Đồng chí Trưởng Ban Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo
Mở đầu cuộc họp, đông chí Trưởng ban Trần Lưu Quang đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của Nghị quyết số 52-NQ/TW đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là các vấn đề mới như chuyển đổi số, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đồng chí đề nghị các thành viên Tổ Biên tập phát biểu ý kiến về tình hình triển khai nhiệm vụ trong thời gian qua; cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành trong xây dựng Đề án. Về hình thức của các sản phẩm Đề án, đồng chí Trưởng Ban đề nghị các đồng chí dự họp cho ý kiến trực tiếp vào các nội dung của báo cáo cũng như các sản phẩm của Đề án, đặc biệt là các thành viên đến từ bộ, ngành liên quan. Trong đó, tập trung vào các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết 52 cần tập trung đánh giá, tìm ra nguyên nhân, đề xuất để tiếp tục thực hiện nghị quyết. Về các vấn đề mới chưa đề cập trong Nghị quyết 52, đồng chí Trưởng Ban đề nghị các thành viên Tổ Biên tập trao đổi thẳng thắn dưới góc độ bộ, ngành của mình. Đồng chí đề nghị các thành viên tham gia cho ý kiến phân tích về những thuận lợi và khó khăn trong việc lồng ghép, tích hợp phần đề xuất, kiến nghị của 03 đề án trình Bộ Chính trị do Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì thực hiện.
Đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban, Tổ phó Tổ Biên tập phát biểu tại cuộc họp
Tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban, Tổ phó Tổ Biên tập đã báo cáo đồng chí Trưởng Ban về tình hình các công việc Tổ Biên tập triển khai thời gian qua và các nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tới. Theo đồng chí, vừa qua Tổ Biên tập đã nhận được đầy đủ báo cáo của các đảng đoàn, Ban Cán sự đảng. Sau đó Thường trực Tổ Biên tập đã hoàn thiện sản phẩm, lấy ý kiến và cơ bản hoàn thành các sản phẩm của Đề án. Đồng chí cũng cho biết, trong bối cảnh hiện nay, cần đặt ra một số vấn đề mới để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 52 sau 5 năm thực hiện, trong đó cần lưu tâm đến các vấn đề như hạ tầng cho chính phủ số, công nghiệp công nghệ số, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát… Đồng chí cũng cho biết, do tính chất quan trọng của đợt sơ kết lần này, nhiệm vụ của Tổ Biên tập cần được thực hiện khẩn trương để hoàn thành các sản phẩm của Đề án.
Tại cuộc họp, các thành viên Tổ Biên tập đã báo cáo đồng chí Trưởng Ban về tiến độ thực hiện các công việc của mình cũng như các đề xuất của bộ ngành về các vấn đề liên quan đến Nghị quyết 52 như: kinh tế số, xã hội số, các vấn đề về viễn thông, ICT, phát triển công nghệ số, chuyển đổi xanh, an ninh mạng, nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, vai trò kinh tế nhà nước trong chuyển đổi số... Các thành viên Tổ Biên tập cũng trao đổi về cách thức thông tin, liên lạc với nhau để gấp rút hoàn thành Đề án với chất lượng cao nhất; nêu ý kiến thẳng thắn, trực diện để hoàn thiện nội dung các văn bản trình Bộ Chính trị. Các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận tập trung vào những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện, đặc biệt là việc thiếu đầu mối chính, nguồn lực thực hiện bị phân tán; bên cạnh đó, còn có nhiều VBQPPL cần được bổ sung, sửa đổi sớm để phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Đối với 03 đề án hiện nay, các thành viên tham dự họp đã cơ bản thống nhất việc chủ động triển khai từng đề án của Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông theo kế hoạch đã đề ra. Các cơ quan chủ trì sẽ báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định việc lồng ghép, tích hợp hay vẫn thực hiện riêng các đề án này với các kết luận, nghị quyết riêng.
Các thành viên Tổ Biên tập thảo luận
Sau khi thảo luận tại phiên họp, đồng chí Phó Trưởng Ban, Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh, Tổ Biên tập sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến, đề xuất để hoàn thiện bước tiếp theo, tập trung vào tờ trình và dự thảo các văn bản trình Bộ Chính trị.
Quang cảnh cuộc họp
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Trưởng Ban Trần Lưu Quang cảm ơn các ý kiến trao đổi tâm huyết của các thành viên Tổ Biên tập. Đồng chí đề nghị các bộ, ngành hoàn thiện ý kiến gửi Tổ Biên tập tổng hợp trước ngày 15/9/2024 để kịp tiến độ Đề án. Đồng chí yêu cầu các vấn đề, nhiệm vụ đặt ra phải rõ ràng, cụ thể; các giải pháp đề xuất phải có tính khả thi và cần có trọng tâm, trọng điểm; các nội dung liên quan đến thể chế cần nghiên cứu đầy đủ, toàn diện theo hướng tạo thông thoáng, tránh chồng chéo, huy động được tối đa các nguồn lực, đồng thời với nghiên cứu, xây dựng các mô hình cụ thể,… Đồng chí đề nghị Tổ Biên tập cần chắt lọc các ý kiến để hoàn thiện các sản phẩm báo cáo, tờ trình, dự thảo văn bản trình Bộ Chính trị với chất lượng cao nhất./.