội, trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh phổ biến, quán triệt, tuyên truyền các chủ chương của Đảng về mối quan hệ biện chứng giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Từ đó, tạo sự thống nhất trong nhận thức của các cấp ủy đảng chính quyền và toàn xã hội về huy động các nguồn lực nói chung và nguồn lực tài chính nói riêng để thực hiện các chính sách xã hội. Việc đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách xã hội phải theo đúng quan điểm gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong các cấp chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Kinh tế phát triển tạo cơ sở vật chất thực hiện các chính sách xã hội. Ngược lại, xã hội ổn định sẽ tạo môi trường và ổn định để phát triển kinh tế.  

Thứ hai, làm tốt công tác dự báo chiến lược. Theo đó, cần chủ động nghiên cứu, nắm bắt, dự báo được những vấn đề chính sách xã hội sẽ nảy sinh và dự kiến nguồn lực để giải quyết các vấn đề xã hội và thực hiện các chính sách xã hội. Việc xác định vấn đề chính sách xã hội, nguồn lực tài chính để thực hiện chính sách xã hội phải dựa trên cơ sở khoa học, xuất phát từ yêu cầu thực tế xã hội của các đối tượng bị chính sách chi phối và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ và phù hợp với điều kiện ngân sách.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới cơ chế huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách xã hội theo hướng: (1) Cân đối, ưu tiên bố trí nguồn lực tài chính thực hiện chính sách xã hội trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trung và dài hạn của đất nước, của các cấp, các ngành, đồng thời rà soát, lồng ghép nguồn lực tài chính của các chính sách xã hội tránh trùng lặp, chồng chéo và lãng phí trong sử dụng nguồn lực. (2) Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, bảo đảm nguồn tài chính, bố trí đủ nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện các chính sách xã hội đảm bảo nhu cầu cơ bản, thiết yếu của người dân như chính sách ưu đãi người có công, chính sách giảm nghèo, trợ giúp xã hội... (3) Đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa nguồn lực đầu tư thực hiện chính sách xã hội, đặc biệt trong một số lĩnh vực như y tế, giáo dục... thông qua các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư nhằm thu hút tối đa sự tham gia đóng góp của doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội. (4) Tăng cường hợp tác quốc tế, chủ động tham gia các tổ chức, chương trình quốc tế để tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ về tài chính

Thực hiện tốt các chính sách xã hội, nhất là đối với con người, đồng thời xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh, nâng cao chất lượng đời sống cả về vật chất và tinh thần cho nhân dân, vừa là sự khảng định tính ưu việt của chế độ ta, vừa là để khơi dậy và phát huy truyền thống phát triển nhân văn của dân tộc, khơi dậy khát vọng xây dựng và phát  triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng và hạnh phúc. Đất nước trường tồn và phát triển là điều kiện, tiền đề thực hiện tốt nhất các chính sách xã hội cho con người, vì con người./.

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 420

[2] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 51, Nxb. Chính trị quốc gia, năm 2007, tr. 49

[3] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, năm 1996, tr.114

[4] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, năm 2001, tr.108

[5] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, năm 2006, tr.104

[6] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, năm 2011, tr. 229

[7] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, năm 2011, tr. 124-125

[8] Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, năm 2012, tr. 108

[9] Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, năm 2012, tr. 108

[10] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, năm 2016, tr. 304

[11] Văn kiện Đại hội Đảng XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, năm 2021, tr. 148

[12] GS.TS. Nguyễn Phú Trọng, Về các mối quan hệ lớn cần được giải quyết tốt trong quá trình đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, Nxb. Chính trị Quốc gia, HN, 2001, tr. 178

[13] Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Dự thảo Báo cáo đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 15 Trung ương 5 khóa XI, tháng 8/2022

[14] Báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Hội thảo vùng phía Bắc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI “Về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020”, Hà Nội, ngày 16/9/2022

[15] Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, năm 2021, tr. 47

[16] Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, năm 2021, tr. 147-148

 

Đồng chí Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương

 

 

 

Tag:

File đính kèm