Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Việt Nam đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và được Đảng Cộng sản Việt Nam xác định là một trong ba đột phá chiến lược tại các kỳ Đại hội Đảng lần thứ XI, XII, XIII. Riêng trong lĩnh vực hạ tầng, đã có các chủ trương của Đảng như Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 16/01/2012, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đề ra mục tiêu cụ thể về kết cấu hạ tầng.
Đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo
Trong lĩnh vực giao thông, Chính phủ đã ban hành 05 quy hoạch về hạ tầng giai đoạn 2010-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (bao gồm: Quy hoạch cảng hàng không, Quy hoạch cảng biển; Quy hoạch đường bộ; Quy hoạch đường sắt; Quy hoạch đường thủy nội địa) với nhu cầu vốn đầu tư rất lớn. Ví dụ, nhu cầu cho phát triển giao thông đường bộ là khoảng 900.000 tỷ đồng, phát triển giao thông đường sắt là khoảng 240.000 tỷ đồng, phát triển cảng hàng không là 420.000 tỷ đồng; nhu cầu vốn cho phát triển tổng thể quy hoạch kết cấu hạ tầng quốc gia đến năm 2040 dự kiến là khoảng 570 tỷ USD.
Nghiên cứu của các tổ chức quốc tế cũng cho thấy Việt Nam cần một lượng vốn đầu tư rất lớn cho kết cấu hạ tầng. Đơn cử, Báo cáo Viễn cảnh cơ sở hạ tầng toàn cầu cho thấy Việt Nam sẽ cần khoảng 600 tỷ USD để đạt được các mục tiêu về kết cấu hạ tầng vào năm 2040. Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam ước tính đến năm 2030, nhu cầu đầu tư cho kết cấu hạ tầng của Việt Nam mỗi năm từ 25-30 tỷ USD.
Trong khi đó, khả năng bố trí nguồn vốn tư ngân sách trung ương trong những năm gần đây cho kết cấu hạ tầng chỉ đạt mức cao nhất là 66% nhu cầu vốn thực tế. Từ thực trạng và nhu cầu vốn cho thấy Việt Nam cần một sự đột phá về cơ chế chính sách để xã hội hoá nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng, triển khai các mô hình mới (Ví dụ: mô hình đối tác công tư - PPP, mô hình “đầu tư công, quản trị tư”, mô hình “đầu tư tư, sử dụng công” đã bước đầu triển khai tương đối thành công ở một số địa phương) nhằm cho huy động các nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển kết cấu hạ tầng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết 13/NQ-TW ngày 16/01/2012, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022.
Về khả năng việc bố trí các nguồn vốn cho phát triển kết cấu hạ tầng của Việt Nam, Đồng chí Nguyễn Đức Hiển cũng cho biết: theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 29/2021/QH15, kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách trung ương cho tất cả các ngành, lĩnh vực là 910.356 tỷ đồng; tổng dư nợ do 22 tổ chức tín dụng thực hiện cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông tính đến ngày 30/9/2023 là 92.319 tỷ đồng; nguồn vốn vay ODA hoặc các tổ chức tài chính phát triển song phương, đa phương sẽ đi kèm với các điều kiện ràng buộc khắt khe; đối với thị trường vốn, tổng giá trị danh nghĩa của trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành/GDP là khoảng 13% (năm 2022), ở mức thấp so với các quốc gia cùng khu vực (Thái Lan, Singapore và Malaysia lần lượt là 30%, 54% và 55%), một số địa phương đã phát hành trái phiếu nhưng tỷ trọng thấp.
Quang cảnh hội thảo
Như vậy, để huy động vốn cho phát triển kết cấu hạ tầng, Việt Nam cần có đột phá về cơ chế, chính sách, các mô hình nhằm huy động các nguồn lực trong dân cư, trong nền kinh tế. Thực tế cho thấy, mặc dù mặt bằng lãi suất thấp nhưng hiện vẫn có 13,5 triệu tỷ đồng tiền gửi của cư dân và các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng; nhiều chuyên gia kinh tế ước tính lượng vàng đang được dân cư nắm giữ có thể lên tới 500 tấn; một số quỹ có kết dư rất lớn (Quỹ Bảo hiểm xã hội kết dư trên 1 triệu tỷ đồng) các định chế như quỹ bảo hiểm nhân thọ cũng có một lượng vốn nhất định nhưng do vướng mắc về các quy định để khai thác nguồn lực này; một số mô hình như quỹ phát triển địa phương đang bị vướng ở một số cơ chế, chính sách nhất định. Trên cơ sở đó, Ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao sáng kiến do Tập đoàn Phát triển hạ tầng tư nhân (PIDG) và các đại sứ quán đưa ra.
Đồng chí Nguyễn Đức Hiển cho rằng việc tổ chức hội thảo là dịp để các chuyên gia trong nước và quốc tế, các quỹ đầu tư và địa phương cùng đóng góp ý tưởng, trao đổi kinh nghiệm quốc tế và thảo luận về các cơ chế, chính sách nhằm huy động có hiệu quả để đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển kết cấu hạ tầng Việt Nam cũng. Hội thảo cũng đánh giá về tính khả thi, cách thức hoạt động, vai trò và triển vọng của sáng kiến “Cơ chế tăng cường tín dụng cho Việt Nam” (VCEF) do PIDG đề xuất trong việc tăng cường tín dụng nhằm hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng của Việt Nam. Trên cơ sở đó Ban Kinh tế Trung ương sẽ chắt lọc, tổng hợp những gợi ý, đề xuất phù hợp; phối hợp với ban bộ ngành trung ương và địa phương có các kiến nghị tham mưu, đề xuất về các chính sách huy động nguồn vốn đủ cho xây dựng kết cấu hạ tầng, góp phần phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam./.
Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế