Sign In

Hội thảo khoa học “Định hướng, nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trong bối cảnh mới mới”

09:00 02/07/2024
Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, khẳng định vai trò lãnh đạo nòng cốt của Đảng trong việc phát triển kinh tế hài hòa, đảm bảo mọi tầng lớp trong xã hội đều được hưởng lợi từ sự phát triển, không ai bị bỏ lại phía sau. Hơn 10 năm qua Chỉ thị số 40-CT/TW đã trở thành “kim chỉ nam” cho hoạt động tín dụng chính sách, thúc đẩy mối liên kết gắn bó mật thiết giữa Đảng - người dân - chính quyền trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, tạo cơ hội phát triển bền vững cho mọi tầng lớp nhân dân.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc

Để phục vụ xây dựng Đề án tổng kết Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 02/7/2024 Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức Hội thảo khoa học “Định hướng, nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trong bối cảnh mới mới” tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội. Hội thảo nhằm cung cấp thêm các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc tổng kết Chỉ thị số 40-CT/TW, nhất là đề xuất các quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp nhằm tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trong bối cảnh mới; để tín dụng chính sách tiếp tục phát huy vai trò, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm.

GS.TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu bế mạc

Hội thảo có sự chủ trì của các đồng chí: Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Đào Minh Tú, Ủy viên HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Dương Quyết Thắng, Ủy viên HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội. Tham dự hội thảo có hơn 200 đại biểu gồm đại diện một số ban, bộ, ngành; đại diện lãnh đạo các địa phương; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý;  các trường đại học và doanh nghiệp.

Đào Minh Tú, Ủy viên HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu thảo luận

Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận về thực trạng hoạt động của tín dụng chính sách xã hội sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW; phân tích các kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân của những thành tựu và hạn chế đó. Các đại biểu tham gia Hội thảo cùng phân tích các bài học kinh nghiệm, đánh giá về tình hình trong nước, quốc tế và những vấn đề đặt ra đối với tín dụng chính sách xã hội trong thời gian tới. Hội thảo được kỳ vọng cung cấp những luận cứ khoa học cho việc xây dựng các quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp mới trong việc phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội theo đúng chủ trương đường lối của Đảng đã đặt ra.

 

 

Đồng chí Dương Quyết Thắng, Ủy viên HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội phát biểu tham luận

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của hội thảo như: Thứ nhất, khẳng định mục tiêu thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng. Tín dụng chính sách xã hội là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu trên. Thứ hai, Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội ra đời đã đáp ứng đúng nguyện vọng của nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, thu hẹp khoảng cách phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa. 

Đoàn chủ tọa hội thảo

Thứ ba, bối cảnh, tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến nhanh, mạnh, phức tạp và khó lường. Nhiều xu hướng mới xuất hiện như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, Cách mạng công nghiệp 4.0; những vấn đề an ninh phi truyền thống như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… đang diễn biến ngày càng sâu sắc với những tác động nhiều chiều đến nền kinh tế nước ta. Tất cả những điều đó đang đặt ra những yêu cầu mới đối với hoạt động của tín dụng chính sách xã hội và đặt ra những yêu cầu cần phải có những quan điểm mới, giải pháp mới đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, nhất là nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của tín dụng chính sách xã hội. Thứ tư, Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhưng hoạt động tín dụng chính sách xã hội vẫn còn có nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần được khắc phục. Với chức năng là cơ quan tham mưu, giúp việc Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Kinh tế Trung ương được Ban Bí thư giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW.

TS. Triệu Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội phát biểu tham luận

Với những ý nghĩa nêu trên và để có thêm căn cứ khoa học và thực tiễn phục vụ cho việc xây dựng Báo cáo tổng kết Chỉ thị số 40-CT/TW trình Ban Bí thư, trên tinh thần khách quan, khoa học, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn đề nghị các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học và quý vị đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ một số vấn đề như:

Đồng chí Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu tham luận

Một là, phân tích, thảo luận, làm rõ hơn về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội đối với việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, từ đó chỉ ra tính sáng tạo, tính nhân văn sâu sắc, tính XHCN của tín dụng chính sách xã hội.

