Theo đó, để tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành thành phố tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật; xác định xây dựng pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.
|
Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII |
Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của thành phố thuộc lĩnh vực công tác của đơn vị mình.
Trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trên cơ sở lĩnh vực, ngành theo dõi phụ trách và nhiệm vụ UBND thành phố giao, trong tháng 12 hằng năm, các đơn vị chủ động rà soát, lập danh mục đề xuất kế hoạch ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm tiếp theo để bảo đảm sự chủ động, nâng cao chất lượng công tác lập hồ sơ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Các sở, ngành tham mưu HĐND thành phố, UBND thành phố kịp thời ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền; lưu ý cần nghiên cứu kỹ nội dung đề xuất, báo cáo để UBND thành phố chỉ đạo, tránh trường hợp xin rút nội dung không ban hành trong quá trình thực hiện.
Chủ động thực hiện quy trình lấy ý kiến góp ý, tham vấn của các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan đến nội dung, lĩnh vực quản lý của từng ngành theo quy định để bảo đảm đầy đủ tính pháp lý của văn bản quy phạm pháp luật sau khi được ban hành có hiệu quả, chất lượng.
Rà soát, đánh giá kết quả triển khai thực hiện sự chỉ đạo của HĐND Thành phố, UBND Thành phố về công tác xây dựng thể chế và tổ chức thi hành pháp luật, phát hiện tồn tại, khó khăn. Từ đó, có các giải pháp, biện pháp phù hợp để đẩy mạnh tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ đạo về xây dựng thể chế và tổ chức thi hành pháp luật ở Sở, ngành mình.
Tham mưu, đề xuất việc ban hành văn bản phải đúng thẩm quyền về nội dung và hình thức theo quy định của pháp luật; hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải đầy đủ các tài liệu theo quy định và đảm bảo chất lượng của từng tài liệu. Không trình HĐND Thành phố, UBND Thành phố hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản hành chính có chứa quy phạm pháp luật.
Chủ động việc lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo đúng trình tự, thủ tục, thời hạn được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Quá trình soạn thảo văn bản cần bám sát các chính sách đã được thông qua, tuân thủ nghiêm trình tự, thủ tục, đặc biệt là thời hạn soạn thảo, tránh tình trạng do yêu cầu về thời gian nên xin áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn mà không thuộc các trường hợp được áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn; tăng cường kiểm soát việc ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, dự thảo văn bản và các tổ chức, hiệp hội, các chuyên gia, nhà khoa học, người làm thực tiễn bằng hình thức phù hợp. Nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp, ý kiến thẩm tra của các Ban của HĐND Thành phố, của Thành viên UBND Thành phố đối với các đề nghị xây dựng văn bản, dự thảo văn bản, trường hợp không tiếp thu phải có báo cáo giải trình đầy đủ; tăng cường phản biện xã hội, truyền thông đối với các bản quy phạm pháp luật có tác động lớn đến người dân và doanh nghiệp.
Rà soát đầy đủ, tăng cường đề xuất một văn bản để quy định chi tiết nhiều nội dung của văn bản quy phạm pháp luật cấp trên giao nhằm hạn chế xây dựng, ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết thi hành, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện. Tập trung các nguồn lực để tổ chức soạn thảo văn bản quy định chi tiết đúng thời hạn. Kịp thời báo cáo HĐND Thành phố, UBND Thành phố về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình soạn thảo văn bản quy định chi tiết.
Trong công tác rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cần chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực do Sở, ban, ngành quản lý để xem xét sự phù hợp với hệ thống pháp luật và đòi hỏi của thực tiễn. Tăng cường kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Thành phố thuộc các lĩnh vực do các sở, ban, ngành, cơ quan mình quản lý, kịp thời phát hiện các nội dung trái pháp luật và kiến nghị biện pháp xử lý.
Thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật để kịp thời đề xuất, soạn thảo, trình HĐND Thành phố, UBND Thành phố ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý.
Trong công tác tổ chức thi hành pháp luật cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; đẩy mạnh hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Chú trọng tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, người dân về vướng mắc, bất cập trong thực thi chính sách, pháp luật. Nghiên cứu, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết, Nghị định, Thông tư của Trung ương, các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND Thành phố, UBND Thành phố.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật, nhất là trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp.
Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi “tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm” trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật, trong đó tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp: Chủ động báo cáo, xin ý kiến của các cấp ủy, tổ chức Đảng theo quy định tại các văn bản của Đảng về những chính sách quan trọng, những định hướng lớn trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Nâng cao năng lực, phẩm chất cho cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật thông qua việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, công chức nhằm nêu cao tinh thần cảnh giác, không để bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh nhằm cài cắm lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, làm sai lệch chủ trương chính sách, nội dung văn bản quy phạm pháp luật. Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc tham mưu xây dựng, ban hành văn bản trái pháp luật.
P.V