Thực tiễn qua gần 40 năm thực hiện đổi mới cho thấy, kết quả vận dụng lý luận của Đảng về phát triển kinh tế đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Cùng với sự phát triển nhận thức tư duy lý luận của Đảng, việc thể chế hóa và cụ thể hóa các quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế đã giúp hình thành và ngày càng hoàn thiện đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam.
|
Quang cảnh tại Hội thảo |
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, qua gần 40 năm đổi mới, nhận thức của Đảng ta về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã từng bước được hình thành, không ngừng được bổ sung, hoàn thiện và phát triển. Đó là, khẳng định kinh tế thị trường là tất yếu, khách quan; là sản phẩm chung của văn minh nhân loại; là phương thức để xây dựng CNXH; kinh tế thị trường định hướng XHCN là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên CNXH; là một trong những trụ cột của thể chế phát triển nhanh và bền vững đất nước; là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường; đồng thời, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Kết quả vận dụng lý luận của Đảng về phát triển kinh tế đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Cùng với sự phát triển nhận thức tư duy lý luận của Đảng, việc thể chế hóa và cụ thể hóa các quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế đã giúp hình thành và ngày càng hoàn thiện đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam. Một số thành tựu phát triển kinh tế nổi bật qua 40 năm đổi mới có thể nhắc đến như: Tốc độ tăng trưởng vẫn duy trì được ở mức khá cao, tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2016-2023 đạt khoảng 6%/năm. Quy mô và tiềm lực nền kinh tế tăng lên với GDP đạt 430 tỷ USD năm 2023, nằm trong nhóm 35 nền kinh tế lớn nhất thế giới. GDP bình quân đầu người tiếp tục tăng nhanh, đạt hơn 4.200 USD năm 2023, qua đó Việt Nam đã ra khỏi nhóm nước đang phát triển có thu nhập thấp để gia nhập nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao. Chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện với tốc độ năng suất lao động bình quân tăng ổn định, giai đoạn 2021-2023 đạt khoảng 5%/năm. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế liên tục được cải thiện, giai đoạn 2021-2023 ước đạt khoảng 42%.
Bên cạnh những thành tựu về kinh tế, tính định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế Việt Nam không ngừng được củng cố. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm nhanh và liên tục qua các năm, còn 5,71% năm 2023; Chỉ số phát triển con người (HDI) liên tục cải thiện, đạt 0,73 điểm năm 2023, cao hơn nhiều so với các nước có cùng mức thu nhập.
|
PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội thảo. |
“Sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đang ở một giai đoạn phát triển hết sức quan trọng; cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước được nâng lên, là tiền đề quan trọng để tiếp tục xây dựng, phát triển đất nước, thực hiện thắng lợi mục tiêu 100 năm thành lập Đảng, qua đó tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện thành công mục tiêu 100 năm thành lập nước, để đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới của hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội” - PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.
Để nhìn nhận, đánh giá lại những thành tựu về lý luận cũng như kết quả vận dụng trong lĩnh vực kinh tế đạt được qua gần 40 năm đổi mới cũng như đề xuất các giải pháp, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đồng thời, để xác định những điểm mới về lý luận, kết quả mới trong tổng kết thực tiễn, nhằm đóng góp cho việc xây dựng Dự thảo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 40 bài tham luận của các nhà khoa học và hoạt động thực tiễn. Tại Hội thảo, các tham luận và ý kiến phát biểu tập trung vào các vấn đề chủ yếu sau:
Một là, làm rõ quá trình nhận thức của Đảng về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa qua gần 40 năm đổi mới, đặc biệt việc khẳng định đây là mô hình kinh tế tổng quát của Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, làm rõ bước chuyển trong nhận thức về tính tất yếu khách quan và vai trò của kinh tế thị trường đối với xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta; về sở hữu và các thành tố của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về vai trò lãnh đạo của Đảng; quản lý của Nhà nước và các tổ chức xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về cơ chế vận hành của nền kinh tế và phân phối trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về hội nhập kinh tế quốc tế; về đổi mới mô hình tăng trưởng…
Hai là, đánh giá, tổng kết kết quả vận dụng lý luận của Đảng về lĩnh vực kinh tế. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện; chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng tiếp tục được thể chế hóa thành luật pháp, cơ chế, chính sách ngày càng đầy đủ, đồng bộ hơn; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành, địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; các yếu tố thị trường và các loại thị trường tiếp tục hình thành, phát triển; nền kinh tế nhiều thành phần có bước phát triển mạnh. Hội nhập kinh tế quốc tế, quan hệ kinh tế của Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế ngày càng được mở rộng.
Ba là, gợi mở những điểm mới về lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực kinh tế gắn với bối cảnh hiện nay, đồng thời đề xuất một số định hướng cho thời gian tới. Tập trung ở một số điểm sau: Tiếp tục nâng cao sự thống nhất trong nhận thức về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; đẩy mạnh hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách, tập trung vào tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt đang bó buộc quá trình sản xuất, lưu thông, trao đổi, hội nhập, những vấn đề quan trọng đang cản trở sự phát triển kinh tế thị trường của nước ta; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chuyển dịch cơ cấu một cách nhanh chóng, toàn diện và hợp lý, đồng thời gắn liền với việc tái cấu trúc nền kinh tế; tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược và các mô hình, phương thức phát triển kinh tế mới. Đẩy mạnh việc tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy chuyển đổi số trong nền kinh tế; phát triển lực lượng doanh nghiệp dân tộc mạnh gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế đất nước nhanh, bền vững...
Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam