Năm 2024, xác định công tác tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ chính trị trọng tâm thường xuyên, là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, là giải pháp quan trọng trong chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Bộ Y tế yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải gương mẫu, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm của mình trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
|
Các đại biểu dự Hội nghị tuyên truyền, phổ biến công tác PCTNTC và tập huấn, hướng dẫn công tác kê khai, công khai tài sản thu nhập của Bộ Y tế |
Cần thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực một cách đồng bộ, thường xuyên, kiên quyết, phù hợp với tình hình thực tiễn của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong đó xác định phòng ngừa là chính. Chú trọng đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục các chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật các hành vi tham nhũng; ngăn chặn các hậu quả do hành vi tham nhũng gây ra.
Kết hợp các biện pháp phòng, ngừa tham nhũng trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; tập trung vào những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả; xác định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, thực hiện công khai các quy trình, thủ tục, chế độ và trách nhiệm của cán bộ công chức trong quản lý và thực thi công vụ.
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc, trực thuộc bộ cần cụ thể hóa nhiệm vụ và các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong chương trình, kế hoạch công tác, quy chế làm việc; qua đó làm căn cứ để xây dựng kế hoạch thực hiện tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị mình và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực một cách hiệu quả, thiết thực.
Theo yêu cầu của Bộ Y tế, kế hoạch và quá trình tổ chức thực hiện phải bảo đảm quán triệt quan điểm, mục tiêu, giải pháp của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên quan điểm phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý tham nhũng là quan trọng, cấp bách.
Các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải khả thi, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đặc thù của từng cơ quan, đơn vị. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, thu hồi tài sản tham nhũng kịp thời, hiệu quả theo quy định của pháp luật.
Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời những người có hành vi tham nhũng, tiêu cực, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực, can thiệp, cản trở.
Bộ Y tế giao Thanh tra Bộ chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện kế hoạch này, đồng thời xây dựng trình Bộ phê duyệt và tổ chức triển khai Kế hoạch kiểm tra, giám sát tổng hợp báo cáo Bộ về kết quả thực hiện; tổng hợp, dự thảo báo cáo định kỳ của Bộ Y tế theo quy định.
P.V