Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên; đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Dự họp có các đồng chí trong đoàn công tác là thành viên tổ biên tập các đề án đến từ một số ban, bộ, ngành liên quan; cùng đại diện các sở, ban, ngành của Tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại buổi làm việc
Mở đầu cuộc họp, đồng chí Nguyễn Đức Hiển cho biết, Ban Kinh tế Trung ương đang chủ trì sơ kết một số nghị quyết của Đảng, trong đó có Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” và Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về “Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Để có thêm luận cứ và hoàn thiện các báo cáo Đề án Sơ kết Nghị quyết số 52 và 23 trình Bộ Chính trị, Ban Kinh tế Trung ương và đoàn công tác tổ chức buổi làm việc với một số cơ quan, đơn vị, địa phương, trong đó có tỉnh Thái Nguyên để làm rõ hơn thực tiễn triển khai thực hiện các nghị quyết nêu trên và hiện nay Ban Kinh tế Trung ương đã nhận được báo cáo của tỉnh.
Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại buổi làm việc
Nhấn mạnh Thái Nguyên là địa phương đạt được nhiều kết quả tốt về chuyển đổi số và trong tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đồng chí Nguyễn Đức Hiển đề nghị tỉnh Thái Nguyên báo cáo thêm một số nội dung trọng tâm từ thực tiễn địa phương như: cách làm hay, mô hình điển hình của Thái Nguyên trong triển khai các nghị quyết 52 và 23; đánh giá của địa phương về quá trình hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật theo hai nghị quyết trên; về tạo lập môi trường kinh doanh, xác định một số ngành công nghiệp ưu tiên; phát triển nguồn nhân lực, phát triển khoa học công nghệ, bảo vệ tài nguyên, môi trường… Bên cạnh đó đoàn công tác mong muốn các đại biểu chia sẻ ý kiến về những khó khăn về cơ chế chính sách trong quá trình thực hiện các nghị quyết; thể chế, chính sách về chuyển đổi số; đầu tư phát triển hạ tầng; nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo…
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên báo cáo đoàn công tác
Tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên cho biết, tỉnh đã nhận thức rằng nghị quyết 52-NQ/TW và 23-NQ/TW là các nghị quyết rất quan trọng, do đó tỉnh đã quán triệt tinh thần triển khai nghiêm túc, cụ thể hóa các chỉ đạo của Trung ương từ khâu quán triệt đến xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện đều nghiêm túc, bài bản, tạo sự lan tỏa đến toàn hệ thống chính trị và người dân. Thái Nguyên đã tích cực tố chức thực hiện các nghị quyết, học hỏi kinh nghiệm, rà soát kỹ lưỡng các chỉ đạo của trung ương. Tỉnh quyết tâm chuyển đổi số; đầu tư nguồn lực phù hợp nhất phát triển hạ tầng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Thái Nguyên cũng đã chú trọng định hướng quy hoạch để phát triển kinh tế công nghiệp, thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực. Qua đó Thái Nguyên đã đạt được kết quả tích cực trọng phát triển kinh tế - xã hội, được Trung ương đánh giá cao.
Đồng chí Lê Thủy Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham gia ý kiến
Báo cáo đoàn công tác về kết quả thực hiện các nghị quyết 52 và 23 của tỉnh Thái Nguyên, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: trong những năm qua, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh với nhiều kết quả nổi bật. Về thực hiện Nghị quyết 23, đến nay cơ bản các chỉ tiêu cụ thể đạt kế hoạch đề ra như: Tỷ trọng công nghiệp GRDP đến năm 2023 chiếm 58,4%; Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đến năm 2023 chiếm 55,2%; Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2018-2023 đạt bình quân 8,32%/năm; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 8,35%/năm; Tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp đạt bình quân trên 4,5%/năm; Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đạt trên 83%.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương tham gia ý kiến
Quá trình triển khai thực hiện các Chính sách phát triển công nghiệp, tỉnh Thái Nguyên đã thu được nhiều thành tựu quan trọng, ngành công nghiệp và xây dựng tăng trưởng nhanh, đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng kinh tế và chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng sản phẩm trên địa bàn của tỉnh. Cơ cấu kinh tế của tỉnh năm 2023 tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; giảm tỷ trọng nông, lâm, thủy sản. Cơ cấu khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 58,3%; trong đó, riêng công nghiệp chiếm trên 52% GRDP của tỉnh.
Đồng chí Trần Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ tham gia ý kiến
Về khu, cụm công nghiệp: tính đến nay, toàn tỉnh có 4 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động; có 41 cụm công nghiệp được quy hoạch với 11 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, tổng diện tích 277 ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân các cụm công nghiệp đi vào hoạt động đạt 59%; có 60 dự án đầu tư trong các cụm công nghiệp, với tổng số vốn đăng ký là 8.503 tỷ đồng, tổng số lao động làm việc trong các cụm công nghiệp là 10.700 người. Về phát triển công nghiệp trong giai đoạn 2018-2023, năm 2023 giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnhđạt 954.964 tỷ đồng, gấp 1,4 lần so với năm 2018; tính chung giai đoạn 2018-2023, Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) tăng trưởng bình quân giai đoạn 2018 - 2023 tăng 8,3%/năm. Trong 5 năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo quyết liệt việc tổ chức triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Về phát triển doanh nghiệp công nghiệp, tổng số doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh tính tại thời điểm 01/01/2023 là 1.200 doanh nghiệp, gấp 1,6 lần so với năm 2018, bình quân giai đoạn 2018-2023, tăng 10,3%/năm.
Đồng chí Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế tham gia ý kiến
Về kết quả thực hiện Nghị quyết 52: Kết quả xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2023 với điểm số 47,75 đứng thứ 10 cả nước và đứng đầu các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc. Về hạ tầng số: tính đến nay, các sở, ban, ngành, đơn vị và 9/9 địa phương trực thuộc tỉnh đã thành Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình chuyển đổi số; Tỷ lệ thôn, bản được phủ sóng di động băng rộng 3G/4G đạt 99,5%; tỷ lệ thôn, bản được phủ băng rộng cố định cáp quang đạt 100%; mạng số liệu chuyên dùng kết nối 4 cấp hành chính tiếp tục được phát triển.
Đồng chí Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông tham gia ý kiến
Về Kinh tế số: 100% doanh nghiệp của tỉnh đã thực hiện khai thuế điện tử; 98% số doanh nghiệp đăng ký tài khoản nộp thuế điện tử; tỷ lệ hoàn thuế giá trị gia tăng qua hình thức điện tử đạt 100%. Toàn tỉnh có hơn 2.700 sản phẩm cập nhật trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP của tỉnh Thái Nguyên năm 2023 là 31,4%, đứng thứ 3/61 tỉnh, thành phố cả nước. Toàn tỉnh có 324 doanh nghiệp công nghệ số. Về phát triển đô thị thông minh: tiếp tục triển khai thí điểm Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) thành phố Phổ Yên và thành phố Sông Công được tổ chức triển khai với 11 hạng mục. Ứng dụng công dân số “C-ThaiNguyen” phát huy hiệu quả kết nối giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp.
Đại diện Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên tham gia ý kiến
Tại buổi làm việc, Đại diện các sở, ngành của tỉnh Thái Nguyên đã báo cáo Đoàn công tác về tình hình thực hiện các nghị quyết 52 và 23; trình bày một số kết quả đạt được trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện; công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt; công tác thể chế hóa các nghị quyết; kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện các nghị quyết; trình bày hạn chế và nguyên nhân, đồng thời nêu một số đề xuất, kiến nghị của Thái Nguyên đối với từng nghị quyết.
Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên tham gia ý kiến
Các thành viên Tổ Biên tập là đại diện ban, bộ, ngành đã trao đổi với tỉnh về các vấn đề quan tâm như: cơ chế, chính sách về cụm liên kết ngành công nghiệp; thu hút đầu tư nước ngoài; chính sách phát triển doanh nghiệp; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển đổi số, kết nối dữ liệu; phát triển công nghiệp hỗ trợ; chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo; các vấn đề về hạ tầng, phát triển giao thông; việc quản lý, tiếp cận nguồn lực đất đai; phát triển nguồn nhân lực của tỉnh; phát triển khoa học công nghệ; phát triển khu công nghiệp; nhà ở xã hội; các vấn đề về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn… Nhiều ý kiến cũng phân tích nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong triển khai các nghị quyết và để xuất giải pháp để tiếp tục triển khai các nghị quyết.
Quang cảnh buổi làm việc
Phát biểu tổng kết buổi làm việc, đồng chí Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển đánh giá cao sự chuẩn bị của Tỉnh Thái Nguyên cho buổi làm việc ngày hôm nay; cảm ơn sự tham gia, phối hợp tích cực của các bộ, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan; ghi nhận việc tổ chức triển khai các nghị quyết một cách chủ động, quyết liệt và những kết quả tích cực của Tỉnh Thái Nguyên trong thực hiện các nghị quyết 52-NQ/TW và 23-NQ/TW khi đạt được nhiều chỉ tiêu, mục tiêu đã nêu trong chương trình hành động của tỉnh ủy. Đồng chí lưu ý Tổ Biên tập nghiên cứu một số đề xuất của tỉnh về triển khai kế hoạch thực hiện các quy hoạch của địa phương; cơ chế tạo môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; chính sách cho các doanh nghiệp lớn; chính sách thúc đẩy các ngành ưu tiên; thu hút đầu tư nước ngoài; phát triển khoa học công nghệ, tạo thuận lợi cho chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo…
Đoàn công tác khảo sát tại Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG
Đồng chí Nguyễn Đức Hiển đề nghị tỉnh Thái Nguyên cung cấp, bổ sung thêm một số thông tin về thực hiện các nghị quyết; đề nghị Đoàn công tác tổng hợp, nghiên cứu, chắt lọc, tiếp thu tối đa các ý kiến tại buổi làm việc để phục vụ cho việc xây dựng Đề án sơ kết thực hiện các nghị quyết 52-NQ/TW và 23-NQ/TW cũng như trong tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước những quan điểm, chủ trương, định hướng, cũng như các cơ chế, chính sách hiệu lực, hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương nói riêng và đất nước nói chung trong bối cảnh mới.
Đoàn công tác tham quan dây chuyền sản xuất của TNG
Chiều cùng ngày, Đoàn công tác đã khảo sát, nắm tình hình thực tế tại Tỉnh Thái Nguyên, thăm một số doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh như: Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG; Công ty TNHH Mani Hà Nội - Nhà máy Phổ Yên 2. Đoàn đã khảo sát dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp; nghe đại diện Lãnh đạo các doanh nghiệp báo cáo về một số kết quả sản xuất kinh doanh nổi bật; các bài học kinh nghiệm, cách làm hay trong thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh và đề xuất, kiến nghị để doanh nghiệp phát triển thuận lợi trong thời gian tới.
Khảo sát quy trình sản xuất của TNG
Đồng chí Phó Trưởng Ban Nguyễn Đức Hiển, Trưởng đoàn công tác ghi nhận kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như nỗ lực của doanh nghiệp trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chăm lo cho người lao động. Đoàn công tác đã tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp để có thêm thông tin phục vụ cho hoàn thiện báo cáo của các đề án./.
Đoàn công tác nghe báo cáo của lãnh đạo công ty TNG
Đoàn công tác làm việc tại Công ty TNHH Mani Hà Nội - Nhà máy Phổ Yên 2
Đoàn công tác khảo sát tại Công ty TNHH Mani Hà Nội - Nhà máy Phổ Yên 2
Lãnh đạo doanh nghiệp giới thiệu đoàn công tác về quy trình sản xuất
Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế