Các đồng chí: Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh; Đào Bảo Minh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh chủ trì Hội nghị.
|
Quang cảnh Hội nghị |
Theo Báo cáo tại Hội nghị, thời gian qua, công tác cải cách tư pháp được các cấp, các ngành trong tỉnh triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp chặt chẽ hơn. Chất lượng điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được nâng cao; công tác bổ trợ tư pháp chuyển biến tích cực, tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp được củng cố, kiện toàn. Hoạt động của các cơ quan tư pháp đã góp phần quan trọng đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Công tác giải quyết án hành chính trên địa bàn tỉnh cơ bản đạt chất lượng (án hành chính trên địa bàn tỉnh chủ yếu là về vấn đề đất đai, chiếm tỷ lệ 89,8%); bảo đảm quyền lợi chính đáng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, bảo vệ lợi ích Nhà nước, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội, củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Phú Yên tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng triển khai các giải pháp đột phá. Nhờ đó, tỷ lệ giải quyết án hành chính đạt 89,3%, số lượng án giải quyết tăng đáng kể so với trước đây.
|
Đồng chí Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh phát biểu kết luận Hội nghị |
Bên cạnh kết quả đạt được, việc giải quyết án hành chính trên địa bàn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như tỷ lệ giải quyết án vẫn còn thấp, tiến độ giải quyết một số vụ án hành chính phức tạp còn nhiều khó khăn, vướng mắc, bị kéo dài, trong đó chủ yếu là các vụ án hành chính liên quan đến khiếu kiện, tranh chấp đất đai; nhiều bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật nhưng chậm được triển khai thi hành, dẫn tới đương sự bức xúc, có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh ghi nhận những kết quả tích cực mà các cơ quan, đơn vị, địa phương đạt được thời gian qua.
Về nhiệm vụ năm 2024 và thời gian tới, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu: (1) Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của pháp luật, kịp thời có văn bản trình bày ý kiến đối với yêu cầu của người khởi kiện, cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ cho Tòa án; tham gia tố tụng hoặc ủy quyền tham gia tố tụng theo yêu cầu của Tòa án đúng quy định; nghiên cứu cử người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp đối với tất cả các vụ án mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp là người bị kiện để phục vụ tốt nhất việc tham gia tố tụng, tranh tụng trong quá trình giải quyết vụ án. (2) Các đơn vị chức năng liên quan chấn chỉnh công tác lưu trữ, quản lý hồ sơ, nhất là hồ sơ liên quan đến đất đai đảm bảo đầy đủ, khoa học, chặt chẽ để thuận lợi trong trích xuất hồ sơ phục vụ việc cung cấp hồ sơ, tài liệu cho Tòa án. (3) Các đơn vị, địa phương thường xuyên kiểm tra, rà soát các vụ việc nổi cộm, bức xúc của công dân; làm tốt công tác hòa giải đối thoại với công dân để giải quyết vấn đề ngay từ cơ sở tránh để xảy ra phức tạp, phát sinh án hành chính.
Đối với các vụ án hành chính đã có hiệu lực thi hành, đề nghị Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo xem xét thi hành án và yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp huyện thi hành án theo quy định pháp luật hoặc có giải pháp kiến nghị xem xét phù hợp, đúng quy định của pháp luật và không để kéo dài.
Lệ Hằng
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Phú Yên)