Sign In

Đồng chí Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng đoàn Giám sát làm việc tại tỉnh Ninh Bình và Hải Dương về huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội theo Chỉ thị số 40-CT/TW.

18:21 01/07/2023
Trong 02 ngày 27 và 29/6/2023, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội tiến hành giám sát tại Tỉnh ủy Ninh Bình và Hải Dương về việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách theo Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về tín dụng chính sách xã hội và Kết luận số 06-KL/TW, ngày 10/6/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị. Đồng chí Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm Trưởng Đoàn công tác.

Ngày 27/6/2023, tại tỉnh Ninh Bình, tiếp và làm việc với đoàn giám sát có các đồng chí: Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh; Ban Dân vận Tỉnh ủy; UBMTTQ tỉnh; các tổ chức chính trị - xã hội; Sở Tài chính; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ban Dân tộc; Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Ninh Bình; Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh; Văn phòng Tỉnh ủy; Văn phòng UBND.

Đồng chí Đỗ Ngọc An phát biểu trong buổi làm việc tại tỉnh Ninh Bình

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Thông tri và Công văn chỉ đạo thực hiện. Trên cơ sở đó, UBND và các cơ quan liên quan đã ban hành hệ thống văn bản, đề án đặc thù triển khai thực hiện. Tính đến 31/12/2022, tổng nguồn vốn ngân sách địa phương (NSĐP) ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh (NHCSXH) đạt 227 tỷ đồng, tăng 214,7 tỷ đồng, gấp 18,5 lần so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW. Đặc biệt trong 2 năm 2021, 2022 UBND tỉnh đã phát động phong trào “Gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo”, từ đó huy động được hơn 3.000 tổ chức, cá nhân gửi tiền tiết kiệm tại NHCSXH, với số tiền 300 tỷ đồng.  Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 4.392,9 tỷ đồng, tăng 2.220,7 tỷ đồng so với năm 2014. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,19%/tổng dư nợ.

Nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đã giúp trên 85.000 hộ thoát nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 200.000 lao động; trên 170.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng, cải tạo nhiêu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn…

Việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW tại Ninh  Bình còn một số khó khăn, hạn chế như: nguồn lực thực hiện chương trình cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu; một số chương trình tín dụng có thời hạn cho vay, mức cho vay, đối tượng thụ hưởng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế để phát huy hiệu quả vốn tín dụng.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An đánh giá cao kết quả thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW tại tỉnh Ninh Bình. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo được tăng cường, kịp thời, thường xuyên và đạt hiệu quả. Có nhiều sáng tạo trong huy động vốn. Công tác quản lý nguồn vốn chặt chẽ, cho vay kịp thời, đúng đối tượng, góp phần xây dựng niềm tin của đoàn viên, hội viên, Nhân dân với Đảng và chính quyền. Sự phối hợp của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội với NHCSXH thường xuyên, nhịp nhàng, thực chất, hiệu quả với tinh thần trách nhiệm cao. Việc sử dụng nguồn vốn hiệu quả, thực chất, góp phần giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội. Đồng chí đề nghị Đoàn giám sát ghi nhận, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của tỉnh Ninh Bình để chuyển đến các cơ quan có liên quan.

Trước đó, sáng cùng ngày, Đoàn Giám sát có buổi làm việc với Đảng ủy, UBND xã Yên Đồng, huyện Yên Mô; trao đổi với đại diện các tổ tiết kiệm và vay vốn. Đoàn đã đến thăm, lắng nghe chia sẻ, đề xuất và kiến nghị của 02 hộ vay vốn và sử dụng vốn hiệu quả là hộ ông Phạm Đăng Tập, xóm Yên Lạc và hộ bà Phạm Thị Liễu, xóm Hàn Trên.

Ngày 29/6/2023, tại Tỉnh Hải Dương, tiếp và làm việc với đoàn giám sát có các đồng chí: Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Trần Văn Quân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Hải Dương; Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh; Sở Tài chính; Sở Kế hoạch và Đầu tư; các tổ chức - chính trị xã hội; Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND.

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị chỉ đạo thực hiện. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành kế hoạch và chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền cấp huyện trích một phần NSĐP và vận động doanh nghiệp chuyển vốn sang NHCSXH để cho vay. Tính đến 31/12/2022, tổng nguồn vốn NSĐP ủy thác qua chi nhánh NHCSXH tỉnh gần 128 tỷ đồng, tăng gấp 4,7 lần so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW; huy động được hơn 897 tỷ đồng của các tổ chức, cá nhân và tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ TK&VV. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 4.102 tỷ đồng, tăng 74,9% so với năm 2014. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,092%/tổng dư nợ.

Buổi làm việc với Tỉnh Hải Dương

Nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đã giúp 45.740 hộ thoát nghèo; thu hút, tạo việc làm cho 16.227 lao động; 617 lao động được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; 19.497 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây mới và cải tạo 297.694 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn…

Việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW tại Ninh Bình còn một số khó khăn, hạn chế như: nguồn vốn NSĐP ủy thác qua NHCSXH còn thấp, chỉ chiếm 3%/tổng nguồn vốn, chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn; việc phối hợp, lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách với các chương trình, dự án của các tổ chức chính trị - xã hội chưa thực sự đồng bộ, ảnh hưởng đến việc phát huy hiệu quả vốn vay của một số khách hàng; một số trường hợp vay vốn gặp khó khăn do sản xuất, kinh doanh thua lỗ, bỏ đi làm ăn xa… nên gặp khó khăn trong công tác đôn đốc, thu hồi nợ, tiềm ẩn phát sinh nợ quá hạn…

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An đánh giá cao kết quả thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW tại tỉnh Hải Dương. Tỉnh ủy đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Công tác huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn đạt hiệu quả. Nhiều chính sách phát huy tác dụng như cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vốn học tập, cho vay hộ nghèo… Nhiều mô hình vay vốn thành công cần được nhân rộng. Công tác quản lý nguồn vốn chặt chẽ, cho vay kịp thời, đúng đối tượng, góp phần xây dựng niềm tin của đoàn viên, hội viên, Nhân dân với Đảng và chính quyền. Sự phối hợp của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội với NHCSXH thường xuyên, chặt chẽ và hiệu quả… Đồng chí đề nghị trong thời gian tới, Tỉnh tiếp tục quan tâm ưu tiên, bố trí nguồn vốn NSĐP, trong đó quan tâm tập trung các quỹ hiện có sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Đoàn giám sát ghi nhận và tiếp thu đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của tỉnh Hải Dương để chuyển đến các cơ quan Trung ương xem xét, sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho địa phương trong thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW.

Trước đó, sáng cùng ngày, Đoàn Giám sát có buổi làm việc với Đảng ủy, UBND xã Phú Điền, huyện Nam Sách; trao đổi với đại diện các tổ TK&VV và đại diện một số hộ vay vốn trên địa bàn.   

Tin, ảnh: Thu Huyền, Vụ Xã hội

Tag:

File đính kèm