Sign In

Hội nghị cấp cao “Dịch vụ tài chính và điện toán đám mây” trong khuôn khổ Diễn đàn Công nghiệp 4.0 năm 2023

11:39 31/05/2023
Ngày 31/5/2023, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Công ty Amazon Web Services (AWS) và Tập đoàn IEC tổ chức Hội nghị cấp cao “Dịch vụ tài chính và điện toán đám mây” trong khuôn khổ Diễn đàn Công nghiệp 4.0 năm 2023. Hội nghị do đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chủ trì; tham dự và đồng chủ trì có đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, TS. Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính và ông Eric Yeo, Tổng Giám đốc AWS Việt Nam. Hội nghị có sự tham gia của trên 100 đại biểu thuộc các bộ, ban, ngành, cơ quan quản lý ở Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học; các tổ chức, các doanh nghiệp công nghệ trong nước và quốc tế.

TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Hiển đã nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển công nghệ điện toán đám mây tại Việt Nam trong thời kỳ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 theo tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng chí Phó Trưởng Ban nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay là thực hiện chuyển đổi số nhanh và đồng bộ hóa với phát triển các hạ tầng thiết yếu, hạ tầng số, đặc biệt là phát triển công nghệ điện toán đám mây gắn với dịch vụ số. Đối với lĩnh vực tài chính ngân hàng, thời gian qua cũng đã chủ động xây dựng nhiều văn bản chính sách tạo cơ chế để thúc đẩy ứng dụng các công nghệ số, công nghệ điện toán đám mây, trong đó đã hình thành điện toán đám mây dùng chung. Trong bài phát biểu, đồng chí Nguyễn Đức Hiển mong muốn các chuyên gia quốc tế và trong nước, những nhà lãnh đạo, quản lý các tổ chức, doanh nghiệp tài chính ở Việt Nam tập trung thảo luận, đề xuất những cơ chế chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm thúc đẩy phát triển lĩnh vực hạ tầng điện toán đám mây tại Việt Nam; dịch vụ điện toán đám mây; xử lý rủi ro, bảo mật,… Các ý kiến tại Hội nghị sẽ được Ban Kinh tế Trung ương ghi nhận và phục vụ trực tiếp cho xây dựng báo cáo đánh giá tình hình 04 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW.

TS. Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính phát biểu đề dẫn

Phát biểu tại Hội nghị, ông Eric Yeo, Tổng Giám đốc AWS Việt Nam đã đề cập đến sự phát triển của nền kinh tế số Việt Nam, có vị trí cao và nhiều triển vọng phát triển so với các quốc gia trong khu vực ASEAN, đặc biệt phát triển mạnh trong dịch vụ tài chính. Tổng Giám đốc AWS Việt Nam đánh giá cao chủ trương về chuyển đổi số của Việt Nam trong ngành tài chính, ngân hàng sẽ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, các định chế tài chính sử dụng điện toán đám mây để đổi mới sáng tạo, rút ngắn thời gian tiếp cận thị trường quốc tế một cách ổn định và an toàn để phục vụ tốt hơn cho các khách hàng sẵn có và cho tương lai.

Ông Eric Yeo, Tổng Giám đốc AWS Việt Nam phát biểu tại hội nghị

Đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính phát biểu nhấn mạnh những chủ trương về chuyển đổi số đã được triển khai tích cực ở Trung ương và địa phương, đem lại chuyển biến đáng kể cho công tác quản lý nhà nước, cải cách hành chính, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số ở tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế - xã hội của Việt Nam. Ngành tài chính cũng là một trong những ngành tiên phong trong chuyển đổi số, thúc đẩy kinh tế số. Đến nay các đơn vị ngành tài chính đã chủ động triển khai chuyển đổi số, trong đó có các ngành hải quan, kho bạc, thuế… có nhiều tiến bộ vượt bậc, chuyển từ giao tiếp trực tiếp sang quản lý hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin, đem lại lợi ích lớn đối với ngành tài chính ngân hàng, tuy nhiên cũng phát sinh các vấn đề cần giải quyết bằng cơ chế, chính sách.

Các diễn giả thảo luận bàn tròn

Tại Hội nghị, các diễn giả trình bày các vấn đề xem xét sự phát triển hiện tại và tương lai của điện toán đám nây cũng như quá trình chuyển đổi số mà điện toán đám mây đang thúc đẩy trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, đặc biệt là ở khu vực châu Á - Thái Bính Dương; trao đổi về các khuyến nghị so sánh các khu vực pháp lý và nhằm mục đích tập trung vào các quan điểm pháp lý cho phép các định chế tài chính áp dụng các giải pháp điện toán đám mây trong khi vẫn đảm bảo giải quyết thỏa đáng các rủi ro, kể cả ở cấp độ hệ thống.

Phiên buổi sáng, hội nghị đã thảo luận bàn tròn với chủ đề “Một số thực tiễn tốt nhất về mặt chính sách và góc nhìn từ Châu Á - Thái Bình Dương”, trong đó diễn giả đại diện cơ quan quản lý ở Châu Á - Thái Bình Dương đã chia sẻ khung chính sách và quy định để thúc đẩy lợi ích của việc ứng dụng điện toán đám mây trong các dịch vụ tài chính và đồng thời quản lý rủi ro. Bên cạnh đó tại hội nghị diễn ra phiên thảo luận về chủ đề “Lãnh đạo công nghệ trong kỷ nguyên điện toán đám mây”. Các đại biểu là chuyên gia công nghệ thông tin trong ngành ngân hàng trong nước và quốc tế đã chia sẻ về cách dịch chuyển nhanh mà vẫn bảo mật với điện toán đám mây. Phiên buổi chiều, hội nghị tiếp tục thảo luận về các chủ đề “Dịch vụ tài chính trên đám mây - hiện thực hóa toàn bộ tiềm năng được chia sẻ tại Việt Nam”; thuyết trình “Bảo mật và khả năng chống chịu cho dịch vụ tài chính trong kỷ nguyên điện toán đám may”; thảo luận nhóm và đối thoại về xây dựng hướng đi tương lai cho chính sách.

Quang cảnh Hội nghị

Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cảm ơn các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp đã tham dự và phát biểu, chia sẻ, đóng góp trong triển khai chủ trương tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhanh và mạnh mẽ hơn, đạt được các mục tiêu đã đề ra. Các ý kiến tại hội nghị đã thống nhất, phát triển điện toán đám mây là yêu cầu tất yếu để Việt Nam có thể thúc đẩy và thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số quốc gia và đây là vấn đề cốt lõi, cần ưu tiên tập trung thực hiện trong quá trình xây dựng các hạ tầng cho chuyển đổi số. Cần có các chính sách cụ thể, đột phá phát triển điện toán đám mây trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cũng như các lĩnh vực chung trong nền kinh tế. Đồng chí cũng mong muốn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến góp ý của các tổ chức cung cấp điện toán đám mây cũng như tổ chức sử dụng dịch vụ này để kiến nghị hoàn thiện các cơ chế chính sách cho phát triển điện toán đám mây đối với lĩnh vực tài chính ngân hàng nói riêng và tổng thể nền kinh tế nói chung.

Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế

Tag:

File đính kèm