TS. Trần Lan Phương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát biểu tham luận

Hai là, Hội thảo sẽ tập trung vào những nội dung như vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội; thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; đảm bảo trật tự, an toàn xã hội; thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện…; phân tích, thảo luận, làm rõ thêm về các kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW như khó khăn về nguồn vốn, về cơ chế, chính sách đối với đối tượng cho vay, mức cho vay, lĩnh vực cho vay hay là sự phối hợp giữa các bên liên quan…

Đồng chí Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tham luận

Ba là, phân tích, thảo luận, làm rõ thêm bối cảnh mới trong nước và quốc tế, nhất là bối cảnh trong nước và những vấn đề đặt ra đối với tín dụng chính sách xã hội nhằm góp phần đạt được các mục tiêu đã đặt ra về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường và thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, ổn định xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…

Đồng chí Đoàn Ngọc Lưu, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam 

phát biểu tham luận

Bốn là, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, tính hiệu quả, bền vững của tín dụng sách xã hội, nhất là các quan điểm và cơ chế, chính sách mới nhằm tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trong bối cảnh mới; thực hiện hiệu quả các giải pháp đã được đưa ra trong Chỉ thị 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW.

PGS.TS. Lê Thị Thanh Tâm, Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu tham luận

Tại hội thảo, các đại biểu trình bày các báo cáo: (1) Kết quả thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư và vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; (2) Tín dụng chính sách xã hội cho phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi - Thực trạng và giải pháp; (3) Các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm phát huy hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư; (4) Xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội - Thực trạng và giải pháp; (5) Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tín dụng chính sách - Thực trạng và kiến nghị ; (6) Duy trì số dư tiền gửi 2% tại Ngân hàng Chính sách xã hội - Thực trạng, giải pháp và kiến nghị; (7) Nâng cao năng lực tài chính, năng lực hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội trong bối cảnh mới; (8) Bối cảnh tác động, thời cơ, thách thức và những vấn đề đặt ra đối với tín dụng chính sách xã hội - Khuyến nghị chính sách; (9) Thực trạng huy động nguồn vốn từ các cá nhân, tổ chức và xã hội vào Ngân hàng Chính sách xã hội - Bối cảnh, những vấn đề đặt ra và giải pháp. Hội thảo cũng quy tụ các chuyên gia, nhà quản lý cùng thảo luận xung quanh các vấn đề về: huy động, phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn vốn; đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội; vai trò, hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội; bối cảnh tác động và những vấn đề đặt ra đối với tín dụng chính sách xã hội; định hướng và giải pháp tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

TS. Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phát biểu thảo luận

 

Phát biểu bế mạc hội thảo, đồng chí Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cảm ơn các ý kiến thiết thực, trách nhiệm của các đại biểu. Đồng chí nêu rõ, các bài tham luận, ý kiến phát biểu của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà lãnh đạo, quản lý tại hội thảo đều khẳng định tín dụng chính sách xã hội là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước; là công cụ, giải pháp quan trọng để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về chính sách xã hội. Các bài tham luận, ý kiến phát biểu đã tập trung trao đổi, góp phần làm rõ thêm các kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW; phân tích bối cảnh mới và những vấn đề đặt ra đối với tín dụng chính sách xã hội. Các đại biểu cũng đã đề xuất nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả để tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tính dụng chính sách xã hội; cung cấp những cơ sở khoa học, thực tiễn và sự cần thiết của việc đề xuất, kiến nghị Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trong bối cảnh mới.

Đồng chí Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phát biểu thảo luận

Trên cơ sở hội thảo lần này, Ban Kinh tế Trung ương sẽ ghi nhận, tiếp thu tối đa tất cả các ý kiến trao đổi, thảo luận, góp ý cũng như nghiên cứu đầy đủ các tài liệu, các tham luận, báo cáo chuyên đề liên quan để tổng hợp, chắt lọc, phục vụ nhiệm vụ xây dựng Đề án tổng kết Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư khoá XI.

Quang cảnh hội thảo

 

Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế

Tag:

File đính kèm